Mặc dù là một trong những nghi lễ làm đẹp đã xuất hiện từ lâu và vốn rất được yêu thích bởi những người nổi tiếng ở Hollywood nhưng chải da khô vẫn khiến nhiều chị em băn khoăn về công dụng cũng như cách áp dụng. Dưới đây là một vài thông tin hữu ích dành cho bạn về phương pháp tưởng như cầu kỳ nhưng lại vô cùng đơn giản này.
1. Chải da khô là gì?
Chải da khô cũng là một cách tẩy tế bào chết cơ học
Chải da khô hay dry brushing về cơ bản là phương pháp sử dụng bàn chải (dành riêng cho việc chải khô) để chải, massage nhẹ nhàng lên cơ thể theo chuyển động dài, tròn, hướng lên (trái tim) mà không sử dụng nước. Với cách thức hoạt động như vậy, chúng cũng được xem là một trong những hình thức tẩy tế bào chết cơ học ( vật lý ).
2. Chải da khô có lợi ích gì?
2.1 Chải da khô tẩy tế bào chết
Chải da khô giúp bạn loại bỏ lớp da chết, tạo điều kiện cho các tế bào mới phát triển
Lợi ích chính cũng là lợi ích có thể nhận thấy rõ ràng và gần như ngay lập tức của phương pháp chải da khô chính tẩy da chết. Dưới tác động của những sợi lông trên bàn chải, tế bào da bị xỉn màu, sần sùi, bong tróc… sẽ được loại bỏ, nhường chỗ cho sự phát triển của lớp tế bào mới khỏe mạnh. Nhờ đó mà làn da của bạn sẽ thông thoáng, mềm mịn, sáng và đàn hồi hơn.
2.2 Chải da khô ngăn ngừa lông mọc ngược
Chải da khô thường xuyên là một trong những cách khuyến khích sự thay đổi, tái tạo của các tế bào do đó nó sẽ giúp bạn giữ cho lỗ chân lông thông thoáng đồng thời ngăn ngừa tình trạng lông mọc ngược. Tác dụng này sẽ cực kỳ hữu ích trong trường hợp tẩy lông bằng phương pháp wax hoặc dùng dao cạo.
2.3 Chải da khô cải thiện cellulite
Chải da khô có thể góp phần cải thiện tình trạng cellulite
Chải da khô không thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn tình trạng cellulite nhưng tác dụng hỗ trợ tăng cường lưu thông và “phân phối” lại chất béo dưới da của nó ít nhất sẽ có lợi. Bằng cách cải thiện độ mềm mịn, đàn hồi của da, phương pháp này sẽ khiến cho vấn đề ít bị chú ý hơn đồng thời tạo điều kiện giúp các biện pháp khác khắc phục khác hoạt động một cách thuận lợi.
2.4 Chải da khô tăng cường lưu thông máu, làm sáng da, hỗ trợ thải độc
Chải da khô sẽ giúp bạn thúc đẩy sự lưu thông của máu, hỗ trợ một phần vào việc thoát bạch huyết để loại bỏ độc tố. Công dụng này của chúng thậm chí còn có thể khiến làn da trở nên sáng mịn và rạng rỡ hơn dù chỉ là tạm thời.
Xem thêm: Bạn biết gì về cạo lông mặt – phương pháp làm đẹp có khả năng khiến da trắng mịn như trứng gà bóc?
3. Hướng dẫn cách chải da khô
3.1 Một số điều bạn cần biết trước khi chải da khô
Chải khô có thể gây kích ứng da
Chải da khô có thể gây kích ứng cho một số trường hợp
Kích ứng da được xem là tác dụng phụ phổ biến nhất của việc chải da khô. Chúng có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân từ thao tác không đúng, dùng quá nhiều sức, chọn bàn chải không phù hợp, chải quá thường xuyên đặc biệt là với những người có làn da nhạy cảm.
Chải khô có thể làm khô da
Chải khô có thể khiến da bị khô nếu bạn áp dụng không đúng cách hoặc không biết cách chăm sóc sau khi thực hiện. Do đó, hãy đảm bảo dùng lực thích hợp đồng thời dưỡng ẩm cho da đầy đủ, cẩn thận ngay sau đó.
Chải da khô không phù hợp với tất cả mọi người
Không phải ai cũng có thế áp dụng phương pháp chải da khô
Vì phương pháp chải khô dùng bàn chải để tác động vào da nên nó sẽ không phù hợp với một số trường hợp như:
- Da nhạy cảm
- Bị cháy nắng, kích ứng hoặc có vết thương hở
- Bệnh chàm, bệnh vảy nến, phát ban
Chải da khô chỉ nên được thực hiện 1 – 2 lần/ tuần
Về bản chất, chải da khô cũng là một phương pháp tẩy tế bào chết do đó, bạn chỉ nên áp dụng chúng từ 1 – 2 lần/ tuần (tần suất thích hợp nhất là 1 lần/ tuần).
Không nên chải khô cho da mặt và cổ
Da mặt khá nhạy cảm nên tốt nhất bạn không nên chải khô
Việc áp dụng phương pháp chải khô cho da mặt và cổ có thể quá khắc nghiệt do đó, tốt nhất là chúng ta không nên thử.
Buộc phải dùng kem chống nắng sau khi chải da khô
Chải khô sẽ khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời nên khi ra ngoài, bạn cần thoa kem chống nắng và che chắn cẩn thận để bảo vệ chúng.
Chọn bàn chải khô phù hợp
Hãy chọn bàn chải khô phù hợp với nhu cầu của mình
Để thực hiện chải khô tại nhà, bạn cần chuẩn bị cho mình những chiếc bàn chải phù hợp với nhu cầu sử dụng (kích thước, có tay cầm hay không…). Tránh những sản phẩm có lông quá cứng vì nó sẽ làm da bị tổn thương, thay vào đó những loại lông tự nhiên, được làm từ các nguồn thực vật như đay… sẽ thân thiện hơn hẳn. Ngoài ra, hãy để ý đến cả việc giữ gìn vệ sinh cho dụng cụ bằng cách làm sạch chúng một cách thường xuyên.
Xem thêm: Microdermabrasion – công nghệ tẩy tế bào chết được mệnh danh hiệu quả nhất có gì đặc biệt?
3.2 Cách chải da khô
Việc chải da khô được thực hiện từ chân hướng lên trên
- Chọn vị trí thích hợp và thoải mái để thực hiện việc chải khô. Bắt đầu chải nhẹ nhàng từ bàn chân sau đó kéo hướng lên phía trên cơ thể. Thực hiện lần lượt cho cả 2 chân và thao tác lên đến phần đùi trên.
- Tiếp tục chải khô cho phần mông và lưng (bạn có thể dùng loại có cán cầm dài cho lưng nếu cảm thấy khó khăn hoặc bỏ qua nếu muốn).
- Thực hiện chải khô cho tay bằng cách bắt đầu từ mu bàn tay, chải hướng lên vai một cách đều đặn.
- Tiếp tục chuyển sang vùng bụng và ngực. Vì vùng da này khá nhạy cảm nên bạn hãy điều chỉnh lực sao cho chúng nhẹ nhàng hơn. Tiếp tục với chuyển động chải từ dưới hướng lên trên hoặc chuyển động tròn (bạn có thể chọn 1 trong 2 miễn là chúng thoải mái) và không chải khô quá ngực.
- Sau khi hoàn thành việc chải da khô cho toàn bộ cơ thể bạn nên đi tắm sau đó dưỡng ẩm cho da bằng kem dưỡng hoặc dầu dưỡng.
Chú ý:
- Không chải da khô quá 5 phút.
- Khi chải khô, luôn cố gắng điều chỉnh lực thích hợp cho từng vùng cơ thể khác nhau.
- Chải khô theo hướng lên hoặc hướng về tim với thao tác nhẹ nhàng nhưng dứt khoát (không quá nhanh cũng không quá chậm).
- Lưu ý không chải cùng một vùng da quá nhiều lần vì dễ gây kích ứng.
Chải da khô là một trong những phương pháp làm đẹp có thể đem lại khá nhiều lợi ích cho làn da. Quan trọng hơn cả chúng đơn giản, dễ áp dụng, không tốn quá nhiều thời gian, công sức hay tiền bạc để thực hiện. Do đó nếu muốn bạn đừng ngại trải nghiệm để có thể tự mình thấy được hiệu quả.
Nguồn ảnh: Internet