Giáo dục hội nhập là phải chấm dứt dạy thêm – học thêm

(VOH) - Sáng nay 07/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo TP về phát triển giáo dục và đào tạo TPHCM, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn của cơ chế quản lý.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, mỗi năm TP tăng dân số cơ học rất cao. Năm ngoái, lượng học sinh tăng 85.000 em trong khi đó hạ tầng giáo dục không theo kịp để đáp ứng nhu cầu học tập.

Vì vậy, ông đề nghị ngành giáo dục và đào tạo TPHCM được trao cơ chế đặc thù trong thực hiện giải pháp đột phá, đổi mới. Cụ thể, đề nghị Bộ cho phép TP tự xây dựng khung chương trình giáo dục và sách giáo khoa riêng dựa trên khung chương trình chung của Bộ.

Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Đồng thời giao quyền cho các tỉnh, TP thực hiện kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp trung học phổ phông (THPT).

Sở kiến nghị giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh…

Ông Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc

Theo Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một giải pháp đột phá của TP đồng thời yêu cầu TP phải chấm dứt ngay tình trạng dạy thêm – học thêm trong năm học này:

“Chuyện dạy thêm học thêm, tôi hoan nghênh nhưng phải như thế này: thành lập một số trung tâm hoặc trung tâm có sẵn như trung tâm thể thao, trung tâm văn hoá… mở thêm các danh mục đào tạo. Ví dụ, đăng ký dạy Toán, dạy Văn, ai có nhu cầu dạy đến đăng ký, ai có nhu cầu học cũng đến đăng ký.

Tuyệt đối không được mở dạy thêm học thêm tại các trường học. Chúng ta có thể làm được ngay, đấy là hội nhập. Hội nhập là không dạy thêm học thêm, hội nhập là phải không chạy trường chạy lớp”, ông Thăng chỉ đạo.

Ông Đinh La Thăng đề nghị Bộ GD-ĐT cần phân cấp, phân quyền triệt để cho TP, giao cho Chủ tịch UBND TP chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng giáo dục đào tạo của TP; nên đưa vào chương trình giáo dục khởi nghiệp để học sinh biết nuôi khát vọng làm giàu chính đáng.

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, cần chấn chỉnh việc học thêm dạy thêm, nhất là ở bậc tiểu học. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ủng hộ và đề nghị TP tiên phong.

Liên quan đến việc phân cấp quản lý các trường ĐH-CĐ trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP cho hay, với đội ngũ hơn 8.000 giáo sư, tiến sĩ thuộc các trường trên địa bàn mà TP chưa phát huy triệt để, nếu không có sự kết nối với các trường ĐH-CĐ thì sẽ lãng phí nguồn tài nguyên lớn.

Vì vậy, sắp tới TP sẽ hình thành lại Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học cao đẳng, do Chủ tịch TP làm chủ tịch Hội đồng với ba mục tiêu chính: xác định các trường đào tạo theo nhu cầu, nhiệm vụ chính trị của TP; tổ chức không gian đại học, phân bố các trường đại học hợp lý, nếu các trường tập trung ở nội thành thì vẫn kẹt xe; phát huy đặt hàng những đề tài, vấn đề của TP...

Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, xây dựng Đề án theo yêu cầu hội nhập phải xác định giá trị thực, cơ sở hạ tầng phải hướng đến chuẩn quốc tế. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, để TPHCM tiên phong trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, TP phải có đề án tổng thể phát triển giáo dục TP.

Những nội dung trên phạm vi toàn ngành chưa triển khai được thì sẽ thí điểm tại TP. Nếu đạt hiệu quả, sẽ triển khai trên cả nước: 

“Bộ GD-ĐT sẽ cùng với TP hoàn chỉnh những quy định hiện hành sao cho phù hợp với xu hướng hội nhập, gắn với thị trường lao động, đổi mới giảm tải, tăng cường chất lượng… Để làm sao giáo dục của ta không xa cách giáo dục khu vực ở cách tiếp cận các chuẩn mực. Còn mức độ cao hay thấp, bản sắc thì giữ nhưng phải tạo ra định hướng chung trong hội nhập giáo dục”.

Bộ trưởng cho hay, Bộ GD-ĐT rất ủng hộ chủ trương di dời các trường ĐH-CĐ ra ngoại thành của TP. TP tạo điều kiện về mặt bằng ở ngoại ô, trừ trường hợp đặc biệt thì có một đại diện cơ sở nội ô.

Cũng trong buổi làm việc tại trường ĐH Sư Phạm TPHCM, theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông từ cách đây 2 năm. Cuối tháng 8 này, trường sẽ ban hành chương trình mới với chuẩn đầu ra và hướng tiếp cận mới.

Ông Nguyễn Kim Hồng kiến nghị Bộ GD-ĐT nên tách riêng Đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đối với khối sư phạm để tăng số lượng người tham gia nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng bài giảng trực tuyến, trước mắt thí điểm cho khoa Tiếng Anh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, hiện cả nước có 117 cơ sở có đào tạo sư phạm, với tình trạng giáo viên vừa thừa vừa thiếu. Đặc biệt, các thầy cô chưa cập nhật theo yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới giảng dạy từ truyền thụ sang hướng tăng cường phát triển kỹ năng. Vì vậy, sắp tới Bộ sẽ quy hoạch lại các trường, trước hết là nhóm các trường sư phạm, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại hệ thống giáo viên trên toàn quốc, tránh tình trạng phân tán như hiện nay.

Là một trong những trường trọng điểm khu vực phía Nam, Bộ trưởng kỳ vọng trường ĐH Sư Phạm TPHCM củng cố tăng cường năng lực về chuyên môn, phục vụ cho công tác đào tạo, năng lực nghiên cứu khoa học, đồng thời rà soát lại chuẩn giáo viên các bậc học theo chuẩn mới.