Chờ...

TPHCM: Khi nào Metro số 1 chính thức vận hành thương mại?

VOH - Sau nhiều lần trì hoãn, bao giờ Metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại toàn tuyến? Đó là câu hỏi được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.

Tại cuộc gặp gỡ với báo chí ngành giao thông vào sáng 20/6, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã thông tin chi tiết tiến độ toàn dự án và trả lời các vấn đề liên quan đến các khiếu nại của dự án từ nhà thầu.

metro-so-1-200624
Toàn bộ dự án Metro số 1 đã đạt được 98,31% - Ảnh: HL

Ông Hoàng Mai Tùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án số 1 thuộc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM cho biết, toàn bộ dự án Metro số 1 đã đạt được 98,31%, trong đó hạng mục thi công CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 99,99%, CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,96%, CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 99,27%, CP3 (Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 96,53%.

Đặc biệt, công tác thử nghiệm vận hành tích hợp ITC dự kiến hoàn thành cuối tháng 7/2024 và công tác đánh giá an toàn hệ thống là những hạng mục mang ý nghĩa quan trọng, đánh giá sự sẵn sàng của toàn hệ thống vận hành.

Ông Tùng cho biết: “Liên quan đến triển khai đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, hiện đã đạt được 9/12 báo cáo tức hơn 75% để đẩy nhanh tiến độ về đích của dự án.

Hiện Tư vấn độc lập - Liên danh Bureau Veritas của Pháp đánh giá rất cao sự an toàn và chất lượng của dự án, từ đó tự tin triển khai công tác đánh giá an toàn hệ thống cho Dự án tuyến Metro 1, Bến Thành - Suối Tiên. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để dự án triển khai suôn sẻ”.

ong-hoang-mai-tung-200624
Ông Hoàng Mai Tùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án số 1 thuộc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM - Ảnh: Phi Yến

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM từ nay đến tháng 11/2024, đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống của Dự án, phối hợp với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục công việc.

Đồng thời, thực hiện và hoàn thành công tác đào tạo thực hành nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng chủ chốt, rà soát kết quả đánh giá an toàn hệ thống đối với Dự án, tiến hành Trial Run (Vận hành thử nghiệm) và thực hiện công tác nghiệm thu và tiến hành vận hành thương mại toàn tuyến vào quý IV/2024.

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đã chia sẻ những bài học lớn khi thực hiện tuyến Metro 1.

Đó là: Thứ nhất, phải có mặt bằng sạch, khảo sát kỹ. Thứ hai, dự án lớn thì pháp lý mạnh và kỹ. Thứ ba, hợp đồng quy định rõ ràng về trách nhiệm để không xảy ra khiếu kiện từ nhà thầu hay tư vấn.

Thứ tư, tăng cường phân cấp ủy quyền, đi kèm trách nhiệm giải trình, không để vướng mới xin ý kiến, mất thời gian là mất tiền. Và thứ 5 là lấy sự vận hành làm mục tiêu, tiện ích của hành khách là đích đến.

nguyen-quoc-hien-pho-ban-qlds-200624
Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM chia sẻ những bài học lớn khi thực hiện tuyến Metro 1 - Ảnh: Phi Yến

Những vướng mắc đang được tháo gỡ tại Dự án Metro số 1

Liên quan đến các khiếu nại của Dự án Metro số 1, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM thông tin: Các Hợp đồng triển khai thi công thực hiện Dự án Xây dựng tuyến Đường sắt đô thị số 1 TPHCM là các Hợp đồng áp dụng mẫu của Hợp đồng FIDIC (Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế).

Theo các quy định Hợp đồng, Nhà thầu tự cho rằng mình có quyền đòi hỏi các chi phí trong trường hợp: (1) nhà thầu nhận thấy trong quá trình thi công có nhưng điểm khác biệt so với thông tin khảo sát ban đầu hoặc (2) nhà thầu cho rằng kế hoạch thực hiện hợp đồng của họ bị thay đổi so với kế hoạch ban đầu gây bất lợi cho họ; thì Nhà thầu sẽ gửi Khiếu nại đến Chủ đầu tư yêu cầu chi phí.

Việc khiếu nại trong các Dự án áp dụng mẫu của Hợp đồng FIDIC là rất phổ biến trên thế giới và việc xử lý các khiếu nại luôn được quy định rõ trong các Hợp đồng.

Đối với Dự án xây dựng tuyến Metro số 1, việc khiếu nại xảy ra ở tất cả các gói thầu của Dự án trong suốt quá trình triển khai thực hiện Dự án từ trước đến nay.

Theo trình tự được quy định trong Hợp đồng, Tư vấn chung (với vai trò Đại diện Chủ đầu tư và Kỹ sư) sẽ đánh giá các khiếu nại của Nhà thầu về tính hợp lý và chi phí. Hiện nay, đa phần các khiếu nại của Nhà thầu đã được Tư vấn chung bác bỏ do không có đủ căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp không hài lòng, theo Hợp đồng, Nhà thầu có quyền đề nghị thành lập Ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị Trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký trong Hợp đồng cho các nội dung khiếu nại.

 

Trong suốt quá trình thực hiện Dự án từ trước đến nay, đối với các khiếu nại và phát sinh hợp lý, sau khi Tư vấn chung đánh giá, Chủ đầu tư đã tiến hành giải quyết thanh toán cho các Nhà thầu.

Đối với những khiếu nại mà nội dung chưa thống nhất được, các bên vẫn đang giải quyết theo quy định Hợp đồng thông qua Trung tâm trọng tài để xem xét. Gần đây, Ban và nhà thầu đang bàn bạc thêm một giải pháp giải quyết thông qua Ban xử lý tranh chấp (DAB)

Liên quan đến quá trình xử lý tại Trung tâm trọng tài, đây là các nội dung đang triển khai và thông tin ở dạng Mật nên Ban Quản lý Đường sắt đô thị không thể cung cấp thông tin chi tiết, tuy nhiên toàn bộ quá trình thực hiện và tiến độ đều được Ban Quản lý Đường sắt đô thị báo cáo đầy đủ đến cấp có thẩm quyền để theo dõi, chỉ đạo.

Như đã mô tả ở trên, việc gửi các Khiếu nại đến chủ đầu tư là quyền của Nhà thầu trong quá trình thực hiện Dự án theo Hợp đồng quốc tế FIDIC đã ký kết. Việc giải quyết các Khiếu nại luôn diễn ra song song với quá trình triển khai thực hiện Dự án, do đó công tác thi công Dự án vẫn được thực hiện theo tiến độ thống nhất với phía các nhà thầu và Tư vấn của Nhật Bản.

Trong Công hàm ngày 2/5/2024 của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam gửi Chủ tịch UBND TPHCM có nêu quan điểm của Chính phủ Nhật Bản, JICA và các Nhà thầu là sẽ hoàn thành công tác thi công Dự án trong năm 2024.

Cụ thể: “Phía Nhật Bản tin rằng có thể bắt đầu việc vận hành thương mại của tuyến Metro trước khi kết thúc năm, như chúng tôi nhắm tới, tức là chúng tôi sẽ hoàn thành công tác ITC (thử nghiệm vận hành tích hợp) vào cuối tháng 7/2024, thực hiện công tác đào tạo vào tháng 8 và tháng 9/2024, tổ chức chạy thử tàu trong tháng 10 và tháng 11/2024, và nhận chứng nhận an toàn mà không bị chậm trễ”.

Tại buổi làm việc vào tháng 4/2024 giữa Lãnh đạo UBND TPHCM với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Nhà tài trợ JICA và các Nhà thầu chính của Dự án, các bên đã xác định các nội dung để tháo gỡ các vướng mắc của Dự án, cũng như thống nhất quan điểm về việc hoàn thành và đưa vào vận hành tuyến Metro số 1 trong năm 2024.

Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các Nhà thầu vẫn đang nỗ lực tối đa để đưa Dự án vào vận hành trong quý IV/2024.