Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Viêm mào tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(VOH) - Viêm mào tinh hoàn là một bệnh nam khoa khá phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Phát hiện và điều trị kịp thời là yếu quan trọng để hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

1. Định nghĩa viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn là một tình trạng viêm nhiễm nam khoa, đặc trưng với triệu chứng mào tinh hoàn bị nhiễm khuẩn gây sưng, đau. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là nam giới từ 14 - 35 tuổi.

Mào tinh hoàn là một ống nằm ở phía sau của tinh hoàn có chức năng lưu trữ và vận chuyển tinh trùng. 

viem-mao-tinh-hoan-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-0
Hình ảnh viêm mào tinh hoàn (Nguồn: Internet)

Viêm mào tinh hoàn có 2 thể lâm sàng là cấp tính và mãn tính:

  • Viêm mào tinh hoàn cấp tính: kéo dài sáu tuần hoặc ít hơn. Trong hầu hết các trường hợp viêm mào tinh hoàn cấp tính, tinh hoàn cũng bị viêm, thường khó phân biệt được tinh hoàn, mào tinh hoàn hay cả hai đều bị viêm. 
  • Viêm mào tinh hoàn mãn tính: kéo dài từ sáu tuần trở lên. Nguyên nhân có thể là do phản ứng tạo u hạt, dẫn đến u nang hoặc vôi hóa.

2. Nguyên nhân viêm mào tinh hoàn

Nguyên nhân gây viêm mào tinh hoàn bao gồm:

  • STIs: Bệnh lậu và chlamydia là những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mào tinh hoàn ở nam giới trẻ tuổi.
  • Các bệnh nhiễm trùng khác: Vi khuẩn từ nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt có thể lây lan đến mào tinh hoàn. 
  • Virus: virus quai bị có thể dẫn đến viêm mào tinh hoàn.
  • Nước tiểu chảy ngược vào mào tinh: Do nâng vật nặng hoặc rặn mạnh.
  • Chấn thương: Chấn thương ở háng có thể gây viêm mào tinh hoàn.
  • Bệnh lao: Hiếm khi nhưng viêm mào tinh hoàn có thể do nhiễm trùng lao.

3. Yếu tố nguy cơ của viêm mào tinh hoàn

Bạn có thể có nguy cơ cao bị viêm mào tinh hoàn nếu:

  • Dài bao quy đầu hoặc một bất thường giải phẫu của đường tiết niệu
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Có vấn đề về cấu trúc trong đường tiết niệu
  • Mắc bệnh lao
  • Tuyến tiền liệt phì đại gây tắc nghẽn bàng quang
  • Phẫu thuật đường tiết niệu
  • Có chấn thương ở háng
  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Tiền sử nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc đường tiết niệu
  • Tiền sử các thủ thuật y tế ảnh hưởng đến đường tiết niệu, chẳng hạn như đặt ống thông tiểu hoặc ống soi vào dương vật.

Xem thêm: Những dấu hiệu ‘tố cáo’ bạn đang bị viêm bao quy đầu

4. Các triệu chứng của bệnh viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn có thể chỉ bắt đầu với một số triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, khi không được điều trị, các triệu chứng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn. Những người bị viêm mào tinh hoàn có thể gặp phải:

viem-mao-tinh-hoan-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-1
Gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng đau bìu (Nguồn: Internet)
  • Sốt nhẹ, ớn lạnh
  • Đau ở vùng chậu
  • Sưng, nóng, đỏ, đau thường ở một bên bìu
  • Nổi hạch ở bẹn
  • Đau khi quan hệ tình dục và xuất tinh
  • Đau khi tiểu tiện
  • Tiểu rắt
  • Dương vật tiết dịch bất thường
  • Máu trong tinh dịch
  • Tinh dịch hoặc tinh trùng có màu vàng

Xem thêm: Hiện tượng tinh trùng đổi màu ‘cảnh báo’ nhiều bệnh lý tiềm ẩn ở nam giới

5. Xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán viêm mào tinh hoàn

Các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh có tác dụng chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân khiến tinh trùng có màu vàng.

  • Xét nghiệm máu: tìm dấu hiệu viêm, số lượng bạch cầu tăng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: để xem có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc STIs hay không.
  • Xét nghiệm dịch tiết từ dương vật: tìm vi khuẩn chlamydia hoặc lậu.
  • Khám trực tràng: nếu nghi ngờ nguyên nhân của viêm nhiễm là phì đại tuyến tiền liệt.
  • Siêu âm Doppler màu: có thể xác định xem lưu lượng máu đến tinh hoàn thấp hơn bình thường, cho thấy hiện tượng xoắn hoặc cao hơn bình thường, giúp xác định chẩn đoán viêm mào tinh hoàn.

6. Điều trị viêm mào tinh hoàn

Điều trị viêm mào tinh hoàn bằng nội khoa là chủ yếu, chỉ khi xảy ra một số biến chứng nghiêm trọng mới xem xét chỉ định phẫu thuật.

6.1 Điều trị nội khoa

Điều trị viêm mào tinh hoàn bao gồm điều trị chống nhiễm trùng và giảm bớt các triệu chứng. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Kháng sinh: được sử dụng trong 4 đến 6 tuần trong bệnh viêm mào tinh hoàn mãn tính, và có thể bao gồm doxycycline và ciprofloxacin.
  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc chống viêm như piroxicam (Feldene) hoặc ketorolac (Toradol).

Ngoài sử dụng thuốc, các biện pháp chăm sóc không dùng thuốc cũng hết sức quan trọng. Bệnh nhân viêm mào tinh hoàn cần chú ý:

  • Nghỉ ngơi tại giường
  • Nâng cao bìu, trong ít nhất hai ngày nếu có thể
  • Chườm lạnh vùng bìu
  • Tránh nâng vật nặng
  • Không quan hệ tình dục cho đến khi bạn hoàn thành đợt kháng sinh và được chữa khỏi hoàn toàn.

Xem thêm: ‘Điểm mặt’ những căn bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục nhất

6.2  Điều trị ngoại khoa

Hầu hết các trường hợp viêm mào tinh hoàn khỏi trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, nếu điều trị nội khoa thất bại thì sẽ phải can thiệp phẫu thuật.

Nếu áp xe đã hình thành trên tinh hoàn, cần dẫn lưu mủ bằng kim hoặc phẫu thuật. Đôi khi, toàn bộ hoặc một phần của mào tinh hoàn phải bị phẫu thuật cắt bỏ.

viem-mao-tinh-hoan-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-2
Phẫu thuật được chỉ định khi có biến chứng áp xe tinh hoàn (Nguồn: Internet)

7. Biến chứng viêm mào tinh hoàn

Hầu hết các trường hợp viêm mào tinh hoàn cấp tính đều được điều trị thành công nhờ sử dụng thuốc kháng sinh và thường không để lại vấn đề về sinh sản. Nhiễm trùng có thể tái phát, tuy rất hiếm nhưng các biến chứng cũng có thể xảy ra.

Các biến chứng của viêm mào tinh hoàn bao gồm:

  • Viêm mào tinh hoàn mãn tính
  • Áp xe bìu
  • Teo tinh hoàn
  • Lỗ rò trong bìu
  • Hoại tử tinh hoàn

Điều quan trọng là phải tìm cách điều trị ngay và dứt điểm để ngăn ngừa các biến chứng. Phải dùng toàn bộ đợt kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, ngay cả khi cảm thấy không còn triệu chứng. 

Gặp bác sĩ sau khi dùng xong thuốc để đảm bảo rằng nhiễm trùng đã khỏi. Điều này sẽ giúp đảm bảo khôi phục hoàn toàn.

8. Phòng ngừa viêm mào tinh hoàn

Cũng như các bệnh lý viêm nhiễm nam khoa khác, không thể hạn chế hoàn toàn nhưng nam giới nên chú ý các điều sau để phòng ngừa viêm mào tinh hoàn.

  • Sinh hoạt tình dục an toàn, quan hệ tình dục một vợ một chồng, luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Khám sức khỏe định kỳ, siêu âm kiểm tra để phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.
  • Điều trị dứt điểm dài bao quy đầu, phì đại tuyến tiền liệt, nhiễm trùng tiết niệu
  • Điều trị cho bạn tình nếu viêm mào tinh hoàn là do lây truyền qua đường tình dục.
  • Vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ, khô thoáng.

Viêm mào tinh hoàn thường khá lành tính và có thể điều trị dứt điểm. Nếu cảm thấy đau dai dẳng hoặc khó chịu, hãy hẹn khám bác sĩ. Đặc biệt nếu các triệu chứng không cải thiện trong vòng bốn ngày, cần đi khám ngay lập tức.

🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được tư vấn về vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 Hà Nội.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html

Youtube: youtube.com/channel/UCVKfBMyg9iljtC_9iuPBVnA

Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH

Group thảo luận: fb.com/groups/BiMatNamGioi

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh