Những cách khắc phục chứng khô miệng mà bạn nên biết

(VOH) - Khi bị căng thẳng và mất nước, tuyến nước bọt của bạn có thể không tạo ra đủ nước bọt gây khô miệng. Chứng khô miệng không chỉ đơn giản nhắc bạn phải uống nước mà còn cảnh báo bệnh tật.

1. Khô miệng là bệnh gì?

Khô miệng (xerostomia) là tình trạng miệng khô một cách bất thường. Thông thường, khô miệng là do tuyến nước bọt suy giảm bài tiết và tác dụng phụ của thuốc. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến nước bọt cũng có thể gây khô miệng, nhưng trường hợp này ít gặp.

Khô miệng có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là những người thường xuyên lo lắng, khó chịu hoặc căng thẳng.

nhung-cach-khac-phuc-chung-kho-mieng-ma-ban-nen-biet-voh-1

Khô miệng do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân bị khô miệng

Chứng khô miệng có rất nhiều nguyên nhân như:

2.1 Do thuốc

Tác dụng phụ của thuốc gây khô miệng, thường gặp là thuốc điều trị trầm cảm, đau dây thần kinh, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau.

2.2 Do lão hóa

Quá trình lão hóa không phải là nguyên nhân chính gây khô miệng. Tuy nhiên, những người cao tuổi hay dùng thuốc có thể gây khô miệng hoặc họ có nhiều rối loạn sức khỏe khác có thể gây ra khô miệng.

2.3 Điều trị ung thư

Thuốc hóa trị liệu có thể thay đổi bản chất và số lượng sản xuất của nước bọt. Xạ trị ở đầu và cổ có thể làm hỏng các tuyến nước bọt, gây sụt giảm đáng kể sản xuất nước bọt.

2.4 Tổn thương thần kinh

Một chấn thương hoặc phẫu thuật gây tổn thương thần kinh vùng đầu và cổ cũng có thể dẫn đến khô miệng.

2.5 Hút thuốc lá

Hút thuốc lá cũng có thể làm tăng triệu chứng khô miệng.

2.6 Một số nguyên nhân khác

Khô miệng có thể là hậu quả của một số bệnh bao gồm các bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren (là một bệnh tự miễn toàn thân, trong đó các tế bào miễn dịch tấn công và phá hủy tuyến ngoại tiết sản xuất nước mắt và nước bọt, gây khô mắt và khô miệng) hay HIV/AIDS. Ngoài ra, thói quen ngủ ngáy và thở bằng miệng cũng là nguyên nhân gây khô miệng.

3. Cách chữa bị khô miệng

Để chẩn đoán khô miệng, bác sĩ sẽ kiểm tra miệng và kiểm tra các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng. Đôi khi có thể cần xét nghiệm máu, chụp các tuyến nước bọt hoặc các xét nghiệm để đo lường lượng nước bọt nhằm xác định nguyên nhân. Nếu nghi ngờ khô miệng là do hội chứng Sjogren, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết tế bào tuyến nước bọt.

Để điều trị chứng khô miệng hiệu quả cần dựa vào nguyên nhân. Cụ thể:

  • Nếu nguyên nhân do thuốc, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang một loại thuốc khác mà không gây khô miệng.
  • Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm miệng bao gồm nước súc miệng, nước bọt nhân tạo hoặc chất dưỡng ẩm để bôi trơn miệng.
  • Nếu tình trạng khô miệng nặng, bác sĩ có thể kê thuốc (pilocarpine hoặc cevimeline) để kích thích sản xuất nước bọt.

Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm triệu chứng khô miệng:

nhung-cach-khac-phuc-chung-kho-mieng-ma-ban-nen-biet-voh-2

Uống nước đầy đủ mỗi ngày để phòng tránh khô miệng (Nguồn: Internet)

  • Uống từng ngụm nước hoặc hút nước nhiều lần trong ngày để làm ẩm miệng và uống nước trong bữa ăn để hỗ trợ nhai và nuốt.
  • Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo cứng không đường để kích thích tăng lưu lượng nước bọt.
  • Thở bằng mũi, không thở bằng miệng. Nếu mắc chứng ngáy ngủ cần tìm biện pháp điều trị ngay.
  • Thêm độ ẩm cho không khí vào ban đêm bằng cách dùng máy tạo độ ẩm phòng.
  • Giữ ẩm môi để làm dịu vùng da khô hay nứt.
  • Sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng có chứa flouride và khám nha khoa thường xuyên.

Lời khuyên: Để phòng tránh bị khô miệng bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế uống nước có chứa cafein, không hút thuốc, sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm môi và giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt, đặc biệt nên hít thở bằng mũi, đừng hít thở bằng miệng.