1. Suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp là hội chứng lâm sàng với triệu chứng đặc trưng là thiểu niệu, vô niệu, chất ure và creatinin trong máu tăng nhanh. Hội chứng này xuất hiện khi chức năng của thận bị suy sụp nhanh chóng do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng làm giảm hoặc mất hoàn toàn mức lọc của vi cầu thận.
Suy thận cấp có tỉ lệ tử vong cao, vì vậy bạn cần quan tâm đến bệnh lý này để có biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp.
Suy thận cấp là trường hợp nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời (Nguồn: Internet)
2. Vì sao bị suy thận cấp?
Suy thận cấp trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau nên từ đó cũng có nhiều cách phân loại. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây suy thận cấp có thể ảnh hưởng ở trước thận, tại thận, sau thận và một số trường hợp không rõ nguyên nhân. Cụ thể:
2.1 Suy thận cấp trước thận
Suy thận cấp trước thận còn gọi là suy thận cấp chức năng gồm sốc giảm thể tích, sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, sốc quá mẫn. Sốc giảm thể tích thường do xuất huyết vì chấn thương, phẫu thuật, phá thai, bỏng, tiêu chảy, nôn, dùng thuốc lợi tiểu,…Sốc tim thường do nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim,…Sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn tử cung,…Sốc quá mẫn thường do sốc phản vệ.
2.2 Suy thận cấp tại thận
Suy thận cấp tại thận còn gọi là suy thận cấp có tổn thương thực thể gồm hoại tử ống thận cấp, viêm cầu thận cấp, viêm thận – bể thận cấp, viêm kẽ thận cấp, bệnh mạch máu thận, hội chứng gan – thận, bệnh thận trong thai sản, các bệnh thận khác,…
2.3 Viêm thận cấp sau thận
Chủ yếu do tắc nghẽn vì sỏi tiết niệu, u bàng quang, u tuyến tiền liệt, u trong ổ bụng, bị thắt nhầm niệu quản khi mổ,…
3. Triệu chứng suy thận cấp
Tình trạng suy thận cấp thường diễn biến qua 4 giai đoạn, tùy vào từng giai đoạn mà triệu chứng suy thận cấp sẽ khác nhau. Các giai đoạn gồm:
3.1 Giai đoạn khởi đầu
Đây là giai đoạn các tác nhân gây bệnh tấn công, dẫn đến tình trạng vô niệu. Diễn biến bệnh dài hay ngắn tùy vào nguyên nhân. Ở những bệnh nhân có thận bị nhiễm độc thì tình trạng vô niệu có thể xảy ra trong vòng 24 giờ đầu. Ở những bệnh nhân sốc sẽ có tình trạng thiểu niệu khi huyết áp tâm thu giảm xuống dưới 70mmHg.
3.2 Giai đoạn thiểu niệu – vô niệu
Đây là giai đoạn toàn phát của bệnh. Tình trạng thiểu niệu – vô niệu có thể kéo dài khoảng 1 – 2 ngày cho đến vài tuần. Đối với tình trạng vô niệu do hoại tử ống thận, trung bình sau 7 – 14 ngày, bệnh nhân có thể đi tiểu trở lại. Trường hợp vô niệu do sỏi thận có thể kéo dài trên 4 tuần.
Các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trong giai đoạn này chủ yếu là lượng nước tiểu trong 24 giờ từ 500ml giảm xuống còn 5ml (tùy từng trường hợp). Ngoài ra còn có:
- Xét nghiệm nồng độ creatinin huyết tương tăng, các triệu chứng của tăng ure máu như chảy máu nội tạng, viêm màng ngoài tim, biểu hiện rối loạn não.
- Rối loạn điện giải, tăng kali máu gây ra các rối loạn nhịp tim như sóng T cao, QT ngắn, ngoại tâm thu thất, rung thất, xoắn đỉnh.
- Toan chuyển hoá: pH, HCO3 máu giảm, có khoảng trống anion. Người bệnh thở sâu, giãn mạch, tụt huyết áp.
3.3 Giai đoạn đi tiểu trở lại
Giai đoạn này bệnh nhân có biểu hiện tăng dần lượng nước tiểu, đây là dấu hiệu khởi đầu cho sự phục hồi chức năng thận. Thông thường, lúc đầu người bệnh đi tiểu từ 200ml lên 500ml, sau tăng lên khoảng 2 lít mỗi ngày, có trường hợp tiểu từ 4 – 6 lít/ngày. Thực tế, việc đi tiểu nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lượng nước đưa vào cơ thể và tùy nguyên nhân gây bệnh.
Biểu hiện sau những ngày đầu bệnh nhân đi tiểu trở lại gồm:
- Lượng nước tiểu tăng nhiều.
- Ure niệu và creatinin niệu tăng dần.
- Ure máu, creatinin máu giảm dần.
- Mức lọc của vi cầu thận tăng.
3.4 Giai đoạn phục hồi
Trong giai đoạn này, đối với bệnh nhân suy thận cấp có hoại tử ống thận đơn thuần, ít biến chứng thì trung bình sau 1 tháng lượng ure máu, creatinin máu giảm và trở lại bình thường. Sức khỏe của người bệnh dần được phục hồi, đa số trường hợp có thể trở lại cuộc sống bình thường.
4. Suy thận cấp có chữa được không?
Điều trị suy thận cấp dựa vào nguyên nhân và giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể:
- Giai đoạn đầu: Bù nước khi mất nước, loại bỏ tắc nghẽn đường tiểu,…và theo dõi tình trạng thiểu niệu, vô niệu để có chẩn đoán suy thận cấp sớm.
- Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu: Giữ cân bằng nước, điện giải, dùng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp suy thận cấp trước thận cần bù đủ thể tích tuần hoàn càng sớm càng tốt. Ngoài ra, còn có thể điều trị tăng kali máu, điều trị các rối loạn điện giải nếu có, hạn chế tăng nitơ phiprotein bằng chế độ ăn giảm đạm để loại bỏ ổ nhiễm khuẩn, điều trị chống toan máu, điều trị các triệu chứng như tăng huyết áp, suy tim…
- Giai đoạn đi tiểu trở lại: Chủ yếu cân bằng nước điện giải.
- Giai đoạn phục hồi chức năng: Chú ý chế độ ăn cần tăng đạm khi ure máu đã về mức bình thường. Tiếp tục điều trị nguyên nhân nếu có.
Chữa suy thận cấp bằng cách nào? (Nguồn: Internet)
5. Suy thận cấp có nguy hiểm không?
Trước đây, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy thận cấp rất cao, có khi lên đến 90%. Hiện nay, nhờ những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực lọc ngoài thận và kỹ thuật hồi sức nên tỷ lệ tử vong còn khoảng 50%.
Các biến chứng có thể gặp trong suy thận cấp bao gồm:
- Toan chuyển hóa và tăng kali máu.
- Tăng thể tích máu và phù phổi.
- Nguy cơ suy dinh dưỡng.
- Nhiễm trùng bệnh viện.
- Xuất huyết tiêu hóa do loét cấp.
- Những biến chứng tim mạch như viêm tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,…
Vì suy thận cấp nguy hiểm nên bất cứ ai cũng không được chủ quan với căn bệnh này. Cần thiết, hãy chủ động nhận biết tình trạng suy thận cấp để được điều trị kịp thời.