Chờ...

Củ năng là gì và lợi ích sức khỏe mang lại khi sử dụng

(VOH) – Củ năng là thực phẩm quen thuộc trong thực đơn của các gia đình người Việt, với nhiều công dụng. Vậy củ năng là gì và những tác dụng mang lại cho sức khỏe ?

Củ năng chắc hẳn không phải là loại củ xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Người ta thường dùng củ năng trong các món ăn hay thức uống quen thuộc như trà sữa, chè... Tuy nhiên, ngoài việc dùng làm thực phẩm, củ năng còn mang đến nhiều công dụng chữa bệnh.

1. Củ năng là gì?

Củ năng (hay còn gọi là củ mã thầy, mã đề, địa lê, thông thiện thảo...) có tên khoa học là Eleocharis dulcis, họ Cói. Đây là một loại củ thủy sinh mọc ở đầm lầy, ao, hồ, ruộng lúa và hồ cạn.

Củ năng có kích thước, hình dáng bên ngoài gần giống với của hành tây, nhưng màu sắc đậm hơn. Bên ngoài củ năng có màu nâu sậm, bên trong là phần thịt màu trắng, đục khi vào phần thân giữa. Chúng thường được thu hoạch khi thân và củ chuyển sang màu nâu thẫm.

cu-nang-la-gi-an-cu-nang-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-0
Củ năng là loại củ quen thuộc với nhiều người (Nguồn: Internet)

Của năng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, châu Phi và nhiều hòn đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Thông thường, củ năng thường được dùng để ăn sống hoặc nấu chín, dùng được trong cả các món ăn mặn và ngọt. Ngoài ra, chúng cũng có nhiều công dụng và liên quan đến một số lợi ích tốt cho sức khỏe.

2. Củ năng có tác dụng gì?

Những nghiên cứu y học hiện đại đã phát hiện, trong củ năng có nhiều tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, riboflavin, canxi, kali, photpho, đồng, vitamin A, B1, B6, C... Vì thế, các tác dụng của củ năng tốt cho sức khỏe như:

2.1 Chứa nhiều chất chống oxy hóa

Củ năng chứa một lượng chất chống oxy hóa tốt. Chất chống oxy hóa là phân tử giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Nếu các gốc tự do tích tự trong cơ thể quá nhiều, sẽ lấn át khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể gây ra tình trạng stress oxy hóa.

Stress oxy hóa có thể liên quan đến đến các vấn đề về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và nhiều loại ung thư.

Trong củ năng chứa nhiều chất chống oxy hóa như axit ferulic, gallocatechin gallate, epicatechin gallate và catechin gallate... có thể giúp vô hiệu hóa hiệu quả các gốc tự do trong cơ thể.

2.2 Không chứa cholesterol và chất béo

Tác dụng của củ năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ nhờ sự duy trì lượng cholesterol trong máu ở mức ổn định. 

Xem thêm: Đột quỵ - dấu hiệu nhận biết sớm nhất để ‘bảo toàn’ tính mạng và tránh tàn phế

2.3 Giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim

Củ năng chứa hàm lượng kali, đồng và mangan ở mức cao. Mỗi loại khoáng chất này đều đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng sức khỏe tổng thể của cơ thể.

Tim được duy trì nhịp điệu ổn định với sự trợ giúp của kali và giúp sản xuất hồng cầu. Thêm vào đó, mangan giúp xương cứng cáp cũng như hỗ trợ chuyển hóa carbohydrate và cholesterol trong cơ thể.

2.4 Hỗ trợ chức năng não và hệ thống miễn dịch

cu-nang-la-gi-an-cu-nang-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-1
Ăn củ năng giúp cải thiện chức năng não và hệ miễn dịch (Nguồn: Internet)

Ăn củ năng là một cách giúp bổ sung các vitamin thiết yếu trong chế độ ăn uống hằng ngày. Trong củ năng chứa một lượng lớn vitamin B6 hỗ trợ chứng năng não và hệ thống miễn dịch toàn cơ thể. Ngoài ra, củ năng còn chứa chất thiamin và riboflavin hỗ trợ cơ thể chuyển đổi thực phẩm thành năng lượng cho cơ thể.

2.5 Thúc đẩy giảm cân

Củ năng chứa rất ít calo (100g củ năng chứa 97 calo), vì vậy, một trong những công dụng của củ năng là không làm dư thừa năng lượng. Ăn củ năng cho một bữa ăn nhẹ ít calo hoặc thêm chúng vào món salad hay các món ăn khác, bạn vẫn sẽ nhận được các lợi ích sức khỏe.

2.6 Tốt cho đường ruột

Chất xơ và tinh bột của củ năng thuộc loại tiêu hóa chậm, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa.

2.7 Kháng khuẩn

Hàm lượng flavonoid và polyphenol trong củ năng có tác dụng kháng virus và ung thư, làm khỏe dạ dày, ngừa mất ngủ và khó chịu trong người.

2.8 Tăng cảm giác ngon miệng

Ăn củ năng sống hoặc ép lấy nước uống sẽ giúp giải quyết những vấn đề về ăn uống kém ngon ở người lớn tuổi hay phụ nữ đang mang thai. Củ năng cũng có hoạt tính như chất làm mát, giúp thanh nhiệt, giải khát và loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể.

Xem thêm: Củ năng thanh mát làm ‘nức lòng’ các mẹ bầu vì 8 lợi ích sức khỏe ‘to đùng’

3. Tác dụng của củ năng trong Đông y

Trong Đông y, củ năng có vị ngọt, tính hàn (có sách ghi tính bình). Tác dụng của củ năng giúp ích khí, an trung, khai vị tiêu thực, giải thực nhiệt trong ngực, sinh tân chỉ khát, trị 5 loại nghẹn ngạt ở cơ hoành, chữa tiêu khát, tăng huyết áp, ung thư, vàng da, phân hủy kim loại (đồng).

Củ năng có thể dùng làm thuốc chữa một số bệnh cụ thể như sau:

  • Đau bụng khó tiêu: Củ năng bỏ vỏ nhồi vào dạ dày lợn khâu kín lại, đun chín kỹ. Khi ăn, ăn luôn phần cái lẫn phần nước.
  • Ho sốt, đờm đặc nhiều: Củ năng bỏ vỏ, rửa sạch ép lấy nửa cốc nước, uống cùng 1,5g xuyên bối, uống ngày 2 - 3 lần.
  • Đại tiện ra máu: Củ năng bỏ vỏ ép lấy 30ml hòa cùng 20ml rượu khi uống hâm nóng lên, sẽ có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa chứng đại tiện ra máu.
  • Tiểu tiện không thông, tiểu rát, buốt: Lấy 250g củ năng cả vỏ rửa sạch thái miếng, 30g rễ cỏ tranh, nấu kỹ hai vị trên để dùng. Hoặc 120g củ năng đập dập, nấu nước uống thay trà.
  • Làm hạ sốt sau khi lên sởi: Lấy 250g củ năng, 250g mía, rửa sạch thái nhỏ, nấu kỹ, ăn củ, uống nước.
  • Táo bón, trĩ ra máu: Lấy 150g củ năng bóc bỏ vỏ, thái mỏng, 30g mộc nhĩ đen khô. Mộc nhĩ đem ngâm nước cho nở rồi thái miếng. Cho dầu nóng già rồi đổ mộc nhĩ, củ năng vào xào, cho thêm nước, gia vị, bột khuấy lên đến lúc sôi sền sệt là dùng được.
  • Cao huyết áp: Củ năng 100g, chanh tươi 100g, nước đun sôi để nguội 1.000ml. Củ năng rửa sạch gọt vỏ, thái miếng; chanh gọt bớt vỏ xanh bổ đôi; hai thứ cho vào nồi sắc lấy nước uống.

Xem thêm: Cao huyết áp và những biến chứng nguy hiểm không phải ai cũng biết

3.1 Một số lưu ý khi dùng củ năng chữa bệnh

Củ năng có tính lạnh nên không thích hợp với những người có thể chất hoặc bệnh lý thuộc thể hư hàn. Biểu hiện bằng các triệu chứng sợ lạnh, tay chân lạnh, hay đau bụng, đại tiện lỏng, ăn không tiêu...

Củ năng có thể ăn sống nhưng tốt nhất là nên hạn chế ăn sống loại củ này, vì đây là loại củ mọc dưới bùn nên dễ bị sán lá. Chúng có thể đi theo đường miệng vào trong cơ thể để gây bệnh.

Củ năng khi chế biến cần gọt sạch vỏ, đặc biệt là gọt sâu nơi phần cuống bởi đây có thể là nơi trú ẩn của loại ký sinh trùng đường ruột.

4. Chế biến và bảo quản củ năng như thế nào?

Nên chọn mua những củ năng chắc và không bị mềm.

Trong lúc chế biến, nên gọt lớp vỏ mềm bên ngoài, cắt bỏ phần trên và dưới của của năng, sau đó cắt xung quanh các cạnh đến khi sạch hết vỏ.

cu-nang-la-gi-an-cu-nang-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-2
Thạch củ năng là loại thạch được nhiều người yêu thích (Nguồn: Internet)

Củ năng được sử dụng rất linh hoạt, có thể ăn sống, luộc, nấu canh, chè, thạch củ năng....

  • Các món ăn mặn có củ năng: Canh củ năng; củ năng xào với tôm, thịt và rau củ; củ năng hầm cùng thịt gà; củ năng kho với sườn và tôm…
  • Các món ăn ngọt có củ năng: Chè với đậu xanh; sâm bổ lượng; nhãn nhục; bạch quả; trứng gà hoặc làm bánh, nấu nước mát…

Lưu ý: Củ năng chưa gọt vỏ cần bọc trong túi giấy, có thể bảo quản 1 – 2 tuần trong tủ lạnh.

Xem thêm: Có củ năng trong bếp, ngại gì mà không ‘lăn vào’ nấu ngay 5 món ăn tuyệt đỉnh

5. Giá trị dinh dưỡng của củ năng

Củ năng là loại củ vô cùng quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Loại củ này chứa nhiều những khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể. Có thể liệt kê theo bảng như sau (hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g củ năng):

  • Nước: 73.4 g
  • Năng lượng: 97 KCal
  • Đạm: 2 g
  • Chất béo: 23.9 g
  • Chất xơ: 3 g
  • Canxi: 11 mg
  • Magie: 22mg
  • Photpho: 63 mg
  • Kali: 584mg
  • Vitamin C: 4.0 mg
  • Vitamin B6: 0.3 mg
  • Vitamin K: 0.3 mg
  • Folate: 16 µg

Như vậy, củ năng là loại củ rất bổ dưỡng và thơm ngon. Đây là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất giúp đẩy lùi bệnh tật. Chính vì thế, hãy thử thêm củ năng và chế độ ăn uống hàng ngày để nhận về nhiều lợi ích cho sức khỏe.