Hội chứng sjogren là gì?

(VOH) - Hội chứng sjogren là một rối loạn của hệ thống miễn dịch, biểu hiện bởi 2 triệu chứng phổ biến là khô mắt và miệng. Để hiểu rõ hơn về hội chứng này hãy tìm hiểu qua những thông tin dưới đây.

1. Hội chứng sjogren là gì?

Hội chứng sjogren là bệnh gây ra do viêm các tuyến tiết nước mắt (tuyến lệ), nước bọt và các chất khác. Viêm khớp, phổi, thận, mạch máu, dây thần kinh và cơ cũng có thể xảy ra.

hoi-chung-sjogren-la-gi-voh

Hội chứng sjogren đặc trưng bởi tình trạng khô mắt và miệng (Nguồn: Internet)

Hội chứng sjogren thường đi kèm với rối loạn hệ miễn dịch khác như viêm khớp dạng thấp hay bệnh lupus. Trong hội chứng sjogren, màng nhầy và tuyến ẩm tiết của mắt (tuyến lệ) vag miệng thường bị ảnh hưởng đầu tiên – kết quả là sụt giảm lượng nước mắt và nước bọt.

Hội chứng này được mô tả vào năm 1933 bởi Henrik Sjogren và bệnh cũng được đặt theo tên của ông.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng sjogren

Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ nhưng nó được cho là sự kết hợp giữa di truyền và yếu tố kích hoạt môi trường như tiếp xúc với virus hoặc vi khuẩn. Nó có thể xảy ra độc lập với các vấn đề sức khỏe khác (hội chứng sjogren nguyên phát) hoặc là kết quả của một rối loạn mô liên kết khác (hội chứng sjogren thứ phát). 

Hội chứng sjogren không phải là bệnh truyền nhiễm.

Những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng sjogren bao gồm:

  • Tuổi tác: Hội chứng sjogren thường được chẩn đoán ở những người từ 40 tuổi trở lên.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
  • Mắc các bệnh lý khác như bệnh thấp khớp hoặc lupus.

3. Triệu chứng của hội chứng sjogren

Triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết hội chứng sjogren nhất là khô mắtkhô miệng.
Khô mắt có thể khiến bạn có cảm giác như có cát dưới mí mắt, mắt nóng rát, tăng sự nhạy cảm với ánh sáng, nước mắt giảm và loét mắt.

Khô miệng có thể gây khó nhai và nuốt thức ăn khô, tăng nguy cơ sâu răng, bệnh về nướu và nhiễm trùng miệng.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác như:

  • Thị lực nhòe.
  • Ngứa mắt, đỏ mắt.
  • Khô môi và họng, khát và đau miệng.
  • Sốt, phát ban.
  • Mệt mỏi hoặc thở gấp.
  • Đau khớp.
  • Đau dạ dày.
  • Sưng các tuyến ở má, sưng hạch bạch huyết.
  • Phụ nữ có thể bị khô âm đạo.
  • Ho mãn tính.
  • Tê ở cánh tay và chân.

Khi có những triệu chứng này bạn nên đi khám để kiểm tra xem có phải bạn đang mắc hội chứng sjogren hay không. Ngoài những triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh của bạn hoặc thực hiện một số xét nghiệm như kiểm tra tốc độ lắng máu (ESR), xét nghiệm máu toàn bộ (CBC) và xét nghiệm kháng thể Sjogren,…để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

4. Điều trị hội chứng sjogren bằng cách nào?

Hội chứng sjogren chủ yếu được điều trị theo hướng điều trị triệu chứng cho người bệnh. Các biện pháp có thể gồm:

  • Đối với khô mắt, bác sĩ chỉ định dùng thuốc để duy trì độ ẩm cho mắt. Nước mắt nhân tạo hoặc thuốc mỡ bôi trơn mắt có thể được dùng trong trường hợp này.
  • Đối với khô miệng, người bệnh có thể nhai kẹo cao su không đường, thường xuyên uống nước.
  • Ở những người bị bệnh đau khớp hoặc cơ, ibuprofen có thể được sử dụng. Hoặc thuốc kháng viêm không steroid có thể giúp bạn giảm đau cơ và sưng. 

hoi-chung-sjogren-la-gi-voh

Khi có dấu hiệu của hội chứng sjogren thì nên đi khám để được điều trị kịp thời (Nguồn: Internet)

Hiện nay, vì hội chứng sjogren không rõ nguyên nhân nên chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên, một số việc làm như vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày, sử dụng nước mắt nhân tạo, mang kính khi đi ra đường, uống đủ nước mỗi ngày, dùng kem dưỡng da nếu da khô,…cũng có thể góp phần để hội chứng sjogren không tiến triển thêm.