Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thận móng ngựa là gì, nguy hiểm ra sao?

(VOH) - Thận móng ngựa có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Vậy đây là căn bệnh gì, có phổ biến hay không?

1. Thận móng ngựa là gì?

Thận móng ngựa hay thận hình móng ngựa là một bệnh mà trong đó 2 quả thận nối với nhau bởi một “eo thận giả” ở giữa, tạo nên hình móng ngựa đặc trưng. 

Về hình dạng bên ngoài, người bệnh vẫn có 2 quả thận hai bên (thận trái và thận phải). Nhưng có một điều thay đổi cấu trúc là 2 quả thận này không nằm tách mỗi bên một quả như người bình thường, mà chúng lại được nối với nhau bởi một thận giả ở giữa. Sở dĩ gọi là “eo thận giả” vì phần nối tiếp này rất bé, bé hơn so với thận chính và nó chỉ là một nhu mô mềm như thịt mà hoàn toàn không có chức năng gì.

than-mong-ngua-la-gi-nguy-hiem-ra-sao-voh

Hai quả thận nối với nhau bởi "eo thận giả" (Nguồn: Internet)

Thận móng ngựa là một dị tật bẩm sinh. Qua theo dõi y học, người ta thấy rằng dị tật này hay gặp ở bé trai hơn bé gái. Tỷ lệ bị bệnh thận móng ngựa là 1/400 - 1/800, tức là khoảng 400 – 800 trẻ em sinh ra thì có một trẻ bị bệnh thận móng ngựa.

2. Nguyên nhân dẫn đến dị tật thận móng ngựa

Hiện chưa có cơ sở chắc chắn để giải thích nguyên nhân dẫn đến dị tật thận hình móng ngựa. Các chuyên gia cho rằng thận móng ngựa có nguy cơ xảy ra khi trẻ có một số rối loạn di truyền, đặc biệt là:

  • Hội chứng Turner, là một tình trạng xảy ra ở các bé gái, gây ra những vấn đề liên quan đến chiều cao và dẫn đến tình trạng buồng trứng ngắn hơn bình thường.
  • Hội chứng Edwards hay còn gọi là Trisomy 18, khiến thai nhi phát triển chậm trong bụng mẹ, sinh nhẹ cân và một vài vấn đề y tế nghiêm trọng khác.

3. Nhận biết dị tật thận hình móng ngựa bằng cách nào?

Người bị bệnh thận hình móng ngựa không thể tự phát hiện ra bệnh của mình. Họ chỉ được phát hiện một cách tình cờ dựa trên kết quả xét nghiệm hình ảnh được thực hiện vì một lý do khác. 

Những người bị thận móng ngựa vẫn có 2 quả thận hoạt động bình thường, vẫn bài tiết ra nước tiểu nên ít ai nghĩ rằng mình bị thận móng ngựa. Chỉ khi bệnh gây biến chứng, người bệnh mới tiến hành thăm khám và phát hiện.

Thực tế, có 2 cách phát hiện thận móng ngựa là:

  • Cách 1: Khám lâm sàng xem bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, sốt dai dẳng,...hay không.
  • Cách 2: Dựa vào cận lâm sàng như X-quang, siêu âm, CT scan,…có hình ảnh hình móng ngựa trên phim.

4. Biến chứng của thận móng ngựa

Sự hiện diện của “eo thận giả” không những không góp gì thêm cho chức năng thận mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật khác. Những biến chứng có thể gặp ở người bị thận móng ngựa gồm:

  • Thận ứ nước.
  • Sỏi thận (chiếm 20 – 60%).
  • Nhiễm khuẩn đường niệu (chiếm 30 – 40%).
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu (chiếm 35%).
  • Ung thư thận (chiếm 45%).

Điều đáng nói là tỷ lệ mắc những biến chứng này cao hơn hẳn so với những người có 2 quả thận tách biệt. 

5. Vậy thận móng ngựa có điều trị được không?

Đối với tình trạng thận móng ngựa, nếu người bệnh không có bệnh lý nào kèm theo thì không cần điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế, người có thận móng ngựa là 2 quả thận dính nhau bởi eo thận nên dễ mắc các bệnh về thận hơn người bình thường. 

than-mong-ngua-la-gi-nguy-hiem-ra-sao-voh

Thận móng ngựa dễ gây biến chứng sỏi thận (Nguồn: Internet)

Do đó, nếu có dấu hiệu bệnh sỏi thận, tắc nghẽn dòng nước tiểu hay nhiễm trùng đường tiểu,…thì bạn nên đi khám để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Phương pháp điều trị có thể là dùng thuốc kháng sinh hay phẫu thuật tùy vào tình trạng bệnh lý ở mỗi bệnh nhân. 

Nhìn chung, việc điều trị là điều trị một số các vấn đề do thận móng ngựa gây ra. Trong trường hợp, bệnh nhân không có biểu hiện hay triệu chứng nào thì không cần điều trị chuyên sâu, nhưng người bệnh nên thăm khám để theo dõi thường xuyên để tránh những biến chứng nguy hiểm ở thận.

Bình luận