Kết quả giám sát cho thấy, trong giai đoạn này, việc tinh giản biên chế có sự chênh lệch lớn giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Trong giai đoạn 2015-2021, số biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm đã giảm 11,67%, tương ứng với gần 236.400 người.
Các bộ, ngành Trung ương đã giảm 40.221 người, tương ứng 25,19%, trong khi các địa phương giảm hơn 196.000 người, đạt 10,51%.
Những cơ quan sự nghiệp công lập ở Trung ương có tỷ lệ giảm biên chế lớn, như Bộ Tư pháp (giảm trên 53%), Bộ GTVT (gần 53%), và Bộ TN&MT (gần 51%).
Tuy nhiên, ở giai đoạn 2021-2023, số biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách ở địa phương chỉ giảm 1,42%, xa so với mục tiêu giảm 10% đã đề ra. Đáng chú ý, có đến 12 tỉnh, thành phố lại tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các địa phương như Bình Dương và Thanh Hóa có mức tăng biên chế lần lượt là 3,6% và 2,3%.
Theo báo cáo, tính đến 31/12/2023, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế là gần 89.600 người. Trong đó, gần 73.250 người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm gần 82%, và khoảng 16.200 người thôi việc ngay, chiếm trên 18%.
Đáng chú ý, số lượng biên chế giảm mạnh tập trung chủ yếu ở các chức danh kế toán, y tế học đường và các chức danh lái xe, bảo vệ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Một số địa phương thậm chí đã áp dụng mô hình "3 trường 1 kế toán" để tối ưu hóa nguồn lực.
Trong khi đó, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm chậm, với tổng số đơn vị sự nghiệp giảm chỉ 846 đơn vị so với năm 2021, đạt mức 1,75%. Ở Trung ương, tốc độ giảm trung bình là 5,12%, dự kiến sẽ đạt mục tiêu giảm 10% vào năm 2025. Tuy nhiên, ở địa phương, tốc độ giảm đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại, chỉ đạt mức 1,67%, đây là một thách thức lớn vì phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập tập trung tại địa phương.
Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp cũng gặp khó khăn, đặc biệt là trong việc bố trí các lãnh đạo cấp phó do số lượng dôi dư nhiều.