Giám sát, phản biện xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân

(VOH) - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội”.

Để tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng nay 12/5, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai để góp phần hoàn thiện Đề án.

Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, qua 8 năm thực hiện, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đặc biệt, có nhiều đổi mới trong lựa chọn nội dung, phương pháp giám sát, phản biện xã có trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc.

Tuy nhiên, việc phản hồi của các cơ quan, tổ chức được giám sát hoặc cơ quan có văn bản được phản biện còn ít; Một số văn bản được trả lời nhưng còn chung chung, mang tính chất thông báo; nhiều kiến nghị được tiếp thu nhưng không có văn bản phản hồi.

Tại hội thảo, đa số ý kiến tán thành cao về sự cần thiết tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó đề xuất tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; bổ sung các quy định cụ thể các vấn đề cần thiết phải có giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết và có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân; bổ sung cơ chế tiếp thu, giải quyết và trả lới các kiến nghị sau giám sát, báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến phản biện của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo Nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch…

Nhấn mạnh công tác giám sát, phản biện là một công việc quan trọng, cần được đầu tư và có sự quan tâm đúng mức, trong đó cần quan tâm đến vị trí và cách thức để người dân thực hiện quyền của mình “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, luật sư Trương Thị Hòa – Ủy viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM nói: “Nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một bước phát triển rất lớn, “dân thụ hưởng” không phải chỉ đến thụ hưởng tài sản, vật chất mà là những quyền của người dân. Có quyền công dân, quyền con người, các mặt thụ hưởng. Tôi nghĩ hiện chưa làm rõ ý thụ hưởng về dân chủ, tự do và cái thụ hưởng đó phải có một chính sách rất cụ thể. Tôi mong Đảng làm rõ ý nghĩa này”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, giám sát, phản biện là vì sự tồn tại của đất nước; vì Đảng, vì chính quyền, vì nhân dân, đất nước ta có một Đảng cầm quyền, Mặt trận và nhân dân giám sát giúp phòng tránh nguy cơ tham nhũng, quan liêu. Trong đó ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nên coi việc luân chuyển cán bộ ở dạng đặc phái trong vòng 2 năm để công tác này hiệu quả nhanh hơn.

“Mặt trận các cấp phối hợp cùng cấp ủy đôn đốc, hệ thống chính quyền thực hiện công tác giám sát, phản biện theo kế hoạch đã phối hợp. Giám sát cấp ủy cấp dưới trong công tác lãnh đạo giám sát, chăm lo nhân lực giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, ngoài việc tìm người tốt đưa về thì nên coi việc luân chuyển cán bộ ở dạng biệt phái các đồng chí có kinh nghiệm về pháp luật hoặc một số ngành nghề đặc thù như đất đai, môi trường sang công tác ở các ban mặt trận như một giai đoạn của quá trình quy hoạch phát triển cán bộ” - ông Nguyễn Thiện Nhân góp ý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, trong hơn 5 năm qua việc thực hiện luật giám sát, phản biện thực hiện các quy định pháp luật này còn một số hạn chế: “Để nâng cao vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị theo cương lĩnh, chiến lược Đảng cũng là một thành viên của mặt trận trong hệ thống chính trị vừa là người lãnh đạo vừa là thành viên.

Do đó, nhà nước là của dân, do dân và vì dân, mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải theo một cơ chế là Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Vậy người dân làm chủ trong vai trò là trực tiếp hay gián tiếp thì phải thể hiện các quy định, tôi đề nghị ban hành luật dân chủ ở cơ sở, luật giám sát, phản biện để chúng ta có một cơ chế bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Mọi sự tác động của chúng ta là để phục vụ nhân dân”.

Ông Huỳnh Đảm - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, việc giám sát, phản biện không cần phải chờ khi đơn vị chính quyền, cấp uỷ có văn bản mới thực hiện. Đó là công việc bắt buộc, thường xuyên phải làm.

Ông Đảm cho rằng: “Nên quy định rõ những nội dung văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân thì trước khi ban hành, nhất thiết phải có ý kiến phản biện của mặt trận cấp đó. Nếu không thì không được thông qua và ban hành. Cần quy định rõ để mọi người cùng thực hiện chứ không để phải đi xin hoặc chờ. Giám sát, phản biện xã hội mà phải đi xin coi khi nào đồng ý thì mới  giám sát, khi nào đồng ý mới phản biện thì đâu còn ý nghĩa” .

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, đây là những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng, tập trung vào đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2013-2021, từ đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.