Mục lục
Tinh hoàn là cơ quan sản xuất tinh trùng và tiết ra nội tiết tố nam testosteron, cũng là bộ phận rất dễ gặp tổn thương. Đặc biệt, nam giới cần cận trọng đề phòng 7 bệnh lý thường gặp được đề cập dưới đây.
1. Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn hay còn biết đến là xoắn thừng tinh, là bệnh rất phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thậm chí với các bé trai sơ sinh. Theo thống kê thì tỉ lệ người mắc phải phần lớn là từ 12 đến 18 tuổi – tức độ tuổi dậy thì.
Nguyên nhân xoắn tinh hoàn:
- Di truyền bệnh từ người thân trong gia đình.
- Tập luyện thể thao quá sức, không đúng cách.
- Trang phục quá chật, bó sát.
- Sinh hoạt tình dục không hợp lý.
Triệu chứng xoắn tinh hoàn: Đau đột ngột, bìu sưng to, mất phản xạ da bìu, phía tinh hoàn bị xoắn có thể cao hơn vị trí ban đầu.
Chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn: Các cơ sở y tế sẽ tiến hành siêu âm tinh hoàn, chụp scan phóng xạ để xác định bệnh. Thông thường thời điểm tốt nhất điều trị xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có dấu hiệu đau, lúc này các chuyên gia sẽ tiến hành mổ tháo xoắn tinh hoàn.
2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Thừng tinh là đường dẫn tinh hoàn lên phần dưới ổ bụng, chứa các ống dẫn tinh, nhiều mạch máu và dây thần kinh. Tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi tĩnh mạch trong thừng tinh bị giãn nở, trở nên lớn hơn.
Nguyên nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh: Xảy ra khi các dây tĩnh mạch ở tinh hoàn bị giãn, xoắn lại, nghiêm trọng hơn là van tĩnh mạch yếu khiến cho máu chảy ngược về vùng tĩnh mạch dưới.
Triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đau nhức, xuất tinh ít hơn bình thường, bìu sưng to, tĩnh mạch nổi rõ dưới vùng da bìu.
Chẩn đoán và điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh: Bệnh có đến 4 mức độ, tùy theo mức độ nghiêm trọng sẽ tiến hành phẫu thuật, nếu không sẽ điều trị nội khoa.
3. Viêm tinh hoàn
Viêm tinh hoàn là bệnh lý dễ gặp ở nam giới tuổi trưởng thành, sưng đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn do vi khuẩn hoặc virus gây ra, diễn biến nguy hiểm có thể gây viêm xơ hóa, sinh tinh kém, ảnh hưởng đến sinh sản.
Nguyên nhân viêm tinh hoàn:
- Biến chứng từ bệnh quai bị
- Không vệ sinh sạch sẽ, quan hệ tình dục không an toàn.
- Dị ứng với chất liệu của quần áo.
- Tinh hoàn bị tổn thương.
Triệu chứng viêm tinh hoàn: Tấy đỏ, cảm giác đau tức ở phần bìu, đi tiểu buốt, cơ thể mệt mỏi.
Chẩn đoán và điều trị viêm tinh hoàn: Tiến hành siêu âm tinh hoàn, nếu xuất hiện áp xe sẽ tiến hành phẫu thuật.
4. Sa tinh hoàn
Sa tinh hoàn là tình trạng hai tinh hoàn kéo dài hơn cả dương vật. Khi ngồi, phần da bìu không thể ôm gọn được tinh hoàn như bình thường.
Nguyên nhân sa tình hoàn:
- Cấu tạo bộ phận sinh dục khác thường.
- Vận động trong thời tiết nắng nóng lâu.
- Ảnh hưởng của giãn tĩnh mạch tinh hoàn.
Triệu chứng sa tinh hoàn: Bìu giãn xuống trong một thời gian dài, không co lại, cảm thấy nặng, tức và khó chịu ở vùng bụng dưới.
Chẩn đoán và điều trị sa tinh hoàn: Đây là dấu hiệu dẫn đến nhiều bệnh về tinh hoàn khác, bệnh không thể tự điều trị tại nhà, cần tiến hành siêu âm để điều trị theo các bệnh lý cụ thể mắc phải.
5. Teo tinh hoàn
Teo tinh hoàn là trường hợp tinh hoàn bị co lại, thu nhỏ về mặt kích thước, gây ảnh hưởng tới số lượng tinh trùng và nồng độ Testosterone sản xuất ra ở cơ thể nam giới. Bệnh có thể xuất hiện ở cả lứa tuổi trước dậy thì và sau dậy thì.
Nguyên nhân teo tinh hoàn:
- Ảnh hưởng của các bệnh lý xoắn tinh hoàn, viêm tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Mất cân bằng nội tiết tố.
Triệu chứng teo tinh hoàn: Không có lông mu, đau nhức ở tinh hoàn, tinh hoàn mềm hơn bình thường.
Chẩn đoán và điều trị teo tinh hoàn: Thực hiện siêu âm tinh hoàn và xét nghiệm máu để kiểm tra các bệnh lý nguy hiểm dẫn đến teo tinh hoàn. Tùy theo mức độ bệnh, có thể điều trị nội khoa bằng cách bổ sung hormone, nếu diễn biến nặng sẽ phải tiến hành phẫu thuật.
6. Tràn dịch tinh hoàn
Hiện tượng tích tụ dịch ở một hoặc cả hai bên bìu được gọi là tràn dịch tinh hoàn. Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ mới được sinh ra và đàn ông trên 40 tuổi.
Nguyên nhân tràn dịch tinh hoàn:
- Với trẻ sơ sinh: Tinh hoàn của trẻ thường di chuyển từ ổ bụng xuống đến bìu, tràn dịch tinh mạc do lỗ thông giữa bìu và bụng của bé không được đóng khít trước khi bé ra đời.
- Với người trưởng thành: Hiện tượng tràn dịch có thể là di chứng từ các cuộc phẫu thuật tinh hoàn trước đó, hoặc có thể mào tinh hoàn bị viêm nhiễm.
Triệu chứng tràn dịch tinh hoàn: Không gây quá đau, phần tinh hoàn bị tràn dịch tinh mạc khi sờ sẽ cảm thấy giống như có nước.
Chẩn đoán và điều trị tràn dịch tinh hoàn: Các bác sĩ sẽ trực tiếp kiểm tra bằng việc đặt áp lực lên vùng bụng và bìu, nếu cần sẽ soi đèn qua bìu để kiểm tra sự tích tụ dịch. Hiện trạng này không quá nguy hiểm, có thể tự cải thiện không cần phẫu thuật.
Xem thêm: 4 dấu hiệu nhận biết trẻ bị tràn dịch tinh hoàn và cách điều trị
7. Ung thư tinh hoàn
Tỉ lệ nam giới mắc ung thư tinh hoàn tương đối nhỏ nhưng đây có thể coi là bệnh về tinh hoàn có mức độ nguy hiểm lớn.
Nguyên nhân ung thư tinh hoàn:
- Các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến.
- Tinh hoàn lạc chỗ, không di chuyển xuống bìu.
- Di truyền trong gia đình, có người từng mắc ung thư tinh hoàn.
Triệu chứng ung thư tinh hoàn: Đau, tê ở tinh hoàn, phần bụng dưới, đau lưng dưới, khó thở, đau ngực và đờm có máu.
Chẩn đoán và điều trị ung thư tinh hoàn: Siêu âm hình ảnh bìu và tinh hoàn để xác định khối u, thực hiện xét nghiệm, kiểm tra chất chỉ điểm gây ung thư trong máu. Điều trị theo phương pháp phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư.
Việc khám nam khoa thường khiến phái mạnh ngần ngại, tuy nhiên nếu thấy có bất cứ thay đổi xấu nào, bạn nên chủ động thăm khám để chữa trị kịp thời, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến tinh hoàn để tránh biến chứng nguy hiểm.