Cấp bách ứng phó với hiện tượng El Nino

(VOH) - Theo dự báo, El Nino 2015 tương đương mức kỷ lục 1997-1998 và trên 90% sẽ kéo dài đến hết mùa Đông Xuân 2015-2016.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn vừa cảnh báo về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương - một khu vực chính để đánh giá cường độ của El Nino- chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực này trong tháng 10/2015 tiếp tục tăng và đang tăng 2,2 độ C. Dự báo tiếp tục tăng dần và có khả năng đạt giá trị cao nhất  từ 2,2-2,4 độ C vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Như vậy, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino giai đoạn 2014-2016 sẽ trở thành một El Nino dài nhất trong 60 năm qua, kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO.

Thống kê nhiều năm cho thấy trong các năm El Nino mạnh, nền nhiệt độ trung bình ở nhiều khu vực nước ta có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện những đợt nắng nóng lỷ lục.

Do lượng mưa ít hơn các năm, hồ thủy điện chưa tích đủ nước nên giảm công suất phát điện. Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng

Tiến sĩ Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chuyên gia về dự báo khí tượng và thủy văn, cảnh báo: ”Theo kết quả quan trắc trong thập kỷ gần đây nhiệt độ tăng 0,4-0,5 độ C so với những năm cuối của thập kỷ 20 và nhiệt độ cao nhất của đợt nắng nóng có xu thế tăng. Kết quả quan trắc trước kia nắng nóng chỉ xuất hiện ở thành thị bây giờ xuất hiện ở cả nông thôn”.

Thiếu nước

Với El Nino mạnh như hiện nay, những tháng mùa đông, hiện tượng rét đậm - rét hại thường ít hơn trung bình nhiều năm và không kéo dài. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa ở Trung Bộ có thể hụt đến 30-60% ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng thường diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những kỷ lục mưa lớn trong thời gian ngắn trong các năm El Nino mạnh.

Lượng dòng chảy các sông suối trong các năm El Nino mạnh và kéo dài thường hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-50%, một số nơi tới 80%. Trên nhiều lưu vực sông, xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.

”Năm nay, chúng ta thấy mưa ít, bên cạnh nắng nóng gay gắt rồi 6,7 đợt hạn bà chằn. Mưa ít mà nắng thì không nhiều kèm theo sương mù, mù khô do cháy rừng nên những tháng cuối năm cho thấy mùa đông xuân sẽ khó khăn ở các tỉnh Nam bộ”, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia về dự báo thời tiết và thủy văn, nguyên Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ phân tích.

Xâm nhập mặn sớm

Các địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực Nam Bộ dự báo tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40. Trong các tháng đầu mùa mùa khô 2015 - 2016, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2014-2015 và trung bình nhiều năm. Các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng chịu ảnh hưởng mạnh của mặn từ cuối tháng 11/2015. Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương phải trữ nước và áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt. Có thể giảm 30% lượng nước mà năng suất vẫn tăng, chi phí giảm. 

Chuyện cấp bách

Tại cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần cấp bách theo dõi, đánh giá diễn biến khí tượng thủy văn phạm vi cả nước, đặc biệt là khả năng xảy ra mùa đông khô, ấm ở Bắc Bộ; khả năng thiếu hụt mưa, dòng chảy dẫn đến hạn hán khốc liệt ở Trung Bộ, Tây Nguyên và khả năng xâm nhập mặn sớm, sâu ở đồng bằng sông Cửu Long trong những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016 dưới tác động của El Nino được dự báo là mạnh kỷ lục và kéo dài. Ông Hải nhấn mạnh

Về lâu dài, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có phương án phù hợp điều hòa nước trong sử dụng điện, thủy lợi, chịu trách nhiệm hướng dẫn cơ cấu cây trồng, các dự án chống nhiễm mặn, chống dịch bệnh cho gia súc, tổng hợp kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương; Bộ Y tế triển khai khẩn trương các công việc đảm bảo an toàn môi trường dịch bệnh.

Các địa phương cần có kế hoạch tích trữ nước, rà soát lại hệ thống kênh mương để có kế hoạch nạo vét sớm phục vụ nguồn nước; chủ động sử dụng nguồn ngân sách của các địa phương đảm bảo ứng phó kịp thời; tăng cường công tác quản lý cháy rừng, hỗ trợ công tác triển khai các công trình lưới điện, khẩn trương triển khai các dự án cấp nước ngọt, trồng rừng ngập mặn, xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino để điều hành, xử lý kịp thời.