Dùng dầu đậu nành có tốt không – 6 lý giải ‘ngọn ngành’ cần biết

(VOH) – Dầu đậu nành vốn thuộc nhóm dầu thực vật được dùng khá rộng rãi. Tuy nhiên vẫn có nhiều ‘nghi ngại’ không biết sử dụng dầu đậu nành có tốt không và cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Hạt đậu nành từng được ví như “thịt trắng” giàu dưỡng chất, đặc biệt là protein đậu nành. Tận dụng loại hạt vàng mẩy này có thể cho ra đời nhiều chế phẩm bổ dưỡng, kể đến như sữa đậu nành, đậu hũ (đậu phụ), bơ đậu nành và tất nhiên là dầu đậu nành.

1. Dầu đậu nành bao nhiêu calo?

Dầu đậu nành là thành phẩm thu được sau quá trình xử lý nhiệt các hạt đậu nành, pha trộn với một số dung môi cần thiết rồi tinh chế để tách chiết lấy dầu. Theo phân tích dinh dưỡng, trung bình 100g dầu đậu nành chứa khoảng 884Kcal – thấp hơn mức năng lượng mà cơ thể cần cung ứng và có thể đốt cháy mỗi ngày (2000Kcal).

Thế nhưng điều cần lưu ý là ăn dầu đậu nành có béo nếu như chúng ta lạm dụng nhiều hơn 4 thìa cà phê trong ngày. (1)

dung-dau-dau-nanh-co-tot-khong-6-ly-giai-ngon-nganh-can-biet-voh-0
Dầu đậu nành được chiết xuất từ hạt đậu nành, giàu dinh dưỡng nhưng nên dùng liều lượng hợp lý (Nguồn: Internet)

2. Sử dụng dầu đậu nành có tốt không?

Lựa chọn dầu đậu nành đạt chất lượng cũng như duy trì sử dụng liều lượng hợp lý sẽ giúp bạn tiếp nạp thêm khá nhiều “tinh túy” từ hạt đậu nành, gồm protein thực vật, chất chống oxy hóa cùng các vitamin.

2.1 Bảo vệ tim mạch

Các nghiên cứu nhận thấy rằng sử dụng dầu đậu nành có tốt cho sức khỏe tim mạch. Điều này là bởi loại dầu này cung cấp lượng lớn chất béo không bão hòa như omega – 3, omega – 6 và omega – 9. Những dưỡng chất này khi vào cơ thể sẽ thực hiện nhiệm vụ đào thải cholesterol xấu ra khỏi thành mạch, hạn chế tình trạng tắc nghẽn, từ đây bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.

2.2 Duy trì thị lực tốt

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe tim mạch, lượng axit béo omega – 3 từ dầu đậu nành còn được đánh giá là thành tố quan trọng trong cấu trúc của võng mạc. Theo đó, hấp thu thêm dưỡng chất này sẽ góp phần không nhỏ duy trì thị lực tốt, giảm thiểu nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng sớm.

Xem thêm: 9 thực phẩm tốt cho mắt, bổ mắt bạn nên ăn từ bây giờ

2.3 Củng cố xương khớp

Có thể bạn chưa biết, dầu đậu nành nằm trong số ít dầu thực vật rất giàu vitamin K – hoạt chất cực kì cần thiết cho hệ thống xương khớp, ước tính 100g dầu đáp ứng lượng vitamin tương đương với hơn 153% nhu cầu hàng ngày. Lúc này vitamin K có khả năng kích hoạt osteocalcin nhằm vận chuyển canxi vào mô xương, đảm bảo quá trình tái tạo tế bào xương mới diễn ra trơn tru, củng cố hệ vận động dẻo dai và chắc khỏe.

dung-dau-dau-nanh-co-tot-khong-6-ly-giai-ngon-nganh-can-biet-voh-1
Dầu đậu nành là một trong những dầu thực vật giàu vitamin K (Nguồn: Internet)

2.4 Phòng chống ung thư

Nhiều “đồn đoán” rằng người bệnh đang điều trị ung thư nên hạn chế sử dụng đậu nành hay dầu đậu nành. Song cho đến nay chưa có y thư nào khẳng định tác động trên, mà ngược lại nhờ chứa hàm lượng dồi dào chất chống oxy hóa isoflavone nên dầu đậu nành có đặc tính hỗ trợ phòng chống ung thư hiệu quả.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.5 Cải thiện chức năng não bộ

Một trong những tác dụng của dầu đậu nành nhất định phải kể tới đó là giúp cải thiện chức năng não bộ. Cụ thể, các axit béo không bão hòa được tìm thấy trong dầu đậu nành, đặc biệt như omega – 3 được xem như chất xúc tác tăng độ nhạy của tế bào thần kinh, khắc phục triệu chứng suy giảm trí nhớ.

Ngoài ra, khi tiếp nạp đủ lượng omega – 3, lượng hormone serotonin sẽ tăng lên và bạn có thể chủ động phòng ngừa bệnh lý trầm cảm.

2.6 Tốt cho làn da

Sử dụng dầu đậu nành có tốt cho làn da vì trong thành phần của dầu có lượng lớn vitamin E dạng a-tocopherol. Vitamin E sẽ trực tiếp tham gia tái tạo lớp collagen ở da, ngăn chặn sự tấn công của gốc tự do tới màng tế bào da, từ đó nuôi dưỡng làn da mềm mại và không bị lão hóa sớm.

Xem thêm: Đây là lý do vì sao bạn nên bổ sung vitamin E thường xuyên, lợi trăm bề mà không phải ai cũng biết

3. Một số lưu ý cần biết khi dùng dầu đậu nành

Có thể nói rằng, sử dụng dầu đậu nành có tốt cho sức khỏe hay không phụ thuộc phần lớn vào việc bạn thực hiện đúng các khuyến cáo an toàn, đúng liều lượng dầu. Chính vì thế, hãy ghi nhớ và áp dụng một số lưu ý quan trọng sau đây:

3.1 Cất trữ bằng vật chứa thủy tinh

Giống như bất cứ loại dầu nào, trong quá trình bảo quản dầu đậu nành bạn nên lựa chọn vật chứa được làm bằng thủy tinh, nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng biến đổi chất – tiềm ẩn rủi ro gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Cùng với đó, nên cất trữ dầu ở nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời hoặc đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, lời khuyên là chỉ nên sử dụng dầu đậu nành trong vòng 6 tháng.

Xem thêm: Giới hạn thời gian khi bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh là bao lâu?

3.2 Hạn chế dùng lại nhiều lần

So với các loại dầu thực vật khác, dầu đậu nành có điểm bốc khói của dầu đậu nành tương đối cao, ở mức 230 – 250 độ C, thích hợp cho các món chiên xào. Dù vậy, tốt nhất hãy dùng dầu chế biến khoảng 2 lần, tuyệt đối đừng dùng lại nhiều lần và để qua đêm.

dung-dau-dau-nanh-co-tot-khong-6-ly-giai-ngon-nganh-can-biet-voh-2
Dầu đậu nành thích với món chiên xào nhiệt độ cao nhưng cần hạn chế dùng đi dùng lại nhiều lần (Nguồn: Internet)

3.3 Không sử dụng dầu bị hỏng

Trường hợp nhận thấy màu sắc của dầu đậu nành biến đổi vàng sẫm, mùi hương nồng và bị ôi thiu thì phải tạm ngưng sử dụng ngay.

4. Thành phần dinh dưỡng của dầu đậu nành

Hàm lượng một số chất dinh dưỡng mà 100g dầu đậu nành cung cấp được phân tích như sau:

  • Năng lượng: 884 Kcal
  • Vitamin E (a-tocopherol): 54% giá trị hàng ngày
  • Vitamin K: 153% giá trị hàng ngày
  • Phytosterol: 172mg
  • Chất béo: 100g
  • Sắt: 0.05 mg

Hy vọng rằng qua những thông tin về tác dụng cũng như nguồn dưỡng chất của dầu đậu nành được chia sẻ trên đây, bạn đã phần nào yên tâm hơn bổ sung loại dầu này vào chế độ ăn hàng ngày. Sử dụng dầu đậu nành tốt cho sức khỏe nhưng đừng quên phải nằm lòng các khuyến cáo an toàn đấy nhé!

Bình luận