Bạn đã biết tất tần tật bông cải trắng có tác dụng gì chưa?

(VOH) - Bông cải trắng là thực phẩm quen thuộc trong các món ăn hàng ngày. Loại rau này chứa nhiều chất xơ cùng nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng. Vậy ăn bông cải trắng có tác dụng gì?

Bông cải trắng ngon và bổ dưỡng, luôn nằm trong danh sách những loại rau được yêu thích thích nhất. Mặc dù mọi người thường biết đến bông cải xanh nhiều hơn, nhưng bông cải trắng cũng chứa nhiều nguồn dinh dưỡng quý giá và tốt cho sức khỏe.

1. Tìm hiểu về bông cải trắng

Bông cải trắng hay còn gọi là súp lơ, hay súp lơ, bắp su lơ, hoa lơ, cải hoa hay cải bông trắng là một loại cải ăn được, thuộc loài Brassica oleracea, họ Cải. Bông cải trắng cũng là “họ hàng” với bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn, cải Brussel và một số loại rau ít phổ biến khác.

bong-cai-trang-co-tac-dung-gi-voh-0
Bông cải trắng là thực phẩm quen thuộc với mọi gia đình (Nguồn: Internet)

Bông cải trắng thường mọc quanh năm, gieo giống bằng hạt. Hiện có 2 loại súp lơ trắng phổ biến là: súp lơ đơn và súp lơ kép. Bông cải trắng thường chế biến món xào hoặc món canh, bởi độ giòn, ngọt và rất dễ ăn của loại thực phẩm này.

2. Ăn bông cải trắng có tác dụng gì?

Bông cải trắng là một loại rau cực kỳ tốt cho sức khỏe, vì chúng chứa một nguồn các chất dinh dưỡng cần thiết giúp nâng cao sức khỏe cũng như phòng ngừa bệnh tật. Dưới đây là một số tác dụng của bông cải trắng dành khi được tiêu thụ hợp lý:

2.1 Cải thiện hệ tiêu hóa

Một trong những tác dụng của bông cải trắng đối với sức khỏe là chúng có khả năng cải thiện hệ tiêu hóa nhờ hàm lượng chất xơ cao.

Thành phần chất xơ trong bông cải trắng rất có lợi cho hệ tiêu hóa, vì nó giúp cung cấp vi khuẩn lành mạnh cho đường ruột, giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, từ đó giảm nguy cơ mắc các triệu chứng như đầy hơi, táo bón.

Ngoài ra, trong súp lơ trắng còn có glucosinolate, glucoraphanin và sulforaphane, isothiocyanate giúp chống lại các vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), bảo vệ lớp lót trong dạ dày, ngăn ngừa các bệnh có liên quan đến dạ dày, đường ruột.

2.2 Chống viêm

Bông cải trắng là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời cho cơ thể, giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do có hại và chứng viêm.

Tương tự như các loại rau họ Cải khác, bông cải trắng đặc biệt chứa nhiều các acid cinnamic, beta-carotene, beta-cryptoxanthin và quercetin. Các chất này giúp làm giảm tình trạng stress oxy hóa bên trong cơ thể và còn tác dụng chống viêm cực hiệu quả. Một hợp chất khác có công năng chống viêm trong bông cải trắng đó là indole-3-carbinol.

2.3 Ngăn ngừa ung thư

Các chất chống oxy hóa như glucosinolate và isothiocyanates trong bông cải trắng cũng được chứng minh là có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư như ung thư ruột kết, phổi, vú và tuyến tiền liền.

Ngoài ra, bông cải trắng cũng giàu hàm lượng carotenoid và flavonoid giúp chống ung thư và làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh khác, bao gồm cải bệnh tim mạch.

2.4 Tăng cường hệ miễn dịch cơ thể

Súp lơ trắng chứa một lượng lớn vitamin C, hoạt động như một chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Chính vì thế, ăn súp lơ trắng có tác dụng nâng cao sức khỏe miễn dịch cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh.

2.5 Giảm cân

Hỗ trợ giảm cân là một trong những tác dụng của bông cải trắng. Lý do là vì bông cải trắng có hàm lượng calo thấp, ít béo và không cholesterol, đồng thời lượng chất xơ trong bông cải trắng dồi dào nên giúp bạn cảm thấy rất nhanh no và lâu đói, từ đó giảm cảm giác thèm ăn cho cơ thể.

Ngoài ra, hàm lượng nước cao trong bông cải trắng cũng một yếu tố tốt trong việc giảm cân. Tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều nước, ít calo sẽ rất có lợi cho quá trình giảm cân của bạn.

Xem thêm: Điểm danh 15 thực phẩm giảm cân ăn 'thả ga' mà không sợ béo

2.6 Tốt cho tim mạch 

Bông cải trắng chính là thực phẩm thân thiện đối với sức khỏe tim mạch. Ăn bông cải trắng có tác dụng tốt trong việc nâng cao sự đàn hồi của thành mạch, giúp máu dễ dàng lưu thông.

bong-cai-trang-co-tac-dung-gi-voh-1
Ăn bông cải trắng tốt cho tim mạch (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, hàm lượng chất kali dồi dào trong loại thực phẩm này còn có tác dụng điều hòa sự co thắt thành mạch, cung cấp lượng máu lưu chuyển ổn định, từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch.

2.7 Cân bằng chất điện giải

Để cơ thể khỏe mạnh, môi trường bên trong và bên ngoài phải ôn hòa. Tiêu thụ bông cải trắng là một trong những cách giúp bạn bổ sung kali cho cơ thể để cân bằng điện thế màng tế bào, áp suất thẩm thấu và điện tích ion, từ đó giúp tế bào có môi trường sống cực kỳ ổn định.

2.8 Tốt cho hệ thần kinh não bộ

Bông cải trắng xứng đáng là thực phẩm hữu ích cho hệ thần kinh của chúng ta. Bởi vitamin B6 trong bông cải trắng có thể làm tăng khả năng dẫn truyền trên các sợi dây thần kinh, tổng hợp nhiều chất trung gian hóa học để các tế bào thần kinh kết nối với nhau. Khi hệ thần kinh được mạch lạc sẽ giúp ngăn ngừa các tổn thương từ bộ não.

2.9 Giúp xương chắc khỏe

Bông cải trắng không chứa nhiều canxi, nhưng lượng vitamin K dồi dào của bông cải trắng lại rất có lợi đối với xương. Vitamin K sẽ giúp điều chỉnh các protein trong hệ thống kết cấu xương làm chắc xương.

Đồng thời, bổ sung đủ vitamin K cho cơ thể cũng sẽ làm tăng khả năng hấp thu canxi từ ruột và giảm bài tiết canxi qua nước tiểu, duy trì ổn định nồng độ canxi trong máu, từ đó củng cố sức khỏe hệ xương không bị bào mòn theo thời gian.

2.10 Giải độc cơ thể

Ăn bông cải trắng có tác dụng giải độc cơ thể, bởi các chất indole-3-carbinol, sulforaphane và allicin trong bông cải trắng có tác dụng giải độc cơ thể rất hiệu quả.

Bằng chứng cho thấy, bông cải trắng có khả năng chống lại sự nhiễm độc cho cơ thể, hoạt hóa các enzyme khử độc cho gan, giúp gan thải bỏ chất độc tốt hơn. Đồng thời, chất xơ trong bông cải trắng sẽ giúp hệ tiêu hóa thải bỏ chất độc nhanh hơn.

2.11 Cung cấp choline cao

Bông cải trắng chứa nhiều choline – một chất dinh dưỡng mà nhiều người đang thiếu. Đây là chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào, tổng hợp DNA và hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Đồng thời, nó cũng tham gia vào quá trình phát triển não bộ và sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, cũng như giúp ngăn ngừa cholesterol tích tụ.

Những người thiếu choline trong cơ thể, rất dễ có nguy cơ mắc phải bệnh gan và tim cao hơn, ngoài các rối loạn thần kinh như mất trí nhớ và Alzheimer.

2.12 Làm đẹp da

Bông cải trắng là một trong những thực phẩm có thể giúp giữ da luôn trắng sáng, rạng ngời. Bông cải trắng có tác dụng chống lại sự rám nắng mỗi khi đến mùa hè, sự nứt nẻ da trong mùa đông, giúp nuôi dưỡng làn da luôn tươi trẻ, mịn màng.

Sở dĩ có tác dụng tuyệt vời này là vì trong bông cải trắng chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh gồm mangan, vitamin C, những chất chống oxy hóa này sẽ có nhiệm vụ dọn sạch gốc tự do dư thừa đồng thời bảo vệ da luôn trẻ trung.

Một số nghiên cứu khác cho thấy, hoạt chất tự nhiên như glucobrassicin, glucoraphanin và gluconasturtiin trong bông cải trắng hoạt động như những enzyme chống lại chu trình phá hủy tế bào và bảo vệ từng tế bào da yếu.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do

3. Bà bầu ăn bông cải trắng được không?

Bông cải trắng được đánh giá là một thực phẩm an toàn và lành mạnh cho phụ nữ mang thai nếu được tiêu thụ có chừng mực và tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ.

bong-cai-trang-co-tac-dung-gi-voh-2
Bà bầu ăn cải trắng có thể có lợi và có hại (Nguồn: Internet)

Thực tế, có rất nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ không nên sử dụng bông cải trắng bởi hợp chất lưu quỳnh có trong thực phẩm này có thể làm sinh khí, gây đầy bụng nếu dùng ở dạng sống (chưa được nấu chín).

Ngoài ra, bà bầu ăn bông cải trắng quá mức có thể dẫn đến tình trạng dị ứng, phát ban hoặc nổi mề đay.

4. Một số món ngon từ bông cải trắng

Bông cải trắng là nguyên liệu quen thuộc của nhiều món ăn hấp dẫn, bởi sự giòn ngọt, thơm ngon, rất dễ ăn. Cùng điểm qua một số món ăn từ bông cải trắng dễ chế biến tại nhà:

4.1 Súp lơ xào thịt bò

Nguyên liệu

  • Bông cải trắng: ½ chiếc
  • Bông cải xanh: ½ chiếc
  • Cà rốt: 1 củ
  • Thịt bò: 200g
  • Hành tây
  • Gia vị thông dụng

Cách làm súp lơ xào thịt bò

  • Thịt bò sau khi mua về đem rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn. Sau đó, ướp thịt bò cùng ½ muỗng cà phê bột nêm, ½ muỗng cà phê đường, một chút hạt tiêu và tỏi băm nhỏ. Trộn thật đều và để trong 20 phút.
  • Bông cải xanh và bông cải trắng cắt thành các miếng nhỏ, ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút rồi rửa lại thật sạch, để ráo nước.
  • Cà rốt cạo vỏ rửa sạch rồi bào thành sợi dài.  Hành tây cắt hình múi cau, tách từng bẹ riêng.
  • Bắc chảo dầu lên bếp, cho dầu vào, dầu sôi thì cho hành tây vào phi vàng. Sau đó thêm thịt bò vào xào chín tái thì thịt bò ra đĩa.
  • Bắc lại chảo vừa xào lên bếp, cho cà rốt vào đảo đều. Sau đó cho tiếp bông cải trắng và bông cải xanh vào chảo, nêm nếm một chút muối, một ít đường, bột nêm theo khẩu vị và xào với lửa vừa.
  • Cho phần thịt bò đã xào vào đảo nhanh với mức lửa to khoảng 1 đến 2 phút rồi tắt bếp. Rắc thêm ít tiêu xay lên trên, cho thịt bò xào bông cải ra đĩa và ăn cùng cơm nóng.

4.2 Thịt gà xào súp lơ

bong-cai-trang-co-tac-dung-gi-voh-3
Súp lơ trắng xào thịt gà (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Đùi gà: 2 cái
  • Súp lơ trắng: 1 chiếc cỡ nhỏ
  • Gừng: 1 nhánh nhỏ thái lát
  • Tỏi: 2 nhánh thái lát
  • Ớt tươi
  • Nước tương, dầu ăn, nước sốt
  • Gia vị thông dụng

Cách làm thịt gà xào súp lơ

  •  Đùi gà rửa sạch, cắt lấy phần thịt, sau đó thái thịt thành từng miếng vừa ăn. Phần xương gà để riêng. Cho thịt gà vào chén, ướp cùng 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột ngô, 2 muỗng cà phê rượu trắng, trộn đều và để yên khoảng 15 phút.
  • Bông cải trắng cắt thành miếng vừa ăn, ngâm trong nước muối khoảng 15 phút thì rửa với nước sạch, để ráo nước.
  • Bắc một nồi nước sôi lên bếp, nước sôi cho bông cải xanh vào trụng sơ khoảng 2 phút, vớt ra để ráo nước.
  • Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, đợi dầu nóng thì cho tỏi vào phi thơm, thêm gừng vào, đảo đều đến khi có mùi thơm thì cho hỗn hợp gừng và tỏi ra đĩa.
  • Cho thịt gà đã ướp vào chảo, xào săn lại, sau đó cho ớt thái lát vào đảo đều tay. Tiếp theo cho súp lơ trắng vào, thêm 1 muỗng cà phê nước tương, đảo đều cho thấm gia vị và bông cải trắng chín thì tắt bếp.
  • Cho món ăn ra đĩa, thêm ít hành ngò, hạt tiêu xây vào là có thể ăn cùng cơm nóng.

4.3 Canh bông cải trắng nấu thịt

Nguyên liệu

  • Bông cải trắng: 300g
  • Tôm sú: 200g
  • Giò sống: 100g
  • Rau mùi
  • Gia vị thông dụng

Cách nấu canh súp lo với thịt

  • Bông súp lơ đem cắt bỏ bớt phần cuống và lá. Cắt thành từng miếng nhỏ và chẻ đôi hoặc chẻ làm 4 sao cho vừa ăn.Ngâm súp lơ cùng nước muối pha loãng tầm 15 đến 20 phút rồi rửa lại với nước sạch, vớt ra để ráo nước.
  • Rửa sạch tôm, bóc sạch vỏ và loại bỏ sợi chỉ đen ở lưng tôm. Cho tôm và giò sống vào bát, trộn đều cho mịn.
  • Thêm vào hỗn hợp tôm, giò sống 1 muỗng cà phê hạt nêm, nửa muỗng cà phê đường, 1/3 muỗng cà phê tiêu. Trộn thật đều lần nữa để các gia vị ngấm đều.
  • Cho hỗn hợp tôm trên bọc quanh từng miếng súp lơ cho đến khi hết nguyên liệu. Bắc một nồi nước lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, bạn thả từng miếng súp lơ bọc tôm vào nồi, nấu đến khi chín mềm. Nêm nếm thêm các loại gia vị sao cho vừa ăn rồi tắt bếp.
  • Múc canh ra bát, thêm rau mùi thái nhỏ với chút hạt tiêu xay lên trên. Thưởng thức món canh ngon từ súp lơ trắng này khi còn ấm nóng sẽ ngon hơn.

5. Ăn nhiều bông cải trắng có tốt không?

Mặc dù được sử dụng phổ biến trong các món ăn, nhưng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều bông cải trắng, bạn sẽ phải đối mặt với một số vấn đề sau đây:

5.1 Khó chịu đường tiêu hóa

bong-cai-trang-co-tac-dung-gi-voh-4
Ăn nhiều súp lơ trắng có thể không có lợi cho hệ tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Bông cải trắng thuộc họ Cải khó tiêu hóa, đặc biệt là khi ăn sống. Do đó, nếu bạn ăn sống chúng hoặc tiêu thụ quá nhiều sẽ rất dễ gặp phải tình trạng đầy hơi khó tiêu hoặc chướng bụng.

5.2 Chứa lưu huỳnh

Bông súp lơ trắng có chứa chất lưu huỳnh được gọi là glucosinolate. Khi chất này phân hủy trong dạ dày, chúng sẽ tạo thành các hợp chất như hydrogen sulfide gây ra tình trạng xì hơi có mùi.

6. Một số lưu ý cần nhớ khi ăn bông cải trắng

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng súp lơ trắng trong bữa ăn bạn nên lưu ý một số điều sau đây:

  • Không ăn phần súp lơ bị nấm mốc sẽ khiến cơ thể dễ mắc bệnh do các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Khi rửa súp lơ không nên cắt nhỏ súp lơ rồi mới rửa mà phải rửa trực tiếp dưới vòi nước. Sau đó, bạn ngâm nước muối 5-10 phút đề phòng nếu có sâu ẩn bên trong sẽ tự bò ra.
  • Nên giữ lại cuống vì phần này chứa nhiều chất xơ hơn bông cải. 
  • Không bỏ lá của bông cải, bởi hàm lượng beta-carotene rất cao, giúp chống oxy hóa và chống lại các bệnh ung thư. Bên cạnh đó, nó cũng chứa rất nhiều lượng vitamin A, C.
  • Để hấp thu các chất dinh dưỡng vốn có trong bông cải trắng, bạn không nên xào hay luộc kỹ.

7. Hàm lượng dinh dưỡng của bông cải trắng

Bông cải trắng là loại rau có lượng calorie thấp nhưng lại giàu khoáng chất. Bạn có thể ăn loại rau này thường xuyên để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe từ loại rau này mà không sợ tăng cân. Dưới đây là bảng thành phần chi tiết trong 100g bông cải trắng:

  • Nước: 90.9 g
  • Năng lượng: 30 Kcal
  • Chất đạm: 2.5g
  • Chất béo: 0.1g
  • Chất đường bột: 4.8g
  • Chất xơ: 0.9g
  • Canxi: 26mg
  • Sắt: 1.40mg
  • Magie: 22mg
  • Mangan: 0.200mg
  • Photpho: 51mg
  • Kali: 349mg
  • Natri: 20mg
  • Kẽm: 0.20mg
  • Đồng: 140μg
  • Selen: 0.6μg
  • Vitamin C: 70mg
  • Vitamin B1: 0.11mg
  • Vitamin B2: 0.10mg
  • Vitamin PP: 0.6mg
  • Vitamin B5: 0.652mg
  • Vitamin B6: 0.222mg
  • Vitamin E: 0.08mg
  • Vitamin K: 16μg

Như vậy, bông cải trắng là thực phẩm lành mạnh cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với nguồn dinh dưỡng đa dạng và dồi dào, bạn nên thường xuyên bổ sung chúng trong chế độ ăn uống để giúp cơ thể được khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh tật.