Lươn châu Âu còn được gọi là lươn thủy tinh bắt nguồn từ việc cơ thể chúng có màu trong suốt. Đây loài di cư và có vòng đời khá phức tạp. Chúng được sinh ra trong môi trường biển rồi di cư vào các vùng nước lợ và nước ngọt ở đất liền như cửa sông, sông, suối, ao, hồ,... để sinh sống và phát triển. Quá trình di chuyển này kéo dài đến hàng ngàn km.
Theo các nhà khoa học ghi nhận, lươn thủy tinh có nguồn gốc sinh sản từ biển Sargasso (Bắc Đại Tây Dương). Trứng sau khi nở thành ấu trùng, trôi dạt theo dòng hải lưu Gulf Stream, để đến các vùng đất ven bờ biển châu Âu. Cuộc hành trình này kéo dài hơn 5.000km, mất ít nhất từ 200 ngày cho đến hơn 1 năm. Trong quá trình này, ấu trùng phát trển thành con lươn thủy tinh trong suốt.
Lươn thủy tinh thường tụ tập và sinh sống ở quanh khu vực các cửa sông. Một số tiếp tục di chuyển ngược dòng, sâu hơn vào các vùng nước ngọt trong đất liền. Những con lươn đã xâm nhập này, đến giai đoạn trưởng thành da chúng biến đổi thành màu vàng.
Đến thời kỳ sinh sản, da chúng chuyển sang màu bạc, khi ấy chúng lại di cư bơi ngược dòng ra biển Sargasso (nơi chúng đã từng sinh ra) để đẻ trứng và chết luôn ở đó.
Tại Trung Quốc và Nhật Bản, lươn thủy tinh được coi là món ăn đặc sản và giúp tăng cường sinh lý. Vì vậy, loài này được săn lùng, có giá đắt đỏ.
Lươn thủy tinh bán ở Trung Quốc với giá 5.500 USD/kg (hơn 130 triệu đồng). Còn tại Pháp, một kg lươn thủy tinh hiện có giá 250 Euro (khoảng hơn 6 triệu đồng). Từng có một giai đoạn, giá lươn thủy tinh lên đến 1.000 Euro/kg (tương đương 25 triệu đồng/kg).
Hiện, lươn thủy tinh đang có nguy cơ bị khai thác quá mức do nhu cầu gia tăng từ châu Á. Số lượng lươn châu Âu non đã giảm 99% trong 30 năm qua, phần lớn do hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Ngành buôn lậu lươn thủy tinh trở nên hấp dẫn với nhiều người khi lợi nhuận của nó còn lớn hơn buôn lậu ma túy. Theo Tổ chức Bảo tồn Lươn châu Âu, nghề buôn lậu lươn thủy tinh mang về khoảng 3,7 tỷ USD mỗi năm.