Số vụ cháy nghiêm trọng tăng
Năm 2015, số vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn thành phố tăng hơn 5 vụ so với năm trước.
Vụ cháy tại khách sạn Kim Linh tại phường Bến Thành (quận 1), có rất nhiều khách và nhân viên bị mắc kẹt bên trong và phải chạy lên tầng 7 đập kính để thoát thân. Cũng may lực lượng Cảnh sát PCCC quận 1 đã kịp thời dập tắt đám cháy nên không để lại hậu quả đáng tiếc nào.
Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn ở quán hủ tiếu dê Phúc Ký, tại phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú) xảy ra ngày 18/10/2015 cướp đi hai sinh mạng của hai mẹ con chủ quán do hệ thống dây dẫn gas đến dụng cụ đánh lửa đột nhiên bị bung ra và bốc cháy dữ dội.
Ngày 17/11, đã có hai vụ cháy lớn tại quận 12 và quận Tân Phú, làm 1 người tử vong, 4 người bị thương nặng phải cấp cứu, hàng ngàn mét vuông nhà xưởng, cùng nhiều tài sản có giá trị lớn bị lửa thiêu rụi.
Chữa cháy tại tầng 5 khách sạn Kim Linh tại phường Bến Thành (quận 1). Ảnh: petronews
“Tự hại mình”
Theo Cảnh sát PCCC, TP.HCM có hơn 1.000 tòa nhà từ 7 tầng trở lên; trong đó gần 500 nhà cao từ 10 đến 20 tầng; hơn 100 công trình cao từ 20 đến 30 tầng và 17 công trình cao trên 30 tầng với hàng trăm ngàn người sinh sống. Qua kiểm tra, hầu như công trình nào cũng vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tại chung cư 17 tầng Sacomreal 584 (quận Tân Phú), hệ thống phòng cháy chữa cháy hầu như không hoạt động. Chung cư cao tầng trên đường Hòa Hảo, quận 10, nhiều bình chữa cháy được đặt sâu trong góc của các tầng lầu.
Một số nhà cao tầng không trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn lối thoát nạn, một số thiết bị không được bảo dưỡng định kỳ đã hư hỏng hoặc đặt ở vị trí chưa hợp lý. Một số nơi chưa đầu tư hệ thống thông gió, hút khói và cửa thoát hiểm luôn… bị khóa.
Nhiều nơi lối thoát hiểm chỉ có một cửa duy nhất, trong khi giờ nghỉ hộ nào cũng cài then, khóa chặt cửa. Do đó khi cháy, việc thoát nạn gặp nhiều khó khăn.
Sự “tắc trách” này dẫn đến tình trạng hỗn loạn và nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ, người già yếu khi xảy ra cháy, nổ.
Nhiều chung cư bàn giao từng phần, từng căn hộ khi công trình chưa hoàn thành, chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC, chưa thành lập Ban quản lý, Ban quản trị cũng như Đội PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa công trình vào hoạt động.
Quán hủ tiếu dê Phúc Ký cháy khiến 2 mẹ con thiệt mạng do nổ bình gas. Ảnh: petrotimes
Vướng thủ tục
Trong 223 chung cư cao trên 10 tầng, TP có 84 chung cư tồn tại trên 40 năm và còn hơn thế. Một số đã xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo yêu cầu PCCC. Một số trước đây, tại thời điểm xây dựng đạt điều kiện nhưng nay theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành lại không thỏa.
Những dạng công trình này rất khó giải quyết bởi liên quan đến kết cấu xây dựng, lối thoát hiểm, thay đổi công năng từ công trình dân dụng sang loại công trình khác.
Đa phần chung cư lâu năm thường thiếu hoặc không đảm bảo các yêu cầu về hệ thống tăng áp buồng thang; thông gió, hút khói hành lang, tầng hầm; giải pháp chống cháy lan trong hộp kỹ thuật giữa các tầng; hệ thống điện…
Do đó, nếu cấp phép đảm bảo an toàn PCCC thì lực lượng chức năng vi phạm nhưng nếu không cấp thì người dân và doanh nghiệp bị thiệt.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM đã đề nghị Bộ Công an, lãnh đạo thành phố căn cứ vào Luật PCCC bổ sung được ban hành năm 2013, giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành có những giải pháp, nghị quyết để đảm bảo an toàn đối với các dạng công trình này.
Hiện trường vụ cháy chung cư Hưng Phát (đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TP.HCM) ngày 29/11/2015. Ảnh: TNO
Xây dựng lực lượng PCCC tinh nhuệ
Cảnh sát PCCC TP.HCM tiếp nhận 5.588 trụ nước chữa cháy để sẵn sàng ứng cứu, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn. Lực lượng này được trang bị nhiều phương tiện hiện đại : vòi phun làm mát kết cấu khu vực sàn quanh đám cháy nhằm hạn chế cháy lan, cháy lớn; các xe thang cứu hộ, ống tụt chuyên dụng, máng trượt, ròng rọc…
Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM tập trung xây dựng dự án với mong muốn phát triển lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, rộng khắp để có mặt tại hiện trường trong thời gian sớm nhất khi có sự cố.
Tuy nhiên, để tránh xảy ra cháy nổ, điều quan trọng hàng đầu là ý thức của người dân. Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM – Đại tá Lê Tấn Bửu cho hay: “Bản thân chúng tôi thì chưa đủ mà đòi hỏi ý thức của người dân trong chọn các thiết bị điện, câu mắc điện.. Việc kiểm tra kiểm soát của ngành điện, quản lý thị trường tại các chợ, khu vực và kinh doanh mua bán, giúp đỡ người dân hiểu được các loại thiết bị điện để đảm bảo an toàn”.