6 tác hại của quả sung khi ăn quá nhiều

(VOH) – Quả sung luôn được biết đến là loại quả bổ dưỡng, được sử dụng khá nhiều trong y học dân gian. Tuy nhiên, nếu không lưu ý khi sử dụng, bạn có thể sẽ phải đối mặt với các tác hại của quả sung.

Quả sung chứa nhiều chất dinh dưỡng, được xem như một loại trái cây tốt cho hệ tiêu hóa, hệ tim mạch hoặc giúp kiểm soát lượng đường trong máu... Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại cho sức khỏe thì ít ai biết được các tác hại của quả sung nếu ăn sai cách và ăn quá nhiều.

Tác hại của quả sung 1
Bên cạnh lợi ích, quả sung cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe (Nguồn: Internet)

Dưới đây là những tác hại của quả sung mà khi bạn ăn quá nhiều sẽ gặp phải như:

1. Gây xuất huyết

Theo đông y quả sung không phải là dược liệu có tính nóng, nhưng một số trường hợp ăn quả sung chín quá nhiều gặp phải tình trạng bị xuất huyết trong. Do đó, bạn không nên ăn quá nhiều quả sung vì chúng có thể gây hại cho cơ thể.

2. Giảm đường huyết

Trái sung là loại trái cây rất tốt cho người bị tiểu đường, vì trong quả sung có chứa axit chlorogenic giúp làm giảm cũng như kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, nếu bạn không bị bệnh tiểu đường hoặc đường huyết thấp, bạn có thể sẽ gặp phải chứng giảm đường huyết trong máu khi ăn quá nhiều quả sung.

3. Tăng axit oxalic có hại

Thành phần axit oxalic có khá nhiều trong quả sung, loại axit này bình thường sẽ không gây ảnh hưởng cho cơ thể. Nhưng nếu bạn ăn quả sung nhiều sẽ khiến lượng axit oxalic tăng cao và dư thừa, khi chúng bài tiết ra ngoài cơ thể sẽ phản ứng với canxi tạo thành muối oxalate –nguyên nhân gây ra chứng sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang...

Xem thêm: Những đối tượng dễ mắc bệnh sỏi túi mật không phải ai cũng biết

4. Viêm da

Ăn quả sung có thể giúp cơ thể chống lại tình trạng oxy hóa, trị nám da, nhưng cũng vì vậy mà tác hại của quả sung mang lại đó là khiến cho làn da trở nên nhạy cảm hơn, nhất là khi có sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tác hại của quả sung 2
Ăn nhiều quả sung có thể gây viêm da (Nguồn: Internet)

Một người ăn quá nhiều quả sung và lại thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng sẽ khiến cơ thể tăng khả năng mắc phải các chứng bệnh liên quan đến da như phát ban, mẩn đỏ, tăng hắc sắc tố dưới da...

5. Đầy bụng

Hàm lượng chất xơ trong quả sung khá cao, lượng chất xơ này có thể giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều sung sẽ khiến lượng chất xơ bị dư thừa, từ đó cản trở quá trình tiêu hóa và cơ thể sẽ gặp phải các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu.

Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả

6. Ngộ độc thực phẩm

Quả sung là loại quả khá sạch vì không có sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, do cấu tạo của quả sung khá đặc biệt nên trong quả sung thường là nơi “trú ngụ” của côn trùng và chúng có thể gây ngộ độc thực phẩm. Vì thế, khi ăn thì tốt nhất bạn nên bổ ra và rửa sạch để đảm bảo an toàn và trách các tác hại của quả sung mang lại cho sức khỏe.

7. Những người không nên ăn quả sung

Tác hại của quả sung 3
Mốt số đối tượng nên tránh ăn quả sung để không gây hại cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Vì quả sung có thể gây ra một vài vấn đề sức khỏe, do đó, để đảm bảo an toàn, những đối tượng sau đây nên hạn chế hoặc không thêm quả sung vào chế độ ăn uống của mình:

7.1 Người bị bệnh sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang

Vì trong quả sung chứa nhiều oxalate, những người mắc bệnh thận khi ăn quả sung thì chất oxalate sẽ kết hợp với canxi tạo thành sỏi, vì vậy những người bệnh sỏi thận, sỏi mật nên hạn chế ăn để tránh tình trạng thêm nghiêm trọng.

7.2 Người có chứng hạ đường huyết

Mặc dù tác dụng của quả sung có thể giúp kiểm soát đường huyết trong máu nhưng việc ăn quá nhiều nhưng những người đang có chứng hạ đường huyết mà ăn quả sung nhiều sẽ phần nào làm mức đường huyết trong cơ thể hạ xuống mức thấp gây ra các tính trạng chóng mặt, đau đầu, run rẩy, tim đập nhanh, vả mồ hôi, thị lực giảm, cảm thấy cáu gắt và da bị tái nhợt.

Vì vậy những người đang có mức đường huyết thấp thì hãy hạn chế ăn quả sung để các tác hại không mong muốn.

7.3 Người có da nhạy cảm

Nếu là người có làn da nhạy cảm, dễ dị ứng thì tốt nhất không nên ăn quả sung vì dễ gây ra các tình trạng như viêm mũi, viêm màng kết và sốc phản vệ. Để biết bản thân có bị dị ứng quả này không thì nên ăn thử miếng nhỏ, nhai chậm rãi để xem cơ thể có biểu hiện gì không rồi mới tiếp tục ăn.

7.4 Người có xuất huyết trực tràng, đau dạ dày

Theo đông y, đặc tính của quả sung chín là nóng, ăn nhiều sẽ gây xuất huyết trực tràng hoặc làm đau dạ dày. Ngoài ra khi đang mắc bệnh xuất huyết trực tràng thì không nên ăn quả sung vì sẽ làm cơ thể chảy máu không ngừng, ăn sung nhiều còn làm cơ thể bị thiếu máu.

Ngoài ra, nếu bạn muốn sử dụng quả sung trong điều trị bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh gặp phải những tác dụng phụ từ loại trái cây này.

8. Các lưu ý để sử dụng quả sung đúng cách

Quả sung có thể được dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Các món ăn từ quả sung không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng. Tuy nhiên, khi dùng quả sung bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Quả sung mới hái có chứa nhiều nhựa, bạn cần rửa qua nước muối trước khi ăn.
  • Ăn quả sung với lượng vừa phải, không ăn quá nhiều.
  • Những người đang trong quá trình điều trị hoặc sử dụng thuốc chống đông máu nên tránh ăn quả sung để không phải gặp những tác dụng phụ.
  • Người bị dị ứng với các loại mủ cây cao su cần thận trọng khi ăn quả sung vì chúng có thể gây dị ứng tương tự.
  • Bà bầu có thể ăn quả sung nhưng chỉ ăn với số lượng ít, hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn để đảm an toàn sức khỏe cho mẹ và bé.

Nhìn chung, sung là loại quả bổ dưỡng thơm ngon nhưng cần được sử dụng đúng cách, không ăn quá nhiều để  tránh các tác hại của quả sung mang lại cho sức khỏe.