Tại đây, đại diện cử tri hai huyện bày tỏ cử tri Hà Nội mong luật Thủ đô sửa đổi sớm được thông qua và cũng mong việc sửa đổi lần này đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đang đặt ra để xây dựng, phát triển thủ đô trở thành trung tâm lớn về chính trị, văn hóa xã hội; là thủ đô xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp thu ý kiến, khẳng định tổ đại biểu sẽ tổng hợp ý kiến gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội để báo cáo Quốc hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết các phiên thảo luận về nội dung dự luật Thủ đô tại kỳ họp thứ 6 đã có 177 ý kiến tham gia. Hầu hết ý kiến ủng hộ sửa đổi luật, đồng thời đề nghị dự thảo cần trao thêm quyền nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa cho thủ đô.
Theo ông Thanh, luật Thủ đô năm 2012 là luật đi đầu trong việc đề ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính. Việc sửa đổi luật Thủ đô lần này có nhiều thuận lợi khi vừa kế thừa luật hiện hành, vừa đưa vào các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác.
Sửa đổi luật Thủ đô sẽ là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại, ông Thanh khẳng định.
Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cho biết, thành phố đang xây dựng 2 quy hoạch lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, để trình Chính phủ, Quốc hội. Thành phố cũng xin được khoản tài trợ bên ngoài, khoảng 3 triệu USD để mua toàn bộ ý tưởng về phát triển của công ty tư vấn hàng đầu thế giới rất am hiểu về Việt Nam.
Bên cạnh thông tin về kỳ họp thứ 6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thông tin đến cử tri công tác phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, dự báo thành phố sẽ tăng trưởng GRDP khoảng 6,2%; dự kiến thu ngân sách khoảng 400.000 tỉ đồng trong năm 2023.
Năm qua đã phân cấp cho các địa phương 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với tổng số 708 thủ tục hành chính.
Năm 2024, Chính phủ giao 80.000 tỷ đồng cho thành phố Hà Nội chi đầu tư công.