Nhiều ca sốt xuất huyết nặng do nhập viện trễ

(VOH) - Trong nhữnng ngày qua, số lượng cả trẻ nhỏ và người lớn nhập viện do bị bệnh sốt xuất huyết tăng, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng sắp tới.

Nhiều chuyên gia y tế lâu năm trong lĩnh vực y tế dự phòng nhận định, theo chu kỳ, sau từ 3 đến 5 năm, sốt xuất huyết sẽ bắt đầu đạt đỉnh dịch và nhiều khả năng là trong năm này.

Bác sĩ trưởng khoa sốt xuất huyết bệnh viện Nhi đồng 1 theo dõi sức khỏe bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng.Ảnh: Nhất Hương

Mới đây, bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp bị sốt xuất huyết rất nặng. Ban đầu, bệnh nhân chỉ sốt cao, ói mửa nhiều, đau bụng, bị sốc rất nhanh. Xét nghiệm máu thấy máu cô đặc, tiểu cầu giảm, bệnh nhi được điều trị theo dõi nhưng sau đó lại sốc, trụy tim mạch, suy hô hấp, bức rứt, la hét, có dấu hiệu thiếu máu và xuất huyết tiêu hóa.

Chỉ trong thời gian ngắn có 6 trường hợp tử vong,  trong đó có 1 bệnh nhi chỉ mới 12 tháng tuổi. Rất nhiều phụ huynh đang có con điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Lý do vào viện muộn là do những ngày đầu bé chỉ được chẩn đoán là sốt siêu vi. Như trường hợp con của chị Nguyễn Thị Hiền, bị sốt kéo dài được chẩn đoán sốt siêu vi. Trong một lần bị té ngã, con mắt của bé bị máu tụ thâm tím, cả nhà nghi cháu bị sốt xuất huyết. "Lúc đầu sốt chỉ 1 ngày, bác sĩ nói sốt siêu vi. Tới bữa sau, bé té bị bầm tím đưa vô bệnh viện khám bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết giảm tiểu cầu. Hiện tại, bé đỡ hơn, bữa trước không nhúc nhích được mà con mắt bị bầm tím", chị Hiền cho biết.

Cũng có phụ huynh cập nhật thông tin khá chính xác về bệnh này nên nhanh chóng đưa con nhập viện khi bé sốt cao lại rất lừ đừ, mệt mỏi. "Nhà tôi gần đây nên khi thấy sốt cao, bác sĩ bắt nhập viện. Tôi thấy cháu sốt và mệt nên nghĩ là bị sốt xuất huyết", mẹ của một bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 nói.

Diễn biến dịch sốt xuất huyết gia tăng một cách đáng lo ngại, không riêng gì ở trẻ em, các trường hợp sốt xuất huyết ở người lớn cũng diễn tiến khá phức tạp. Tại khoa sốt xuất huyết bệnh viện Nhi đồng 1, số ca nhập viện tăng cao so với các tháng trước. Nếu trong tháng 4, chỉ dao động khoảng từ 30 đến 40 trẻ nội trú nhưng hiện nay có hơn 102 trường hợp, trong đó có 13 trường hợp nặng. Ngành y tế thường xuyên khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh có thể gây tử vong nhanh chóng, bệnh xảy ra mọi lứa tuổi tuy vậy phụ huynh còn rất lơ là với bệnh. Nhiều người vẫn còn quan niệm bệnh này nhẹ,  tự khỏi, dẫn đến tình trạng nhập viện trễ.

"Sốt xuất huyết là bệnh gây tử vong nhanh chóng. Lý do dẫn đến trường hợp nặng là người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong phát hiện sớm bệnh dẫn đến nhập viện trễ. Người dân lơ là không lưu ý diệt muỗi, lăng quăng, nên muỗi có cơ hội sinh sôi và phát triển, nhất là trong những khu vực đông dân cư", Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng Khoa sốt xuất huyết – bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Từ đầu năm tới nay, tại các tỉnh phía Nam đã có trên 22.000 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 50% so với năm 2014. Đặc biệt đã có 16 người tử vong do sốt xuất huyết. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp tại một số tỉnh phía Nam như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM…Để phòng, chống sốt xuất huyết, diệt muỗi và lăng quăng là hai biện pháp chủ lực. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình chỉ phòng, chống sốt xuất huyết bằng xịt muỗi, đó chỉ là cách diệt muỗi tạm thời. "Xịt muỗi diệt muỗi chỉ là biện pháp tạm thời vì sau đó đợt lăng quăng kế tiếp sẽ nở ra thành muỗi, nên khi tiến hành diệt muỗi phải diệt lăng quăng. Trong xử lý ổ dịch, thường diệt lăng quăng trước, sau đó kiểm tra trên địa bàn đó chỉ số vật chứa có lăng quăng dưới 20% thì mới bắt đầu phun xịt muỗi", bác sĩ Nguyễn Thị Kim phượng – Trưởng Phòng truyền thông - Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TP, khuyến cáo.

Để dập dịch sốt xuất huyết cần diệt muỗi – diệt lăng quăng. "Qua khảo sát của ngành y tế, chúng tôi thấy rằng những vật chứa nước trong nhà mùa nắng vẫn có thể có lăng quăng. Chính những vật chứa như bình bông, chai, lọ này nếu chúng ta không thay nước thường xuyên vẫn phát sinh lăng quăng", Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng  - Phó giám đốc Sở Y tế TP cho biết thêm.

Rõ ràng phòng chống dịch sốt xuất huyết rất đơn giản nhưng đòi hỏi cộng đồng cần phải duy trì thường xuyên, liên tục chỉ cần: mỗi tuần các gia đình dành 5 phút dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa để đảm bảo không còn bọ gậy, lăng quăng, đảm bảo việc phun hóa chất diệt muỗi cần bao phủ được tất cả các hộ gia đình, tất cả các tầng, phòng trong khu vực ổ dịch. Khi người bị sốt cao đột ngột 38-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị sốt xuất huyết thì cần đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự chữa bệnh tại nhà, nhất là đối với trường hợp trẻ nhỏ nghi nhiễm sốt xuất huyết./.