Ethiopia: Meta bị kiện đòi 1,6 tỷ đô la vì các bài đăng Facebook kích động cuộc xung đột Tigray

(VOH) - Hành động pháp lý trên được hỗ trợ bởi Tổ chức Ân xá – nhằm cáo buộc nền tảng Facebook đã khuếch tán các bài đăng có tính chất thù địch, kích động các cuộc xung đột ở miền bắc Ethiopia.

Meta đang đối mặt với vụ kiện “để các bài đăng kích động chiến tranh ở Tigray nở rộ trên Facebook”, sau khi một cuộc điều tra vào tháng 2/2022 cho thấy, nền tảng này đã “ngó lơ” và không có hành động đối với các bài đăng kích động bạo lực.

Facebook (thuộc Meta) bị cáo buộc rằng, các hệ thống đề xuất của Facebook đã phát tán các bài đăng mang tính thù địch và bạo lực trong bối cảnh chiến tranh ở miền bắc Ethiopia diễn ra trong suốt hai năm qua cho đến khi lệnh ngừng bắn được đưa ra vào đầu tháng 11 – theo The Guardian.

Xem thêm: Bé gái 14 tuổi kiện Facebook vì bị đăng ảnh khỏa thân trái phép

facebook
Vụ kiện được đệ trình lên tòa án cấp cao của Kenya - nơi đặt trụ sở hoạt động của Meta ở châu Phi cận Sahara.

Abrham Meareg - người Tigrayan - một trong những người khởi kiện cho biết, cha của anh ấy - một học giả người Ethiopia đã trở thành mục tiêu tấn công bởi các nội dung phân biệt chủng tộc trước khi ông bị sát hại vào tháng 11/2021 và Facebook đã không xóa các bài đăng đó bất chấp các khiếu nại.

Anh cho biết: “Nếu Facebook ngăn chặn sự lan truyền thù địch và kiểm duyệt các bài đăng đúng cách, thì cha tôi vẫn còn sống. Tôi kiện Facebook ra tòa để không ai phải chịu đau khổ như gia đình tôi nữa. Tôi đang tìm kiếm công lý cho hàng triệu đồng bào châu Phi của tôi bị tổn thương bởi sự trục lợi của Facebook – và cần một lời xin lỗi cho cái chết của cha tôi”.

Một trong những nhân viên của Tổ chức Ân xá, Fisseha Tekle là người khởi kiện vụ án. Ông nói: “Ở Ethiopia, người dân dựa vào mạng xã hội để biết tin tức và thông tin. Vì sự thù địch và thông tin sai lệch trên Facebook, những người bảo vệ nhân quyền cũng trở thành mục tiêu của các mối đe dọa và lời cay độc. Tôi đã tận mắt chứng kiến ​​những động thái trên Facebook gây hại cho hoạt động nhân quyền của chính tôi và hy vọng tình trạng này sẽ được khắc phục”.

Những người khởi kiện đang yêu cầu một quỹ bồi thường trị giá 200 tỷ shilling Kenya (tương đương 1,3 tỷ bảng Anh) cho các nạn nhân của sự thù hận và bạo lực trên Facebook.

Vào tháng 2, một phân tích của Cục Báo chí Điều tra (TBIJ) và Người quan sát cho thấy, Facebook đang cho phép người dùng đăng nội dung kích động bạo lực với thông tin sai lệch – mặc dù biết rằng điều đó trực tiếp gây căng thẳng ở Tigray, nơi hàng ngàn người đã chết và hàng triệu người bị thương kể từ khi chiến tranh nổ ra vào cuối năm 2020.

Người phát ngôn của Facebook Ben Walters nói với AP rằng, công ty chưa đưa ra bình luận về vụ kiện. Ben chia sẻ một tuyên bố chung rằng: “Chúng tôi có các quy tắc nghiêm ngặt nêu rõ những gì được phép và không được phép trên Facebook và Instagram. Lời nói thù địch và kích động bạo lực là đi ngược lại các quy tắc này và chúng tôi đầu tư rất nhiều vào các nhóm và công nghệ để giúp chúng tôi tìm và xóa nội dung này”.

Tuyên bố cũng cho biết, Facebook tiếp tục phát triển khả năng của mình để nắm bắt nội dung vi phạm bằng các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất ở Ethiopia.

Facebook đã nhiều lần bị chỉ trích vì mở rộng hoạt động sang các quốc gia có mức độ truyền thông thấp để phát triển mạng lưới người dùng nhưng lại không dành đủ nguồn lực để kiểm duyệt bằng ngôn ngữ địa phương. 

Năm 2018, Facebook từng thừa nhận rằng, họ đã không làm đủ để ngăn chặn kích động bạo lực và ngôn từ kích động thù địch chống lại người Rohingya, dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Myanmar. Một báo cáo độc lập cho thấy “Facebook đã trở thành phương tiện cho những kẻ tìm cách gieo rắc thù hận và gây hại, đồng thời đăng các bài có liên quan đến bạo lực ngoại tuyến”.