Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm xoang hàm: Nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa

(VOH) - Viêm xoang hàm là một loại viêm xoang thường gặp. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bị viêm xoang hàm phải làm sao?

1. Bệnh viêm xoang hàm là gì?

Xoang hàm gồm các hốc xoang nằm quanh vùng mắt và 2 bên má, bao phủ bề mặt các xoang này là lớp niêm mạc. Khi các lớp niêm mạc bị viêm nhiễm sẽ gây ra bệnh viêm xoang hàm. 

viem-xoang-ham-nhan-biet-dieu-tri-va-cach-phong-ngua-voh-1

Viêm xoang hàm là bệnh lý phổ biến (Nguồn: Internet)

1.1 Viêm xoang hàm có mấy loại?

Viêm xoang hàm thường được phân biệt thành 3 loại gồm:

  • Viêm xoang hàm cấp tính;
  • Viêm xoang hàm mãn tính;
  • Viêm xoang hàm do những bệnh về răng.

Tùy vào từng loại viêm xoang hàm mà sẽ có những dấu hiệu nhận biết khác nhau.

2. Nguyên nhân viêm xoang hàm

Do cấu tạo của xoang hàm nằm ở xương hàm trên nên rất dễ trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Theo đó, nguyên nhân gây viêm xoang hàm có thể do:

  • Người bệnh bị viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc bị lệch cấu trúc mũi.
  • Mắc các bệnh lý về răng miệng như sâu răng nhưng không điều trị kịp thời và đúng cách, dẫn đến viêm tủy răng hoặc hoại tử, đẩy chân răng nhiễm khuẩn vào xoang.
  • Bị chấn thương do tai nạn hoặc do phẫu thuật khiến cho xương hàm trên bị gãy hoặc gãy nền sọ dưới hốc mắt.
  • Do khí hậu, môi trường ô nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào xoang hàm và gây viêm.

2.1 Ai dễ bị viêm xoang hàm?

Viêm xoang hàm là bệnh phổ biến, có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang hàm cao hơn những người khác:

  • Người bị sâu răng, nhiễm trùng răng miệng,…nhưng không điều trị dứt điểm.
  • Từng đi nhổ răng hoặc phẫu thuật khoang miệng, vì một lý do nào đó, bác sĩ vô tình làm tổn thương hoặc để dị vật rơi vào xoang hàm.
  • Tiền sử viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang.
  • Cấu trúc xoang hàm bị tổn thương hoặc biến dạng do phẫu thuật.

3. Triệu chứng viêm xoang hàm

Bạn có thể nhận biết viêm xoang hàm qua một số triệu chứng chung như:

  • Chảy mủ bên mũi bị viêm: Người bệnh sẽ ngửi được mùi hôi từ mủ chảy trong cánh mũi bên xoang bị viêm.
  • Cảm thấy đau toàn bộ vùng mặt, đặc biệt là ở 2 bên gò má.
  • Hơi thở có mùi hôi, nặng mùi hơn bình thường.
  • Đau đầu âm ỉ.
  • Sốt.

Ngoài ra, tùy vào từng loại và giai đoạn mà triệu chứng viêm xoang hàm có thể khác nhau như:

3.1 Viêm xoang hàm cấp tính

Người bệnh có thể bị đau buốt ở đầu kèm theo sốt cao. Các cơn đau có thể xuất hiện liên tục kèm theo các triệu chứng đau nhức ở hàm trên, hốc mắt rồi lan ra thái dương và vùng mắt. 

Nếu bị viêm xoang hàm trái, cơn đau sẽ ở bên mặt trái. Nếu bị viêm xoang hàm phải, cơn đau xuất hiện bên mặt phải.

Người bệnh có thể thấy đau hơn khi cúi đầu, gập người. Khi ấn tay vào mắt, người bệnh sẽ thấy đau và hàm bị buốt. Dịch mũi ban đầu loãng, sau đó đặc dần và chuyển sang màu vàng, có mủ và mùi hôi.

Viêm xoang hàm cấp thường kéo dài 6 tuần trước khi chuyển sang giai đoạn mãn tính.

3.2 Viêm xoang hàm mãn tính

Khi bị viêm xoang hàm mãn tính, người bệnh thường không còn bị đau nhức mặt mà bị tắc mũi. Khi đó, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, dịch chảy ra có mùi hôi, màu vàng xanh kèm theo đau vùng thái dương. 

Viêm xoang hàm mãn tính không điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm.

3.3 Viêm xoang hàm do bệnh về răng

Người bệnh đau từ dữ dội đến âm ỉ vùng mặt, nhất là 2 bên má. Mủ chảy ra từ mũi và gây hôi miệng.

4. Bệnh viêm xoang hàm có nguy hiểm không?

Dù là loại viêm xoang hàm nào, nếu người bệnh chủ quan không điều trị khiến bệnh kéo dài có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

4.1 Viêm đa xoang

Vị trí các xoang thường nằm gần nhau và có mối liên hệ mật thiết với xoang hàm. Vì vậy, nếu không điều trị viêm xoang hàm có thể dẫn đến viêm đa xoang. Viêm đa xoang là tình trạng viêm sưng ở nhiều vị trí xoang khác nhau cùng một lúc như xoang trán, xoang sàng trước, xoang sàng sau,…

4.2 Gây viêm họng, viêm thanh quản

Dịch mủ chảy từ xoang xuống họng có thể gây viêm nhiễm tại vùng này.

4.3 Viêm thần kinh thị giác, viêm tĩnh mạch xoang

Nếu viêm xoang hàm kéo dài có thể gây ra tình trạng viêm thần kinh thị giác, viêm tĩnh mạch xoang.

Vì vậy, khi có dấu hiệu bị viêm xoang hàm thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

5. Cách điều trị viêm xoang hàm

Một số phương pháp sau đây có thể giúp người bệnh giải quyết bệnh viêm xoang hàm:

5.1 Dùng thuốc

Phương pháp điều trị viêm xoang hàm phổ biến nhất là dùng thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng sinh tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp thêm thuốc giảm đau, chống dị ứng, phù nề,…sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.

5.2 Áp dụng một số thủ thuật

Nếu viêm xoang hàm nặng và điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì bác sĩ sẽ đưa ra một số phác đồ điều trị khác. Người bệnh có thể thực hiện một số thủ thuật như:

  • Thủ thuật Proezt (súc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào các hốc xoang.
  • Chọc xoang hàm rút mủ.
  • Phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn mũi.

Nếu viêm xoang hàm do các bệnh về răng thì tùy vào nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị. Đôi khi người bệnh phải nhổ bỏ răng.

viem-xoang-ham-nhan-biet-dieu-tri-va-cach-phong-ngua-voh-2

Khi có dấu hiệu viêm xoang hàm nên thăm khám và điều trị sớm (Nguồn: Internet)

6. Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang hàm

Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và phòng ngừa viêm xoang hàm tái phát thì người bệnh cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Cụ thể:

6.1 Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi

  • Tránh xa môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá hoặc chất thải độc hại,…Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì bạn cần phải đeo khẩu trang chuyên dụng và đúng cách.
  • Luôn giữ ấm đường thở, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.
  • Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh nấm mốc sinh sôi.
  • Không đi bơi khi đang bị viêm xoang.
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý như viêm họng, viêm mũi, trào ngược dạ dày thực quản,…

6.2 Bệnh viêm xoang hàm nên ăn gì?

Chế độ ăn uống đủ chất, đủ thành phần dinh dưỡng từ đường bột, chất béo đến vitamin và khoáng chất luôn cần thiết để duy trì sức khỏe nói chung và phòng ngừa bệnh viêm xoang hàm nói riêng. Do đó, để phòng bệnh viêm xoang hàm bạn nên duy trì chế độ ăn uống đủ chất. Bên cạnh đó, có thể ưu tiên một số loại thực phẩm như:

  • Thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa.
  • Một số thực phẩm chứa kháng sinh tự nhiên như gừng, tỏi, nghệ, cá hồi…

6.3 Bệnh viêm xoang hàm kiêng ăn gì?

Để chữa viêm xoang hàm nhanh và phòng bệnh tái phát thì bạn nên hạn chế ăn một số thực phẩm sau đây:

  • Thức ăn cay, nóng: Thực phẩm cay nóng dễ gây kích ứng đường hô hấp, gây trào ngược dạ dày,…vì vậy bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm này.
  • Thực phẩm gây dị ứng: Nếu bạn có tiền sử dị ứng với loại thực phẩm nào thì hãy tránh xa thực phẩm đó.
  • Các chất kích thích: Đồ uống có cồn, gas, caffein,…có thể gây trào ngược dạ dày thực quản – đây là nguyên nhân gây ra các vấn đề tai mũi họng.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: Những thực phẩm này sẽ làm tăng dịch nhầy trong mũi, gây khó khăn cho không khí lưu thông trong mũi.
  • Nước lạnh hoặc nước đá: Những loại nước này sẽ kích thích niêm mạc vùng miệng và đường hô hấp.

Như vậy, viêm xoang hàm là loại viêm xoang cũng dễ mắc phải, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi có dấu hiệu viêm xoang hàm giai đoạn đầu thì bạn nên đi khám để được chữa trị kịp thời. Ngoài ra, hãy áp dụng một số biện pháp phòng bệnh trên để vừa phòng ngừa viêm xoang hàm, vừa nâng cao sức khỏe. 

Bình luận