Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Sán lợn và dịch tả lợn châu Phi – dịch nào nguy hiểm hơn?

(VOH) - Gần đây, nhiều người đang lo ngại về độ an toàn của thịt lợn đối với sức khỏe, bởi hiện nay dịch tả lợn và dịch sán lợn đang hoành hành trên diện rộng.

Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh sán lợn (sán lợn gạo) và dịch tả lợn châu Phi. Từ đó, bạn sẽ sớm nhận biết bệnh cũng như có cách phòng tránh tốt nhất.

Những thông tin về bệnh sán lợn

  1. Sán lợn là gì?

Sán lợn là một căn bệnh chủ yếu ở các nước đang phát triển ở châu Á và châu Mỹ La tinh. Bệnh sán lợn ở người xảy ra khi người bệnh ăn phải trứng hoặc ấu trùng sán lợn.

Thông thường, sau 24 – 72 giờ kể từ khi ăn phải ấu trùng, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ. Sau 2 tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài, còn được gọi là gạo lợn, trong nang gạo lợn có dịch màu trắng. Ấu trùng sán lợn có thể đi đến bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ , mắt, da và đặc biệt là não, hệ thần kinh trung ương (chiếm 60 – 80% trường hợp).

san-lon-va-dich-ta-lon-chau-phi-dich-nao-nguy-hiem-hon-voh-1

Miếng thịt nhiễm sán lợn (Nguồn: Internet)

  1. Nguyên nhân gây sán lợn

Mắc bệnh sán lợn ở người thường do 2 nguyên nhân chính:

  • Ăn phải trứng của sán dây lợn từ phân người bị mắc sán lợn đào thải ra môi trường thông qua thực phẩm, rau, quả, nước nhiễm trứng sán lợn, nhất là ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi.
  • Ăn phải ấu trùng sán lợn do ăn thịt lợn bị nhiễm sán (sán lợn gạo) chưa nấu chín, những món ăn dễ gây nhiễm sán lợn như tiết canh, nem chua, nem chạo,…
  1. Bệnh sán lợn biểu hiện như thế nào?

Người nhiễm bệnh sán lợn có thể có rất ít hoặc không có triệu chứng gì suốt nhiều năm liền.

Nếu có, ở da sẽ có các nang nhỏ bằng hạt đỗ, đường kính khoảng từ 5 – 10mm, đôi khi lớn hơn. Thường nổi ở mặt trong cánh tay nhưng có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào và có tính cách đối xứng, thường không đau, di động trên nền sâu, lặn dưới da.

Khi xuất hiện ở não, biểu hiện là u trong não gây nên nhiều triệu chứng như động kinh, rối loạn vận động, rối loạn tâm thần, có thể bị liệt, thậm chí đột tử.

Ở mắt, ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể,…gây giảm thị lực hoặc bị mù tùy theo vị trí của ấu trùng trong mắt. Nếu ấu trùng ở cơ tim sẽ gây tim đập nhanh, rối loạn nhịp, có thể bị ngất.

Khi ăn phải sán lợn thì chỉ từ 10 – 15 ngày, bạn đi xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA có thể phát hiện có dương tính với sán lợn hay không.

  1. Nguyên tắc điều trị và phòng tránh

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Trường ĐH Y Hà Nội), nếu dương tính với sán lợn, người bệnh chỉ cần uống thuốc (thuốc diệt sán lợn) theo bác sĩ kê đơn và khám lại sau một thời gian.

Tuy nhiên, với những người bị sán lâu ngày khiến sán đóng kén thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Nếu có chèn ép thần kinh, gây tắc, giãn não thất, ứ nước trong não, cần phẫu thuật.

Có thể phòng ngừa sán lợn bằng cách vệ sinh môi trường, quản lý phân thật tốt (ở nông thôn, miền núi cần có hố xí hợp vệ sinh), cần có nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng trong việc phòng bệnh sán lợn. Bạn cần ăn chín, uống chín, tuyệt đối không ăn thịt lợn tái, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo,…Đặc biệt không ăn thịt lợn gạo và hạn chế ăn rau sống.

Dịch tả lợn là gì, có nguy hiểm không?

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh do virus gây bệnh xuất huyết ở lợn. Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là một loại virus DNA lớn thuộc họ Asfarviridae.

san-lon-va-dich-ta-lon-chau-phi-dich-nao-nguy-hiem-hon-voh-2

Heo bị nhiễm dịch tả lợn có xuất huyết dưới da (Nguồn: Internet)

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TPHCM, trước hết cần phải khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho người. Tuy nhiên, heo mắc bệnh này thì 100% là chết. Đây là môi trường cho những bệnh khác phát triển, nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo bà Lan, thịt lợn bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi thường có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng như:

  • Trên da và tai lợn có những đốm xuất huyết lấm tấm, tai lợn có màu tím xanh.
  • Khi lợn bị giết mổ thì toàn bộ nội tạng bị xuất huyết.
  • Miếng thịt nhiễm tả lợn châu Phi có màu lạ như: nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt.
  • Thịt lợn bệnh không có độ đàn hồi, ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt.

Như vậy, bệnh dịch tả lợn không lây cho người nên mọi người không nên tẩy chay thịt lợn. Điều quan trọng nhất là mọi người cần chọn mua thịt lợn tươi, có nguồn gốc rõ ràng ở những địa chỉ uy tín, chế biến đúng cách để đảm bảo sức khỏe.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com
  3. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
  4. Trang thanhnien.vn
Mách bạn cách nhận biết thịt sạch với thịt nhiễm giun sán và hóa chất: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thịt bẩn, chứa hóa chất khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn cách nhận biết thịt sạch với thịt bẩn vô cùng đơn giản. 
Sự nguy hiểm của sán lợn và cách điều trị: Các bệnh do sán lợn (sán dây và ấu trùng sán lợn) gây ra thường lành tính. Tuy nhiên, người nhiễm sán sẽ gặp nguy hiểm nếu ấu trùng sán lợn tấn công vào não và tim.
Bình luận