Làm gì khi con quá nghiện game?

(VOH) - Hầu hết giới trẻ ngày nay có thể vì chơi game mà quên ăn, quên ngủ, lạm dụng game quá nhiều vào trong cuộc sống hàng ngày, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập.

Cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng là một trong những cách hướng trẻ đến việc sử dụng thời gian có ích, xa rời những thú vui tai hại nhiều hơn lợi ich như game.

Làm gì khi con quá nghiện game? 1

Trẻ chơi game nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của trẻ. Ảnh minh họa: PhoneArena

Chơi game đến lơ là việc học

* Con trai 14 tuổi, học lớp 9, thích mượn điện thoại của ba chơi game và lơ là việc học. Mẹ đã cảnh cáo hai cha con, hiện bé có chút chuyển biến tích cực, liệu bé có bị gọi là nghiện game?

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long – Chuyên gia tư vấn tâm lý trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, bé trai này chỉ ở mức độ hơi lạm dụng game do có sự hỗ trợ từ ba. Tuy nhiên, sự cảnh cáo của mẹ đã có chút ảnh hưởng và có tín hiệu đáng mừng cho con, nhưng mẹ cần chú ý thêm vì con có thể chơi game ở nhiều nơi khác ngoài điện thoại của ba như ở trường, nhà bạn hoặc tiệm internet,… Ngoài việc nghiêm cấm ba cho bé mượn điện thoại, mẹ cần giám sát bé cũng như chú ý đến sức khỏe, tâm lý và kết quả học tập của bé. Nếu mọi việc vẫn ổn, bình thường thì sẽ không sao vì game khi đó chỉ là phương tiện để giải trí, hơn nữa, trẻ con luôn bị lôi cuốn bởi game, nhưng điều quan trọng là không nên để con quá lợi dụng. Trong trường hợp này, mẹ đã hiểu và đồng hành cùng con trong việc nhắc nhở, cảnh cáo và đã có những chuyển biến nhất định. Đây được xem là việc làm cần thiết và vô cùng tích cực của mẹ đối với chứng nghiện game của con. Cha mẹ cần tìm thêm các hoạt động khác để hướng con tham gia ngoài việc học hành như trợ giúp mẹ, phụ giúp ba,… giảm thời gian trống, rảnh rỗi của con và để con giảm bớt thời gian nghĩ đến việc chơi game. Tuyệt đối không nên cho con trai cầm điện thoại hay ipad để lướt web vì như thế chẳng khác nào “mỡ treo miệng mèo”.  

Nên xếp lịch cho con chơi game vào các tối cuối tuần nhưng cũng cần uyển chuyển để con tham gia các hoạt động khác. Cha mẹ cần tìm hiểu các sở thích của con như thể dục thể thao, kích thích con tham gia bằng cách xen kẽ giữa các buổi tối chơi game nhằm làm con yêu thích các hoạt động khác và giảm thời gian chơi game.

Làm gì khi con quá nghiện game? 2

Cần chú ý đến trẻ vì trẻ có thể chơi game ở bất cứ nơi đâu. Ảnh minh họa: internet

Hậm hực với mẹ khi không được chơi game

* Con học lớp 9 và nghiện game, chơi từ 2-3 tiếng/ngày, thường ra tiệm internet để chơi. Mẹ lên lịch cho con chơi game nhưng khi không được chơi thì con trai tỏ ra bực bội, hậm hực với mẹ. Phải làm sao trong trường hợp này?

Việc hậm hực của bé là biểu hiện bình thường khi không nhận được điều mình muốn bởi người khác hứa. Điều quan trọng là cha mẹ không nên quá quan tâm đối với việc hậm hực của con vì như thế sẽ làm cho trẻ xoáy sâu vào điều đó.

Mẹ có thể bày tỏ nỗi lòng nhẹ nhàng về việc con bực bội và mẹ cảm thấy như thế nào. Có thể thay đổi cách thức như không cố định lịch chơi game của con (để tránh việc trẻ hậm hực khi không được đáp ứng) thay vào đó là khuyên nhủ, động viên con học hành để kết quả không giảm sút hay có thể nhận xét về sức khỏe của con không được tốt trong thời gian gần đây, miễn sao thay đổi được thói quen chơi game của con. Đợi khi con không còn bực bội về việc đó, cha mẹ phân tích cho con hiểu việc chơi game ảnh hưởng như thế nào. 

Đồng thời, cha mẹ có thể giúp con thay đổi hành vi bằng các trải nghiệm xã hội như hướng con đến các hoạt động thể thao, tham gia vào các lớp học tại các nhà văn hóa, các hoạt động nhân đạo trong xã hội để con có hành vi tốt hơn.

Nếu con không thay đổi được và ngày càng nghiện game dẫn đến sa sút việc học và sức khỏe, cha mẹ có thể liên lạc với chương trình, chúng tôi sẽ giới thiệu cho phụ huynh các trung tâm - nơi có các chuyên gia can thiệp, giúp đỡ tùy theo mức độ nghiện game của trẻ.

Tư vấn: Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long – Chuyên gia tư vấn tâm lý trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM.

Làm gì khi con quá nghiện game? 3

Các bạn có thể tham gia giao lưu trực tiếp với các các chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ trên sóng FM 99.9 MHz vào tối thứ Sáu hàng tuần, từ 20 giờ 5 phút đến 21 giờ. Đăng ký tham gia qua số điện thoại: 39.10.48.66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Thủ Đức House thực hiện.