Đốm đen trên khoai lang có độc không?

VOH - Khoai lang rất ngon và bổ dưỡng, nhưng nếu trên củ khoai có vết thâm hoặc đốm đen thì có độc và còn ăn được không?

Khoai lang giúp bảo vệ tim mạch, hạ huyết áp

Khoai lang chứa một lượng lớn chất xơ, có thể giúp giảm cholesterol trong mạch máu của cơ thể, có lợi cho tim và giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch.

Khoai lang còn chứa chất nhầy, có thể duy trì độ đàn hồi của thành mạch máu và giúp hạ huyết áp.

Trong số nhiều loại khoai lang, khoai lang đỏ có hàm lượng beta-carotene cao, có thể chuyển hóa thành vitamin A để bảo vệ thị lực.

Đốm đen trên khoai lang có độc không? 1
Khoai lang có thể nói nó là “sản phẩm chăm sóc da” an toàn, giá rẻ và chất lượng cao -  Ảnh: TVBS

Ngoài ra, khoai lang còn chứa hợp chất tự nhiên phytoestrogen có tác dụng chống nếp nhăn và duy trì làn da mịn màng, có thể nói nó là “sản phẩm chăm sóc da” an toàn, giá rẻ và chất lượng cao.

Đừng nên ăn khoai lang đã bị nhiễm vi khuẩn và trở nên cứng và đắng

Khoai lang tuy ngon và bổ dưỡng nhưng nếu xuất hiện các vết thâm hoặc nhiều đốm đen, khiến khoai chuyển sang màu đen, khô cứng và có vị đắng thì có thể là dấu hiệu khoai lang đã nhiễm nấm đốm đen (bệnh đốm đen), loại vi khuẩn này sẽ khiến khoai lang thải chất độc tố ra ngoài.

Nếu mọi người vô tình ăn phải, các triệu chứng về đường tiêu hóa chẳng hạn như mắc ói, ói mửa và tiêu chảy có thể xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi ăn. Trường hợp nặng, có thể xảy ra sốt cao, nhức đầu, hen suyễn và ói ra máu.

Lúc này, mọi người đã có thể bị nhiễm độc, khuyến cáo mọi người phải hết sức cẩn thận, không nên ăn khoai lang đã nhiễm khuẩn.

Khoai lang “tiết mật” có tác dụng bảo vệ ruột, dạ dày và bổ dưỡng hơn

Mặc dù “bệnh đốm đen” trên khoai lang rất đáng sợ nhưng không có nghĩa là khoai lang không thể ăn được nếu thấy xuất hiện các “vết bẩn” trên đó.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng người Nhật Bản cho biết, khi cắt gọt khoai lang mọi người sẽ thấy khoai chảy ra “sữa trắng” (là nhựa màu trắng hay còn gọi là mật khoai) khá nhiều.

Đây là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp khoai lang có chức năng thúc đẩy “sự êm ái” của đường tiêu hóa, có tác dụng bảo vệ ruột, dạ dày và bổ dưỡng hơn.

Khi “sữa trắng” chảy từ bên trong ra ngoài và tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa thành màu đen và trở thành những “vết bẩn”, hiện tượng này còn gọi là “tiết mật”.

Khoai lang “tiết mật” khi nấu chín sẽ mềm dẻo, mật tứa ra ngọt thơm tuyệt vời. Không chỉ thơm ngon, khoai lang “tiết mật” còn chứa nhiều dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe.

Bình luận