Hỗ trợ trẻ vị thành niên vì một xã hội hạnh phúc ở tương lai

(VOH) - Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là tình trạng không mới. Mặc dù các giải pháp can thiệp, hỗ trợ đã được quan tâm nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Đáng lo ngại hơn, khi chỉ trong 1 tuần qua, liên tiếp 3 vụ trẻ vị thành niên tự huỷ hoại bản thân làm trái tim bao người cha người mẹ se thắt lại. Phải chi, giá mà... những câu nói tuy muộn màng nhưng vẫn cần thiết để cảnh tỉnh phụ huynh, nhắc nhở nhà trường và định hướng cho sự phát triển xã hội. Nội dung này sẽ được phản ánh qua cuộc phỏng vấn của VOH với Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Lê Nguyên Phương, Cựu chuyên gia Tâm lý Học đường của học khu Long Beach, cựu giảng viên Đại học Chapman, Hoa Kỳ.

Hỗ trợ trẻ vị thành niên vì một xã hội hạnh phúc ở tương lai 1
Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Lê Nguyên Phương, Cựu chuyên gia Tâm lý Học đường của học khu Long Beach, cựu giảng viên Đại học Chapman, Hoa Kỳ.

*VOH: Thưa tiến sĩ, vấn đề trầm cảm ở trẻ vị thành niên là vấn đề không chỉ diễn ra gần đây mà là câu chuyện nhức nhối từ nhiều năm nay, không chỉ diễn ra trong nước mà cả nhiều nước phát triển. Đây có phải là một thực tế phải chấp nhận?

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Trầm cảm là một vấn đề thực tế, hay nói rõ hơn là một hiện trạng mà chúng ta cần nhận diện. Còn chuyện chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Khái niệm chấp nhận chúng ta thường hiểu là thụ động và không làm gì cả, để mặc cho sinh sôi nảy nở theo chiều hướng của nó. Điều đó, chắc chắn chúng ta không thể chấp nhận.

Một nghiên cứu vào năm 2021 tại Hoa Kỳ, tỷ lệ trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên lên đến 41%, con số rất cao. Trong đó, trầm cảm lâm sàng cần phải dùng thuốc, thậm chí cần phải nhập viện, con số lên đến 22%. Một nghiên cứu khác ở Việt Nam tương đối đã cũ tại Cần Thơ, cho thấy tỷ lệ trẻ trầm cảm cũng đến 41,1% và nghĩ đến hành động tự sát cũng đã lên đến 26,3%. Trong đó, có 12,9% đã có những kế hoạch tự sát và 3,8% đã thử việc đó (nhưng được cứu sống).

*VOH: Nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Có nhiều vấn đề dẫn đến thực trạng này. Gia đình thiếu quan tâm chỉ là một phần. Thực ra, phụ huynh không thiếu quan tâm mà quan tâm không đúng cách hay không biết cách biểu lộ nên không tạo được sự kết nối với học sinh.

Áp lực học tập không chỉ đến từ phía cha mẹ hay thầy cô, nhưng từ phía chương trình quá nặng. Học sinh nào cũng không muốn thua kém bạn bè và học sinh nào cũng muốn làm hài lòng cha mẹ, thầy cô. Cho nên, nhiều bậc cha mẹ nói rằng tôi không áp lực con cái học tập, nhưng chính vì gánh nặng của chương trình giáo dục đã khiến các em quá tải.

Chúng ta cũng phải nhắc đến xã hội. Xã hội chúng ta tiến bộ, hội nhập với thế giới thì những chuẩn mực, lề lối, cung cách sống đều thay đổi, khiến cho trẻ phải thích nghi. Đặc biệt hơn nữa khi con có những nhóm bạn tiếp nhận những chuẩn mực lệch lạc, và bắt bạn đồng lứa phải đồng thuận, thậm chí phải phục tùng. Đó là chưa kể những vấn nạn khác mà chúng ta chưa giải quyết được tận gốc rễ trong học đường như bạo lực, bắt nạt học đường.

Thực tế, cũng có một số nỗ lực như Thông tư 31 năm 2017 về việc yêu cầu mỗi trường có một chuyên viên tham vấn tâm lý học đường, nhưng thực tế việc đó vẫn làm chưa tốt.

Như vậy, cả khi ở nhà lẫn ở trường các em đều không có nơi nương tựa, mà 2 môi trường đó lại là môi trường áp lực thì chắc chắn tỷ lệ trầm cảm  là vấn đề chúng ta cần quan tâm.    

*VOH: Khoảng cách, mâu thuẫn thế hệ cũng góp phần không nhỏ cho những căng thẳng ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này, cũng như lời khuyên cho phụ huynh?

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Thật ra sự khác biệt giữa các thế hệ là điều tự nhiên và đương nhiên trong một xã hội luôn biến động. Và thay đổi chắc chắn là một hiện tượng tốt nếu chúng ta thông hiểu, tiên đoán và làm chủ.

Tuy nhiên, trẻ sẽ gặp căng thẳng, nếu chúng không thông hiểu sự khác biệt này. Các em sẽ đau khổ, lo âu thậm chí trầm cảm khi chúng không hoá giải được những mâu thuẫn. Cái khao khát đặc biệt của lứa tuổi này là khao khát được độc lập và tự do, những tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu phát triển tâm lý xã hội của lứa tuổi. Chẳng hạn, đó là vấn đề xác định căn tính, trả lời câu hỏi tôi là ai? ý nghĩa của sự hiện hữu của tôi trên cõi đời này?

Phụ huynh cần phải học. Việc học này không đơn giản là học các khoá làm cha mẹ, học từ sách về dạy con, mà còn phải học từ con.

Bằng việc lắng nghe con. Lắng nghe một cách chăm chú, thông cảm...để cùng con phân tích và đánh giá các vấn đề.

*VOH: Để hỗ trợ trẻ vị thành niên hiệu quả, theo ông, nhà trường và xã hội có vai trò như thế nào, cũng như cần có những giải pháp như thế nào?

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Thế giới của trẻ vị thành niên bao gồm gia đình, nhà trường, cộng đồng mà con tương tác, sinh hoạt mỗi ngày. Vì thế những môi trường này rất quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ thành công và hạnh phúc. Các hệ thống xã hội đó phải ý thức rõ vai trò, nhiệm vụ và kể cả phương cách thực hiện đã thay đổi, chứ không như trước đây vài chục năm.

Về giải pháp, cần có một số định hướng chính như sau:

Thứ nhất, nhà trường, hệ thống giáo dục và cả gia đình phải đánh giá lại triết lý giáo dục của mình. Trong đó cần trả lời câu hỏi cụ thể: học để làm gì? dạy để làm gì? sản phẩm đầu ra của chúng ta là gì? Chỉ học một cái nghề để làm ra tiền hay học để hình thành một con người tự làm chủ cuộc sống của mình và thay đổi được môi trường xung quanh, sống có ý nghĩa và hạnh phúc.

Thứ hai, quan niệm một xã hội hạnh phúc, một quốc gia thành công chúng ta cần có những con người như thế nào?

Những câu hỏi này không mới với nhiều người, nhưng rõ ràng cho đến nay các giải pháp của chúng ta vẫn chưa ổn, chưa đạt. Chúng ta muốn có một gia đình, một xã hội bình an thì ngay bây giờ chúng ta phải hỗ trợ các em vị thành niên.

Điều chúng ta làm cho các em không phải thuần tuý cho các em mà để cho vài chục năm tới, chúng ta thực sự có một xã hội mà chúng ta hãnh diện và hạnh phúc khi được sinh sống.   

*VOH: Cám ơn ông!