TPHCM nỗ lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững

(VOH) - Năm 2017, TPHCM sẽ hoàn thiện các chính sách và tích cực triển khai những bước đi tiếp theo để chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, chính quyền thành phố hướng đến việc thay đổi nhận thức, tư tưởng của hộ nghèo còn ỷ lại, thiếu ý chí tự vươn lên thoát nghèo và tạo động lực để từng hộ nghèo vươn lên.

Làm mới hoàn toàn bộ khung chính sách giảm nghèo

Trước hết, Thành phố làm mới hoàn toàn bộ khung chính sách giảm nghèo, với sự đầu tư cùng một quy trình chuẩn bị cụ thể, chu đáo đã được Quốc hội và Chính phủ ghi nhận.

Chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố dựa trên 5 chiều nghèo xã hội, gồm: giáo dục, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, điều kiện sống và tiếp cận thông tin với 11 chỉ số đo lường cụ thể. Tiêu chí mức thu nhập vẫn được tính đến nhưng sẽ lồng ghép trong các chiều nghèo xã hội.

Quá trình hoàn thiện chính sách giảm nghèo được đánh giá cao bởi từ năm 2009, Thành phố đã bắt đầu nghiên cứu phương pháp đo lường nghèo đa chiều thông qua một loạt dự án phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.

Trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo khó có cơ hội được đi học (Ảnh minh họa: LH)

Giai đoạn 2014 – 2015, Thành phố cũng đã tiến hành thí điểm xây dựng công cụ đo lường, rà soát hộ nghèo, lập danh sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều tại một số quận huyện với khoảng 450.000 hộ dân tham gia.

Từ cơ sở bộ khung chính sách đã được hình thành, Thành phố thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo hướng tác động trực tiếp, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo không chỉ vượt chuẩn nghèo về thu nhập, mà còn giảm nghèo về mặt xã hội.

Theo đó, 5 nhóm chính sách chủ yếu được thành phố tập trung thực hiện hỗ trợ tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo; hỗ trợ trực tiếp giảm thiểu rủi ro và những nguy cơ làm tổn thương hộ nghèo; tạo cơ hội nâng cao vị thế, tiếng nói của người nghèo và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến hộ nghèo.

Bà Trần Mai Phương, cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo phường 7, quận 3 nhìn nhận: “Để giảm nghèo, nhiều mô hình đã ra đời như quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ, với hộ vừa thoát nghèo thì được hỗ trợ vay vốn. Ngoài ra, để nhằm thoát nghèo bền vững, hộ nghèo còn được giới thiệu việc làm, học nghề, hỗ trợ học bổng, bảo hiểm y tế và xây dựng sửa chữa nhà tình thương...”

UBND TP cũng tăng cường thông tin tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo phương pháp đa chiều từ trong nội bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đến người dân và nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo để mọi người hiểu và cùng tham gia thực hiện đạt hiệu quả nhất.

Mặt khác, trong năm vừa qua, Thành phố chấp thuận chủ trương tổ chức lại Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố cho hay: “TPHCM có trên khoảng 3.500 tổ tự quản và những hộ nghèo, hộ cận nghèo đều có thành viên tham gia các tổ tự quản này. Quá trình sinh hoạt cho thấy, rõ ràng ý thức của người nghèo ngày càng nâng cao và cũng có thể tham gia vào những chính sách và đóng góp vào hoạt động giảm nghèo cụ thể tại địa phương”.

Hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ người nghèo

Trong quá trình chuẩn bị, Thành phố đã tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách giảm nghèo cấp quận, huyện, phường, xã; tiến hành cập nhật phần mềm hỗ trợ quản lý danh sách hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, công tác quản lý Quỹ Xoá đói giảm nghèo được chuyển giao, uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM để Ban Giảm nghèo bền vững các cấp có thể tập trung toàn bộ nguồn lực cho việc tiếp cận, hỗ trợ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Vẫn còn nhiều gia đình nghèo phải sống trong cảnh tạm bợ như thế này (Ảnh minh họa: LH)

Thành phố huy động nguồn vốn cho chương trình bình quân mỗi năm hơn 3.000 tỷ đồng và sẽ giảm khoảng trên 100 tỷ đồng sau mỗi năm dựa trên mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo. Đồng thời, chính sách giảm nghèo giai đoạn mới tiếp tục giữ vững nguyên tắc không phân biệt người dân ở khu vực nội thành hay ngoại thành, hộ dân có hộ khẩu thành phố hay thuộc diện KT3. Tất cả gia đình được xác định thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ đều được hưởng chính sách giảm nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố, khẳng định: “Các tiêu chí này đã cho thấy một bức tranh hoàn chỉnh hơn về vấn đề nghèo khó, nhận dạng đối tượng nghèo chính xác hơn. Việc áp dụng đo lường này cũng đưa ra những phương thức, những nỗ lực giúp cho người nghèo, dân nhập cư hòa nhập với xã hội, giảm tội phạm, tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội và tiếp tục cải thiện xã hội cơ bản.

UBND TP đã có kiến nghị và được Chính phủ đồng ý cho phép có cơ chế đặc thù là tiếp tục giữ 2 Ban Chỉ đạo hiện có là Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới và Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững. Các Ban này có vai trò tham mưu cho Thành ủy, UBND TP trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nỗ lực giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh: “Điều quan trọng là làm sao phải xây dựng TP chúng ta phải có chất lượng sống tốt, phải văn minh, phải hiện đại và quan trọng là nghĩa tình. Nghĩa tình là không thể không kéo giãn khoảng cách giữa người giàu với người nghèo. Nghĩa tình là không thể không chăm lo cho gia đình chính sách, cho người nghèo, chăm lo cho người cao tuổi, chăm lo cho các cháu, chăm lo cho người khuyết tật. TP sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất và đó cũng là mục tiêu của lãnh đạo TP, là người dân phải được sống hạnh phúc, phải có chất lượng sống tốt”.

Công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố thời gian qua đã chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về mặt chính sách, cơ cấu hoạt động, xây dựng đội ngũ và tập trung nguồn lực cho giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình giảm nghèo bền vững đang được thành phố nỗ lực triển khai thực hiện một cách khẩn trương, tích cực với một lộ trình được chuẩn bị và lên kế hoạch cụ thể.

Điều này tạo ra niềm tin của người dân với chương trình, cũng như tạo ra thêm động lực, thay đổi nhận thức, thúc đẩy đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Bình luận