Mục lục
- TIN TRONG NƯỚC
- TPHCM đề xuất tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi bổ sung
- TPHCM hướng dẫn học sinh kiểm tra cuối kỳ
- Điều y bác sĩ chi viện cho 5 tỉnh thành ở Đông và Tây Nam Bộ
- Tình hình dịch tại miền Tây đang nóng nhất
- Quảng Ninh: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho toàn bộ người dân
- Hà Nội khẩn tìm người tới chợ Kim Liên
- TIN THẾ GIỚI
TIN TRONG NƯỚC
TPHCM đề xuất tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi bổ sung
Tối 6/12, Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại (mũi 3) tại TPHCM. Thời gian tiêm được đề xuất sẽ bắt đầu từ ngày 10/12/2021, và dự kiến lộ trình thực hiện tùy theo nguồn cung ứng vắc xin.
Đối với liều bổ sung, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng... Những người này đều đã được tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 ít nhất 28 ngày, ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên.
Liều nhắc lại sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.
TPHCM hướng dẫn học sinh kiểm tra cuối kỳ
Ngày 6/12, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có hướng dẫn về việc kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2021-2022 ở các trường THCS, THPT trên địa bàn. Thời gian kiểm tra sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 22/1/2022.
Vào thời gian tổ chức kiểm tra cuối học kỳ, đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp. Nếu nhà trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì nhà trường tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Đối với các học sinh thuộc diện F0, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội… không thể tham gia kiểm tra cuối học kỳ từ ngày 10 đến 22/1/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường xem xét cho học sinh thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức.
Điều y bác sĩ chi viện cho 5 tỉnh thành ở Đông và Tây Nam Bộ
Chiều qua 6/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh đang có ca mắc Covid-19, số ca tử vong gia tăng trong thời gian gần đây là TP Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang.
Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các bệnh viện trung ương để hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vắc xin để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát, hỗ trợ máy thở…
Về đề xuất tăng cường nhân lực, Bộ trưởng Long yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TPHCM và 10 tỉnh phía Nam.
Ông Long yêu cầu trong ngày 7/12, Bệnh viện Bạch Mai cử thêm 1 đoàn cán bộ y tế nữa đến An Giang, Bệnh viện Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng. Riêng TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ TP trong công tác điều trị.
Tình hình dịch tại miền Tây đang nóng nhất
Báo cáo của Bộ Y tế chiều hôm qua cho biết Cần Thơ lần đầu tiên trở thành địa phương có số mắc cao nhất cả nước trong ngày. Ngoài ra nhiều tỉnh miền Tây có mặt trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc cao nhất cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm Covid-19. Khi số ca mắc tăng, bệnh nhân nặng sẽ tăng và con số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy cần nỗ lực để giảm số ca tử vong.
Trong công tác điều trị, cần phân loại bệnh nhân, người có nguy cơ, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng, có khoảng giữa tầng 1 là 1+, tầng 2 là 2+ và tầng để quản lý, giám sát chặt chẽ ca bệnh, chuyển tuyến kịp thời. Về thuốc điều trị, Bộ Y tế cho biết trong vài ngày tới, khi làm xong các thủ tục tiếp nhận thuốc viện trợ, Bộ Y tế sẽ cấp phát, phân bổ ngay cho địa phương.
Quảng Ninh: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho toàn bộ người dân
Chiều 6/12, tỉnh Quảng Ninh giao ngành y tế khẩn trương xây dựng ngay kế hoạch và tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho những người đủ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2022.
Các địa phương cũng cần nâng tần suất xét nghiệm tầm soát chủ động đối với các đối tượng được bảo vệ trọng điểm là trẻ em, nhất là học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin và người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, không thể tiêm vắc xin.
Tinh cũng đề nghị ngành y tế phải có phương án phân bổ, sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị F0 một cách minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.
Hà Nội khẩn tìm người tới chợ Kim Liên
Liên quan tới các ca Covid-19 mới, tối 6/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Đống Đa phát đi thông báo khẩn tìm người tới chợ Kim Liên, phường Kim Liên kể từ ngày 25/11 đến 1/12.
Theo đó, người đã đến địa điểm trong thời gian như thông báo chủ động tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn, hoặc CDC Hà Nội để được hướng dẫn và tư vấn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay Hà Nội đã tiêm được 12,23 triệu mũi vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có hơn 6,16 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin (đạt gần 95%).
TIN THẾ GIỚI
Tình hình Covid-19 trên thế giới tính đến sáng nay
Thế giới có hơn 266,3 triệu ca mắc Covid-19 và 5,27 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày đã có thêm một loạt quốc gia ghi nhận ca nhiễm Omicron - biến thể được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm "đáng lo ngại", làm gia tăng nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm nguy hiểm.
Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với 49.969.856 ca mắc và 808.763 ca tử vong, đến nay hàng chục ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận, song biến thể Delta vẫn chiếm 99,9% số ca nhiễm mới ở nước này. Ít nhất 16 bang tại Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron, nhiều ca nhiễm là người đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ.
Tại Ấn Độ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc Covid-19, số ca nhiễm biến thể Omicron đã tăng lên 21 ca. Trước tình hình này, nhà chức trách Ấn Độ đã kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm vắc xin đầy đủ, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Israel và Anh cũng tiếp tục có thêm ca nhiễm biến thể Omicron. Trong khi đó, một loạt nước gồm Thái Lan, Nga, Croatia, Argentina, Nepal, Tunisia, Namibia và Fiji phát hiện các ca đầu tiên nhiễm "siêu biến thể" này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng ngày cho biết nước này là một trong 5 quốc gia trên thế giới đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 ở cấp độ 1, nhờ sự nỗ lực và hợp tác chung của tất cả các bên.
Số ca mắc mới Covid-19 tại Lào cũng đang giảm mạnh, xuống còn 889 ca trong 24 giờ qua. Bộ Y tế Lào cho biết, sau một ngày số ca mắc mới tăng vọt lên 4 chữ số, số ca mắc mới tại nước này lại giảm mạnh xuống còn 3 chữ số, giảm 475 ca so với một ngày trước đó.
Hàn Quốc ra thông báo siết chặt mới
Hiện nhiều đại sứ quán nước ngoài, trong đó có Anh, Australia, đang liên lạc và đề nghị Seoul thay đổi quyết định trên.
Hàn Quốc cấm công dân nước ngoài đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại nước khác lui tới một số khu vực, trong đó có nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim. Hàn Quốc chỉ công nhận chứng nhận tiêm chủng của công dân nước này đã tiêm vắc xin tại nước ngoài, song không công nhận chứng nhận của người nước ngoài, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh theo diện miễn cách ly.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi quyết định trên, song nhiều đại sứ quán nước ngoài, trong đó có Anh và Australia, đang liên lạc và đề nghị Seoul thay đổi quyết định. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm vắc xin thứ hai và thứ ba ngừa Covid-19 nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cho người dân.
Học sinh Manila trở lại trường học sau gần 2 năm
Tại Philippines, trẻ em từ 6-9 tuổi ở thủ đô Manila đã được quay trở lại trường học lần đầu tiên sau gần 2 năm.
Đây là một phần trong kế hoạch thí điểm quay trở lại học trực tiếp sau khi đại dịch làm gián đoạn việc học của 27 triệu học sinh.
Bên trong các lớp học, các bàn học được lắp các vách ngăn bằng nhựa và được đặt cách nhau hơn 1 mét. Các lớp học chỉ giới hạn tối đa 15 học sinh để đảm bảo giãn cách xã hội. Học sinh và giáo viên đều phải đeo khẩu trang trong lớp học.
Hơn 100 trường công lập ở các khu vực có nguy cơ thấp trên khắp Philippines bắt đầu học trực tiếp trong hai tháng thí điểm. Việc tiếp tục mở cửa trở lại các trường học sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng và việc giảm liên tục các ca mắc Covid-19.
Biến thể Omicron gây xáo trộn việc học tập của sinh viên Nam Phi
Thành phố Tshwane của Nam Phi đang là tâm dịch của đợt bùng phát biến thể Omicron. Sau khi một số sinh viên bị phát hiện nhiễm biến thể Omicron, các trường đại học tại đây đã hoãn các kì thi và chuyển dần sang học trực tuyến. Diễn biến này tác động rất lớn đến kế hoạch học tập cũng như tâm lý của sinh viên.
Khi tới trường, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 vẫn hiện hữu, bởi trong khi đa số sinh viên đeo khẩu trang thì vẫn còn một vài người chưa thực sự tuân thủ quy định. Số sinh viên của trường đại học này đã được chủng ngừa vắc xin Covid-19 cũng hạn chế. Nhiều sinh viên chia sẻ họ vẫn chưa tin tưởng vào hiệu quả của vắc xin, sợ phản ứng phụ.
Theo thống kê, hầu hết các ca mắc Covid-19 phải nhập viện ở Tshwane là những người trẻ tuổi, nguyên nhân là vì tỷ lệ tiêm chủng của nhóm đối tượng từ 18 đến 34 tuổi tại đây mới chỉ khoảng 22%. Hiện chỉ có 3 trường đại học ở Nam Phi bắt buộc sinh viên tiêm chủng để quay lại trường học.
Thiếu nguồn cây thông đón Giáng sinh tại Mỹ
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng khiến chủ cửa hàng ở thành phố Alameda, bang California phải vật lộn nhiều tháng nay nhưng vẫn không có đủ số lượng thông để bán.
Anh Stacy Valenzuela - Chủ cửa hàng Crystal River cho biết: "Nắng nóng rồi cháy rừng và cả hạn hán nữa, tất cả kết hợp lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh thông. Chi phí vận chuyển tăng gấp đôi, thậm chí còn hơn. Vì thế giá thông ngày càng tăng, ít nhất là 25% ở khắp mọi nơi".
Trước tình hình đó, nhiều người dân Mỹ đã lần đầu tiên chuyển sang mua cây thông nhân tạo thay cho thông tươi. Chuyển sang mua cây thông nhân tạo là một quyết định lớn. Trước tình trạng biến đổi khí hậu ở California hiện nay thì đây thực sự là hướng đi đúng.
Mặc dù vậy, những người có tư tưởng được cho là tiến bộ này cũng không tránh khỏi những khó khăn do thiếu nguồn cung.
Mỗi lứa thông phải trồng mất 10 năm nên việc thiếu cây thông tươi được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều mùa Giáng sinh nữa.