Chờ...

Dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ em và người lớn

( VOH ) - Vì dấu hiệu sốt siêu vi thường giống với nhiều bệnh thường gặp khác, nhất là sốt xuất huyết nên chúng ta cần nắm được dấu hiệu nhận biết sốt siêu vi để kịp thời chữa trị.

Sốt siêu vi là tình trạng nhiễm virus, đặc trưng bởi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Bệnh này khá phổ biến ở trẻ em và người già do hệ miễn dịch suy giảm. Nhiễm virus có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, ruột, phổi hay hệ hô hấp…

1. Dấu hiệu sốt siêu vi ở người lớn

Đối với người lớn, triệu chứng sốt siêu vi thường là:

1.1 Cơ thể mệt mỏi nặng nề

dau-hieu-sot-sieu-vi-o-tre-em-va-nguoi-lon-voh-1

Bị sốt siêu vi người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi (Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn đầu cơ thể mới nhiễm bệnh thì các virus gây ra sự mất cân bằng khiến cơ thể mệt mỏi, nặng nề. Đây là triệu chứng đặc biệt của sốt siêu vi ở người lớn.

1.2 Đau nhức cơ bắp

Ngoài mệt mỏi thì các cơ bắp cũng bắt đầu có biểu hiện đau nhức. Những cơn đau nhức sẽ kéo dài đến khi bạn khỏi bệnh.

1.3 Sốt cao

Sốt cao là dấu hiệu sốt siêu vi ở người lớn dễ nhận biết nhất. Thời gian đầu, cơ thể bạn sẽ sốt nhẹ rồi nhiệt độ từ từ tăng lên do sự lây nhiễm càng mạnh. Lúc này bạn nên tìm cách hạ sốt để tránh trường hợp sốt cao 40 – 41 độ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

1.4 Nghẹt mũi

Triệu chứng này thường gây cảm giác khó chịu, người bệnh cần phải dùng thuốc kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến cơ quan hô hấp.

1.5 Ho và chảy nước mũi

Người bệnh sẽ ho và chảy nước mũi thường xuyên khi bị sốt siêu vi. Để tránh lây lan, bạn nên sử dụng khăn riêng và tránh tiếp xúc với người khác.

1.6 Da nổi mẩn đỏ

Da nổi mẩn đỏ cũng có thể là do dị ứng nên rất khó phân biệt. Vì vậy, bạn cần dựa vào tình trạng sức khỏe bản thân cùng các triệu chứng khác để nhận biết hoặc thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chuẩn xác nhất.

2. Dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ em

Khi trẻ bị sốt siêu vi sẽ có những biểu hiện sau đây, các mẹ hãy chú ý để kịp thời nhận biết và chữa trị cho con.

2.1 Sốt cao

Trẻ bị sốt siêu vi thường có nhiệt độ từ 38-39 độ C, thậm chí lên đến 40-41 độ C.

dau-hieu-sot-sieu-vi-o-tre-em-va-nguoi-lon-voh-1

Trẻ sốt cao có thể là dấu hiệu nhận biết sốt siêu vi (Nguồn: Internet)

2.2 Đau đầu

Trẻ thường có dấu hiệu quay cuồng, nhức đầu dữ dội, có cảm giác chao đảo. Lúc này, tuần hoàn máu mạnh và mạch máu căng ra.

2.3 Mắt sưng

Trẻ có xu hướng nhắm nghiền mắt và nằm co lại, khuôn mặt bị phù nề, mắt sưng húp.

2.4 Viêm đường hô hấp

Bị sốt siêu vi trẻ thường có những biểu hiện như họng bị sưng tấy, đỏ, ho thường xuyên, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi,.…

2.5 Nôn

Trẻ thường nôn nhiều lần sau khi ăn do viêm họng, kích thích chất nhầy.

2.6 Phát ban

Phần lớn trẻ phát ban khoảng 2-3 ngày sau khi sốt siêu vi.

2.7 Đau nhức mình

Trẻ bị đau cơ bắp nhưng không nói được hoặc khó nói nên có thể quấy khóc.

2.8 Rối loạn tiêu hóa

Thường xuất hiện sớm do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt kèm theo đại tiện lỏng, không có máu, chất nhầy.

2.9 Viêm hạch

Viêm hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Lưu ý: Tùy vào mỗi cơ địa sẽ có những triệu chứng khác nhau, những triệu chứng kể trên có thể gặp ở người này nhưng lại không xuất hiện ở người khác. Do đó, khi bị sốt cao mà dùng thuốc không giảm, kèm những biểu hiện bất thường trên cơ thể thì bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay.

3. Cách chăm sóc người bệnh sốt siêu vi

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sốt siêu vi có thể chữa khỏi bệnh tại nhà nếu được chăm sóc đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý để bạn biết cách chăm sóc bệnh nhân sốt siêu vi an toàn nhất:

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng: Khi bị sốt siêu vi, cơ thể bệnh nhân sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Nếu không cung cấp đủ dưỡng chất, cơ thể dễ bị suy kiệt và tạo điều kiện thuận lợi cho virus tấn công dễ dàng. Do đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi, uống đủ nước, ăn những thực phẩm giàu vitamin C, probiotic, protein.
  • Tìm cách hạ sốt: Nếu bệnh nhân sốt cao cần được chườm mát hoặc lau người bằng nước ấm để hạ sốt. Bên cạnh đó, người bệnh cần uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh co giật do sốt cao.
  • Cấp cứu kịp thời: Nếu bệnh nhân sốt cao, uống thuốc không thuyên giảm mà co giật liên tục thì nên đưa đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Lúc này, tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp dân gian để tự điều trị tại nhà.

Một điều đáng lưu ý nữa là khi bị sốt siêu vi, cảm lạnh, ho và hắt hơi nhiều thì người bệnh cần tránh đến những khu vực đông người, luôn che chắn miệng khi giao tiếp để tránh lây lan cho người thân và trong cộng đồng.