Chờ...

Bất ngờ trước những tác dụng của trái bình bát

(VOH) – Bình bát là thức quà vặt được rất nhiều trẻ nhỏ ở những vùng quê miền Tây Nam bộ yêu thích. Loại quả này chứa nhiều dưỡng chất và những tác dụng của trái bình bát cũng rất tốt cho sức khỏe.

Bình bát là loại cây hoang dã mọc nhiều ở miền quê Tây Nam bộ. Tuy nhiên, trái bình bát lại là “thức quả tuổi thơ” của rất nhiều người và bình bát dầm đường đã trở thành món ăn vặt của những đứa trẻ miệt quê. Tuy là loại trái cây không quá phổ biến, nhưng trái bình bát lại chứa không ít công dụng tốt cho sức khỏe.

1. Quả bình bát là quả gì?

Có lẽ, điều ấn tượng nhất khi nhắc đến quả bình bát chính là hình dáng của nó rất giống với hình trái tim.

Quả bình bát khi sống có màu xanh, chín có màu vàng. Quả bình bát thường cho trái chín vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm.

bat-ngo-truoc-nhung-tac-dung-cua-trai-binh-bat-voh-0
Quả bình bát có hình dáng rất giống với hình trái tim (Nguồn: Internet)

Bình bát sống không ăn được, khi chín chúng có hương thơm đặc trưng, vị thanh, dịu ngọt, hậu hơi chua, có thể ăn được.

Với trái bình bát, bạn không nên đợi trái “chín quá lứa” mới hái. Nên hái khi trái vừa chín tới, đem về giấm (ủ) trong gạo 1- 2 ngày là có thể ăn được.

2. Tác dụng của trái bình bát đối với sức khỏe

Theo y học dân gian, quả bình bát được biết đến với các chức năng phòng và trị một số vấn đề, tình trạng của sức khỏe, chẳng hạn như: mề đay mẩn ngứa, kiết lỵ, tiêu chảy, sốt cao, nhiễm khuẩn hô hấp...

Trong y học cổ truyền, trái bình bát khi chín có thể hỗ trợ chữa bệnh khí hư và các vấn đề phụ khoa ở phụ nữ.

bat-ngo-truoc-nhung-tac-dung-cua-trai-binh-bat-voh-1
Quả bình bát mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Còn với những nghiên cứu y học hiện đại, người ta phát hiện trong trái bình bát có chứa các thành phần dinh dưỡng như vitamin C, vitamin A, vitamin B1,... cùng nhiều khoáng chất khác như chất xơ, potassium.... Dưới đây là các công dụng của trái bình bát như:

  • Chống lão hóa sớm
  • Giúp da và tóc được khỏe mạnh
  • Tốt cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa
  • Lợi tiểu
  • Giảm trầm cảm
  • Giảm co thắt
  • Giảm đau nhức tại các khớp xương
  • Trị ghẻ lở
  • Thanh nhiệt cơ thể

Xem thêm: 'Bật mí' 5 lợi ích sức khỏe và những lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn bình bát

3. Trái bình bát trị bệnh gì ?

3.1 Chữa ghẻ lở

Theo kinh nghiệm dân gian, những người bị ghẻ lở có thể dùng hạt bình bát già đốt thành tro. Sau đó, trộn thành phần này với dầu dừa rồi bôi lên da, sẽ mang lại công hiệu rất tốt.

3.2 Chữa thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống lưng

bat-ngo-truoc-nhung-tac-dung-cua-trai-binh-bat-voh-2
Bình bát có tác dụng chữa thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp hiệu quả (Nguồn: Internet)

Người bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống lưng, hay bị đau nhức xương khớp dùng quả bình bát non, hơ lửa cho thật nóng sau đó lấy khăn lông bọc lại. Chườm bình bát đã bọc khăn lông lên các vùng bị đau nhức. Trong lúc chườm, người bệnh kết hợp lấy tay xoa bóp nhẹ để mang lại hiệu quả cao hơn.

3.3 Chữa bệnh thiếu máu, đau nhức xương khớp

Trong quả bình bát chín chứa rất nhiều các loại vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể. Do đó, quả bình bát chín bỏ vỏ, bỏ hạt, bỏ cùi ăn trực tiếp hoặc dầm bình bát với đường và đá sẽ rất có lợi cho người đang bị thiếu máu hay thường xuyên bị đau nhức xương khớp.

3.4 Thanh nhiệt cơ thể

Trái bình bát chín dầm đường đá có thể giúp thanh nhiệt cơ thể. Ngoài ra, vỏ cây bình bát đem nấu nước uống cũng có tác dụng giải khát cơ thể hiệu quả.

4. Bình bát làm món gì ngon?

Trái bình bát khi chín có mùi thơm dễ chịu. Loại quả này có thể làm ra được một vài món ăn giải nhiệt, giải khát rất đơn giản.

cay-binh-bat-cong-dung-chua-benh-the-nao-voh-3
Bình bát dầm với đường hay với sữa đều rất ngon và bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

4.1 Bình bát dầm đá đường

Nguyên liệu

  • Bình bát chín: 1 trái
  • Đường: 75gr
  • Ly, thìa, đá bào hoặc đá viên

Cách làm bình bát dầm đá đường

Bình bát chín rửa sạch, lau khô rồi bóc vỏ, bỏ cuống.

Cho phần thịt bình bát vào ly, đổ thêm đường vào và dầm nát bình bát.

Đảo đều để đường tan hết. Sau đó, bạn cho thêm đá vào, dầm nhẹ nhàng đến khi nước đá tan vào hỗn hợp bình bát và đường là có thể ăn được rồi.

4.2 Bình bát dầm sữa

Nguyên liệu

  • Bình bát chín: 3 trái
  • Sữa đặc: 1 hộp
  • Ly, thìa, đá bào hoặc đá viên

Cách làm bình bát dầm sữa

Bình bát rửa sạch, lau khô, tiến hành bóc vỏ, bỏ phần cuống.

Cho bình bát vào ly, dùng thìa dầm nát.

Đổ sữa đặc lên trên, dùng thìa đảo từ dưới lên trên sao cho sữa trộn đều vào thịt bình bát. Lượng sữa thêm ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào khẩu vị của bạn.

Cho ly bình bát dầm sữa vào tủ lạnh khoảng 10 – 15 phút rồi đem ra ăn lạnh. Hoặc có thể cho đá bào vào ly bình bát dầm sữa, trộn và ăn ngay.

5. Những lưu ý khi sử dụng trái bình bát

Để tránh bị các tác dụng phụ của trái bình bát mang lại thì ăn trái bình bát cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Trái bình bát có tính hàn nên những người tỳ vị hư yếu thì không không nên trái này quá nhiều.
  • Thanh long và bình bát kỵ nhau, không nên kết hợp hoặc ăn cùng lúc hai loại quả này vì sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Khi sử dụng trái bình bát để trị bệnh thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi sử dụng.
  • Khi chế biến quả bình bát thì cẩn thận tránh để nhựa cây bắn vào mắt và tránh tiếp xúc trực tới da vì sẽ gây ra mẩn ngứa, dị ứng da.

Có thể thấy, mặc dù là trái dân dã nhưng tác dụng của trái bình bát rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, phần lớn các bài thuốc từ trái bình bát đều theo kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền, chưa được khoa học nghiên cứu sâu về tính chính xác và an toàn.

Do đó, tốt nhất bạn chỉ nên ăn trái bình bát như một thức quà miền quê, để cơ thể nhận thêm được những dưỡng chất từ loại trái cây này.