Nghiên cứu của các giáo sư tại Khoa Y tế Dự phòng, Đại học Quốc gia Seoul là Kang Dae-hee và Shin Woo-kyoung cho thấy, tiêu thụ nhiều đậu nành hoặc các sản phẩm từ đậu nành có thể liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
Phát hiện này dựa trên nghiên cứu Health Examinees (HEXA) được thực hiện trong khoảng 9 năm với 139.267 người tham gia - 46.953 nam và 92.314 nữ - từ năm 2004 đến 2013.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra chặt chẽ tác động của việc tiêu thụ đậu nành, tương đậu nành và đậu hũ đối với bệnh ung thư dạ dày, với khoảng 767 người bị ung thư và những người không mắc bệnh.
Kết quả cho thấy, những người đàn ông ăn đậu hũ ít nhất hai lần một tuần đã giảm 37% nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày so với những người đàn ông không ăn nhiều đậu.
Những người đàn ông ăn đậu hũ và có chỉ số khối cơ thể dưới 23, hoặc những người có cân nặng dưới mức trung bình của nam giới, có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư dạ dày thấp hơn, trong khi những mối tương quan như vậy không được quan sát thấy ở những người đàn ông béo phì hoặc thừa cân.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng genistein - một hợp chất có trong các sản phẩm từ đậu nành và isoflavone - một loại chất giống như estrogen được sản xuất bởi thực vật như cây đậu nành, có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Đọc thêm: Những món ngon từ đậu nành khiến ai cũng phải thích mê
Giáo sư Shin cho biết: "Tương đậu sản xuất tại Hàn Quốc được coi là có tác dụng ngăn ngừa ung thư dạ dày tốt hơn do nhiều hoạt chất sinh lý được tạo ra trong quá trình lên men lâu dài".
Nghiên cứu cũng đã được công bố trong ấn bản mới nhất của Tạp chí Dinh dưỡng Châu Âu, nơi xuất bản các bài báo gốc, các bài phê bình và các thông tin về khoa học dinh dưỡng.