Ăn khoai lang sau buổi trưa có làm tăng gánh nặng cho cơ thể không?

VOH - Trên mạng xã hội có thông tin nói rằng “nên ăn khoai lang trước 6 giờ 30 sáng và muộn nhất phải ăn trước 12 giờ trưa để tốt cho cơ thể.

Nguyên nhân vì quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ kém đi vào buổi chiều, nếu ăn khoai lang có thể gây gánh nặng cho cơ thể.  Thật sự thông tin này có đúng không?

Ăn khoai lang sau buổi trưa có làm tăng gánh nặng cho cơ thể không?
Những ai có hệ tiêu hóa kém hoặc dễ bị đầy hơi thì không nên ăn quá nhiều khoai lang - Ảnh: TVBS

Khoai lang ăn vào buổi sáng sẽ tốt nhất?

Zhou Huizhe, thầy thuốc đông y tại phòng khám Renai (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, theo cách nhìn về thời gian lưu thông kinh mạch của y học cổ truyền, kinh tuyến ruột già thịnh nhất là từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng, kinh tuyến dạ dày là từ 7 đến 9 giờ sáng, kinh tỳ từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa.

Khoai lang có tác dụng bổ tỳ, dạ dày, thận, ăn khoai lang trước buổi trưa thì thật sự là đúng nhất và tốt nhất.

Tuy nhiên, một bác sĩ y học gia đình người Đài Loan Ye Ruiru cho rằng, y học hiện đại (hay còn gọi là tây y) không tin rằng, ăn một thức ăn trong một khoảng thời gian nhất định nào đó sẽ tốt hơn và sẽ hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Mà là thức ăn khi ăn vào cơ thể sẽ được ruột non tiêu hóa và hấp thu, mỗi chất dinh dưỡng trong thức ăn đều có một mức hấp thụ cố định.

Do đó, không phải vì ăn khoai lang vào buổi sáng mà sẽ hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Chuyên gia dinh dưỡng Lin Ziyin cũng cho biết, khoai lang thuộc loại ngũ cốc nguyên hạt và cùng loại thực phẩm với gạo trắng và gạo nguyên cám, hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời gian tiêu thụ.

Giống như thời gian đại tiện cố định hàng ngày là rất tốt, nhưng không nhất thiết phải đại tiện trước 7 giờ sáng.

Ăn khoai lang sau bữa trưa có làm tăng gánh nặng cho cơ thể không?

Thầy thuốc Chu Huizhe cho rằng, từ góc độ y học cổ (đông y), khoai lang có thể ăn sống hoặc nấu chín, nếu nấu chín sẽ ăn mềm, dẻo, ngọt và thơm hơn là ăn sống.

Khoai lang có vị ngọt tính bình, không độc; tác dụng bổ tỳ, ích thận, nhuận tràng, tiêu viêm, lợi gan mật, sáng mắt.

Nhưng đối với những ai có hệ tiêu hóa kém hoặc dễ bị đầy hơi, chướng bụng thì không nên ăn quá nhiều khoai lang, nhất là không nên ăn khoai lang sống.

Còn bác sĩ y học gia đình Ye Ruiru thì cho biết, xét về mặt dinh dưỡng, khoai lang chứa nhiều đường, tinh bột và chất xơ, những người có chức năng tiêu hóa kém khi ăn quá nhiều khoai lang dễ bị đầy hơi, chướng bụng, trào ngược dạ dày thực quản và các tình trạng khó tiêu khác. Ăn khoai lang quá muộn trong ngày cũng dễ gây tăng đường huyết.

Chính vì vậy, những người có chức năng tiêu hóa kém hoặc tiểu đường nên tránh ăn khoai lang vào buổi tối để tránh tình trạng khó chịu ở đường tiêu hóa ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Chuyên gia dinh dưỡng Lin Ziyin nói thêm, khoai lang nướng thường bán trên đường phố có kích thước bằng nửa bàn tay và nặng khoảng 250 gram, tương đương với 4,5 phần ngũ cốc nguyên hạt, đối với những người có lượng đường trong máu bất thường, họ nên chú ý đến lượng đường thay thế khi ăn khoai lang để tránh hấp thụ quá nhiều đường trong ngày, làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh của mình.

Bình luận