Sức bật mới cho Thành phố Hồ Chí Minh

(VOH) - Chính quyền đô thị tại TPHCM đã chính thức vận hành từ ngày 1/7 vừa qua, theo các chuyên gia thì chính quyền đô thị chắc chắn sẽ phù hợp với thực tiễn của một siêu đô thị như TPHCM.

Từ kết quả nghiên cứu thực tế nhiều nước phát triển trên thế giới, đã chứng minh khi tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp sẽ là động lực để phát huy sức mạnh phát triển đô thị bền vững.

siêu đô thị
TPHCM một siêu đô thị cần có một mô hình quản lý hiện đại phù hợp

Thực tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có giai đoạn 7 năm từ 2009-2016 không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, huyện và phường xã, nhưng vẫn đạt được những kết quả tích cực trong điều hành và phát triển kinh tế. Quan trọng hơn, khi đó bộ máy hành chính vẫn vận hành thông suốt, mọi công việc đều được đảm bảo, các nhu cầu, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân đều được đáp ứng kịp thời, đúng quy định, góp phần phát triển Thành phố. Chính quyền đô thị tại TPHCM chỉ mới vận hành trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa thể đo được chính xác những hiệu quả của việc thực hiện. Tuy nhiên, ngược thời gian trở về giai đoạn thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận huyện và phường xã giai đoạn 2009-2016, thì nhiều người dân vẫn đánh giá cao hoạt động của bộ máy hành chính địa phương mà cụ thể là ủy ban nhân dân. Ông Nguyễn Văn Lâm, nhà ở Quận 3 ghi nhận: “Giai đoạn không có hội đồng nhân dân (HĐND) thì người dân phản ánh lên qua Mặt trận, Đảng ủy phường. Các phản ánh đều được giải quyết hiệu quả”.

Mọi công việc tiếp dân và giải quyết các kiến nghị của người dân đều được UBND các cấp tiếp nhận và giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hồng, người dân ở Quận 6, cách tổ chức như vậy còn thuận lợi hơn cho người dân vì không có sự trùng lắp. “HĐND thì cũng tiếp dân 2 lần thì trùng lắp với UBND phường. Người dân không biết phản ánh ở đâu. Nên chỉ có UBND phường thì thuận lợi hơn cho người dân”, bà Hồng nói.

Trở lại với thực tiễn hiện nay khi triển khai chính quyền đô thị, một trong những kết quả nổi bật có thể nhận thấy ngay, đó là trong nhiệm kỳ 2021-2026 này, Thành phố sẽ tiết kiệm khoảng 1.200 tỉ đồng ngân sách khi không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường. Tương ứng với không còn 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường. Điều quan trọng hơn, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - thì việc triển khai chính quyền đô thị không chỉ dừng lại việc tiết kiệm ngân sách đơn thuần từ những con số cụ thể, mà nó còn tạo ra cơ chế thuận lợi, hay nói một cách khác tạo sức bật để Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá. “Với mô hình quản trị đô thị phù hợp thì sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý. Khai thác tính năng động, sáng tạo, tạo động lực để TPHCM phát triển bền vững trong tương lai”, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết.

Chính quyền đô thị tại TPHCM sẽ tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển Thành phố, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền, góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời từng bước hiện đại nền hành chính công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị trong phục vụ. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay. Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hiệu lực hiệu quả. Qua đó xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nhân dân, doanh nghiệp”.

Chính quyền đô thị sẽ nâng cao tính tự chủ của chính quyền TPHCM trong điều hành, quản lý và phát triển TP, đồng thời đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền cho chính quyền ở các quận, phường. Theo đó, nguyên tắc hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường xuyên suốt là làm việc theo chế độ "thủ trưởng" nhưng vẫn quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân quận, phường phải được thảo luận tập thể trước khi chủ tịch UBND quận, phường quyết định và chịu trách nhiệm. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chính việc phân cấp ấy sẽ giúp chính quyền cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động hơn và có trách nhiệm hơn dưới sự phối hợp giám sát của người dân và các ban ngành, đoàn thể. “Vai trò giám sát của các tổ chức nâng lên. Cùng với các Tổ đại biểu HĐND Thành phố thì còn có đại biểu Quốc hội phối hợp để tăng cường giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”, theo Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân.

Dù không tổ chức hội đồng nhân dân ở phường và quận, nhưng theo ông Phạm Đức Hải - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân vẫn được đảm bảo ở mức độ cao nhất bằng những quy định cụ thể. “Chủ tịch UBND phường, quận trước kỳ họp Hội đồng nhân dân TPHCM phải tổ chức đối thoại với người dân để lắng nghe ý kiến của người dân. Đó là điều kiện để Hội đồng nhân dân TPHCM giám sát. Kết hợp việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của địa phương”, ông Phạm Đức Hải nói.

Còn khá sớm để có thể đưa ra những kết quả cụ thể cho việc triển khai chính quyền đô thị tại TPHCM. Nhưng từ góc nhìn khoa học của các chuyên gia, sự đồng thuận của người dân, chắc chắn trong một thời gian ngắn nữa thôi, mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố sẽ phát huy hiệu quả với những kết quả cụ thể có thể đo đếm được trong thực tiễn. Điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là người đứng đầu chính quyền các cấp, cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong phục vụ nhân dân, phải đặt lợi ích của địa phương, của thành phố và của nhân dân lên trên hết để cùng hướng đến mục tiêu chung đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong tương lai.