Những phụ nữ thầm lặng mang xuân đến cho đời

(VOH) - Tết đến xuân về, nhà nhà mua sắm Tết, người người chuẩn bị du xuân. Thế nhưng, có những người sẽ chẳng bao giờ có Tết nếu như không có những đóng góp của những phụ nữ với những công việc tưởng chừng rất nhỏ nhoi nhưng vô cùng ý nghĩa.

Nghe bài viết

Cô giáo cùng các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân. Ảnh: internet

Sự hy sinh

Khi mùa xuân len lỏi trên từng ngọn cây, góc phố, cũng là lúc những cô giáo tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân vẫn đang miệt mài chăm sóc những đứa trẻ nhiễm HIV không nơi nương tựa. Dẫu biết rằng Tết là dịp để mọi người ngừng lại mọi hoạt động thường nhật của mình để nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe cho một năm mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như vậy. Mà ngược lại, với những nhân viên ở đây, dịp Tết là những ngày họ không cho phép mình được nghỉ ngơi một giây một phút nào. 

"Trong trung tâm cũng mua sắm những món ăn dành cho ngày Tết, ví dụ như bánh chưng, bánh tét hoặc bánh mứt. Đây là những thứ không thể thiếu trong trung tâm của trường, bởi vì để tất cả các em và nhân viên ở đây cũng có không khí như ở nhà mình cần phải có một cái gì đón Tết thật là vui vậy đó", Bác sĩ Nguyễn Anh Trường, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, chia sẻ.

Mỗi em một hoàn cảnh nhưng cùng gánh lấy một số phận trái ngang, oan nghiệt. Quãng đời còn lại phía trước quá ngắn ngủi khi các em mang trong mình cơn bạo bệnh. Do đó, để bù đắp những mất mát ấy, nhiều cô đã dành hầu hết ngày nghỉ Tết để ở lại chăm sóc cho các em.

"Các cháu thiếu tình thương của cha mẹ và không được may mắn. Với những cháu được đưa vào đây là điều may mắn với các cháu vì các cháu được chăm sóc tốt, được các cô yêu thương và dạy dỗ để các cháu hòa nhập với cộng đồng tốt hơn", bác sĩ Trường cho biết thêm.

Tết nguyên đán là ngày được nhiều trẻ em Việt Nam mong đợi. Những tấm lòng thơm thảo của các cô tuy không lớn, nhưng là niềm động viên tinh thần, mang lại cho trẻ nhiễm HIV một không khí Tết ấm áp tình người để các cháu không cảm thấy cô đơn, mặc cảm, tạo động lực cho các cháu chiến thắng bệnh tật, phấn đấu học tập tiến bộ trong những năm tiếp theo.

Khác với các cô ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, bác sĩ Danh Thị Minh Hà – Phó Giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu, nhớ lại những ngày đầu về công tác tại trung tâm cai nghiện Bình Triệu - cô bác sĩ trẻ hiểu rằng mình sẽ thuộc về nơi này khi nhìn vào những bệnh nhân đang vật vã lên cơn. Trong khi đó nhiều người còn e ngại chăm sóc người nghiện nhiễm lao/HIV, thì với bác sĩ Hà đó không chỉ là công việc mà còn như một mệnh lệnh của trái tim. Vậy là thời gian thấm thoát trôi đi, đã 24 năm gắn bó với nghề và 24 năm đón Tết tại đây.

"Làm nghề này thì sự hy sinh đối với gia đình tương đối nhiều, vì nếu mình không hy sinh công việc gia đình thì công việc cơ quan sẽ không hoàn thành. Nói chung đón giao thừa trong này nhiều lúc nghĩ cũng buồn. Nhưng khi thấy các em đón giao thừa mà vui thì mình cũng vui lây. Bởi vì sáng hôm sau ra trực mình về nhà thì sẽ có niềm vui đón Tết ở nhà cùng gia đình", bác sĩ Minh Hà chia sẻ.

Vì tình yêu thương

Còn với chị Lê Thị Hà, tổ trưởng tổ dân phố phường Cầu Kho, Q.1, TP.HCM đã là điểm tựa giúp người lầm lỡ vươn lên trong cuộc sống. Dáng người nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng, thật khó tin đây chính là “khắc tinh” của con nghiện, của những kẻ trộm cắp, quậy phá; niềm tự hào của người dân phường Cầu Kho.

Dù ngày Tết bận rộn, chị Hà vẫn một mình “tuần tra” giữ bình yên cho cả khu phố đón một mùa xuân trọn vẹn. Bắt đầu tham gia Hội Phụ nữ năm 1994, rồi sau đó gắn bó luôn công tác Hội với vai trò là cộng tác viên dân số; thành viên tổ hòa giải… Hầu như những chuyện lớn nhỏ như gia đình có chồng đánh vợ, con cái bỏ học, phụ nữ không có việc làm… trên địa bàn, chị đều nắm rõ rồi thông báo với Hội phụ nữ để có cách hỗ trợ kịp thời.

Thế rồi, năm 2009, tổ bảo vệ dân phố phường Cầu Kho được thành lập. Những người nắm vững địa bàn, muốn góp phần bảo vệ bình yên khu phố đều có thể tham gia. Được Hội phụ nữ động viên, chị Hà mạnh dạn đăng ký lực lượng bảo vệ dân phố. 

Chị Hà nói: "Mình là người nắm rõ địa bàn cho nên những vụ ma túy bắt được thì mình biết là tội phạm ở đâu. Tuy nhiên, những tội phạm này đều là những người nghèo ở khu phố. Mình vừa bắt, vừa tư vấn cho họ rồi giới thiệu việc làm, em nhỏ thì cho đi học nghề, còn chị em phụ nữ thì tư vấn cho chị em biết, còn chị em sẽ cung cấp lại cho mình cũng như cung cấp cho công an thông tin để giữ vững địa bàn. Những thành tích mà mình làm được là do dân nhiều hơn tại vì dân người ta cung cấp cho mình".

Đến giờ, chị Hà là người phát hiện đối tượng nghiện hút, tiêm chích ma túy nhiều nhất trên địa bàn phường. Hiện chị còn là “mẹ” của 34 đứa con dưới mái nhà chung là Tổ bảo vệ Kim Đồng. Chúng đều có chung hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ bỏ nhau, nghiện ma túy hoặc đã mất vì AIDS… Trong vòng tay yêu thương của chị Hà, các em tiếp tục được đi học, được học nghề.

Gần 140 con hẻm P.Cầu Kho đều in dấu chân chị. Nhờ chị Hà giám sát và tuần tra kỹ lưỡng đã góp phần giảm nhiều trộm cắp, an ninh ổn định, trẻ con trong khu phố ngoan hơn rất nhiều... Với chị, dù là hội viên phụ nữ đảm nhiệm việc phát hiện, hỗ trợ các chị em lầm lỡ, hay bảo vệ dân phố, công việc nào chị cũng làm bằng tất cả lòng nhiệt huyết của mình.

"Mình càng phải làm tốt hơn để dân tin, như Bác nói, dân tin dân yêu thì cái gì dân cũng giúp hết. Nhiều người hỏi khi bắt tội phạm mình có sợ không? Nghĩ rằng ở khu phố lúc nào cũng có dân, nếu như có gì thì đã có dân hỗ trợ, sợ gì đâu. Tuy là phụ nữ nhưng nếu mình quyết tâm làm được việc gì đó thì mình sẽ thành công và còn làm tốt hơn nữa. Lúc mới vào tôi chỉ là tổ viên thôi, năm vừa rồi sau đại hội năm năm thì được tín nhiệm bầu làm phó ban bảo vệ tổ dân phố, nghĩ đó là niềm tự hào của mình", chị Hà bộc bạch.

Chủ tịch Hội LHPN quận 1, Phạm Phương Thảo, nhận xét, chị Lê Thị Hà đã giúp bao cảnh đời éo le bất hạnh, đang cuộn tròn trong nỗi nhọc nhằn với cuộc mưu sinh. Biết bao nhiêu gương mặt, mảnh đời, câu chuyện và nụ cười đã trở lại với những con người ấy: "Chị Hà là người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng trong chị có bản chất của một người đàn ông, có những cái người ta rất ngại, nhưng cách chị ấy tiếp xúc với đối tượng nghiện với vai trò là người làm công tác xã hội, chị ấy làm rất tự nhiên, giống như những người bình thường với nhau, không có khoảng cách mà hòa mình luôn".

Luôn hy sinh cho đời một cách thầm lặng, chị Hà nói mình không có tiền, nên đóng góp bằng công sức. Tết năm nào chị cũng đi vận động bà con ai có gì góp nấy để lo cho những đứa trẻ lang thang, những phụ nữ nghèo có một cái Tết tươm tất, đủ đầy.

Bí thư chị bộ khu phố 6, phường Cầu Kho, Phan Kim Riêng, nhận xét: "Hà ở trong ban bảo vệ khu phố của chị. Tuy là nữ nhưng chị ấy rất mạnh dạn trong đấu tranh tố giác tội phạm, trong những khu vực hẻm này nọ nếu mà phát hiện ra là chị sẵn sàng đấu tranh bắt tội phạm liền. Mà không chỉ bắt tội phạm không đâu, khi mà có vụ cháy thì chị sẵn sàng leo lên ứng cứu cùng với đồng đội và bà con".

Tình yêu thương như giọt mưa xuân, mưa rơi lâu, thấm dần sẽ làm dải đất khô cằn thêm màu mỡ. Quy luật cuộc đời: yêu thương cho đi sẽ nhận về trái ngọt. Họ là một trong số những người đang cho đi yêu thương và cũng đang nhận về yêu thương bằng một cách khác. Việc làm của họ dù nhỏ nhưng nó mang lại niềm vui cho nhiều gia đình nghèo trong suốt những ngày xuân, an ủi và động viên họ vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.