Chờ...

Cây đu đủ: Loài cây nhiệt đới đa năng với những công dụng bất ngờ

(VOH) – Quả đu đủ thơm ngon, bổ dưỡng, có thể ăn sống hoặc dùng trong chế biến các món ăn. Ngoài ra, các bộ phận khác của cây đu đủ như lá hay hạt cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Trong tất cả các loại cây trồng lấy quả, đu đủ luôn nhận được sự quan tâm của mọi người bởi đây là loại quả giàu dinh dưỡng, ngon, và có giá thành tương đối rẻ.

1. Đặc điểm của cây đu đủ

Đu đủ có tên khoa học là Carica papaya, là một loại cây thuộc họ Đu Đủ. Đây là một trong những loại cây trồng phổ biến nhất trên thế giới.

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-0
Đu đủ là loài cây nhiệt đới được trồng rộng rãi khắp thế giới (Nguồn:Internet)

1.1 Nguồn gốc

Cây đu đủ có nguồn gốc từ vùng đất thấp miền nam Mexico kéo dài tới miền đông Trung Mỹ và Bắc Nam Mỹ. Sau đó, một số người đã mang cây đu đủ đưa tới Philippines vào khoảng năm 1550, từ đó loài cây này bắt đầu phát triển ở châu Á và châu Phi.

Ngày nay, đu đủ được trồng rộng rãi trên thế giới, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các nước như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Philippines, Việt Nam....

Tại Việt Nam, đu đủ được trồng khắp cả nước, đặc biệt trồng nhiều ở vùng trung du và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

1.2 Đặc điểm

Đu đủ có 3 loại cây khác nhau là cây cái, cây đực và cây lưỡng tính. Cây cái và cây lưỡng tính là những cây có thể cho quả. Tùy thuộc vào cây, quả đu đủ này có hình tròn nhỏ đến trung bình hoặc hình dạng thuôn dài từ trung bình đến lớn.

Cây đu đủ cao từ 3 – 7m, thân cây thẳng mềm, đôi khi có phân nhánh. Do cuống lá rụng nên vỏ cây đu đủ có nhiều sẹo trên thân cây.

Lá đu đủ mọc so le ở phần trên ngọn, có phiến lá to, được chia ra làm 6 – 9 thùy. Thùy có hình dạng trứng nhọn ở đầu, có răng cưa không đều, cuống lá rỗng, dài từ 30 – 50cm.

Hoa đu đủ có màu trắng hoặc màu xanh, thường mọc ở kẽ lá thành chùy, hoa có cuống dài. Hoa đu đủ đực có tràng trắng hơn hoa cái, mọc thành chùm ở kẻ lá.

Quả đu đủ khi sống có màu xanh, chín chuyển sang màu vàng hoặc da cam. Ruột quả có nhiều hạt màu đen, hạt có màng nhầy xung quanh, to bằng hạt tiêu.

1.3 Dược tính

Phần lớn các bộ phận từ cây đu đủ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, từ lá, hoa, quả đu đủ xanh, đu đủ chín, thân, rễ, hạt hay cả nhựa cây, nhựa quả.

Mỗi bộ phận của cây của cây đu đủ sẽ có những đặc tính dược lý, thành phần hóa học khác nhau, nên cũng được dùng trong nhiều mục đích khác nhau.

2. Mỗi bộ phận của cây đu đủ có công dụng gì?

Nếu như quả đu đủ được biết đến là một loại trái cây bổ dưỡng, thơm ngon, thì các bộ phận khác như rễ, hoa, lá, hạt.... lại được sử dụng phổ biến hơn trong các bài thuốc Đông y.

2.1 Công dụng của quả đu đủ chín

Quả đu đủ chín có hương vị thanh mát, dịu ngọt cùng màu sắc hấp dẫn. Hơn thế, trong quả đu đủ chính là có hàm lượng dinh dưỡng cao và đa dạng như chất xơ kali, vitamin C, folate, magie, vitamin A....

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-1
Đu đủ chín chứa nguồn dinh dưỡng đa dạng (Nguồn: Internet)

Do đó, ăn đu đủ chín là một trong những cách đơn giản nhất để bạn cung cấp cho cơ thể nguồn dưỡng chất quý giá, để có thể phòng ngừa nhiều vấn đề sức khỏe cũng như làn da của bạn như giảm viêm, nâng cao sức đề kháng, giảm nếp nhăn, chống lão hóa....

Xem thêm: Quả đu đủ là 'kho báu' từ thịt đến hạt vì chứa những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, làn da

2.2 Công dụng của hạt đu đủ

Hạt đu đủ thường được nhắc nhiều trong cả Đông và Tây y. Loại hạt này có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ thận, giải độc gan, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, cải thiện sức khỏe tiêu hóa....

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-2
Hạt đu đủ cũng có thể sử dụng (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, bạn cần biết chế biến hạt đu đủ đúng cách để có thể đảm bảo an toàn sức khỏe khi sử dụng.

Xem thêm: Hạt đu đủ và các tác dụng của hạt đu đủ đối với sức khỏe

2.3 Công dụng của quả đu đủ xanh

Tương tự như quả đu đủ chín, đu đủ còn xanh cũng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, nhưng chúng không dùng để ăn trực tiếp mà chủ yếu được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn.

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-3
Đu đủ xanh thường dùng trong chế biến món ăn (Nguồn: Internet)

Ăn đu đủ xanh thường xuyên có thể giúp bạn phòng ngừa rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe, chẳng hạn như: giảm nguy cơ ung thư, các bệnh về tim mạch, tốt cho mắt, ngăn ngừa nhiễm trùng, điều hòa kinh nguyệt...

Xem thêm: 'Bật mí' các lợi ích từ đu đủ xanh không hề kém cạnh trái đu đủ chín

2.4 Công dụng của lá đu đủ

Có nhiều thông tin cho rằng, lá đu đủ có thể giúp chữa bệnh ung thư khiến nhiều người đổ xô mua về sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế không có một bằng chứng khoa học nào chứng minh được điều này, các nghiên cứu về tác dụng của lá đu đủ đối với bệnh ung thư chỉ mới dừng lại ở động vật và trong ống nghiệm.

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-4
Lá đu đủ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Mặc dù vậy, sử dụng nước lá đu đủ cũng giúp bạn nhận được khá nhiều các lợi ích tuyệt vời khác, chẳng hạn như: chữa sốt xuất huyết, chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa lượng đường trong máu....

Xem thêm: Không chữa được bệnh ung thư, nhưng lá đu đủ vẫn chứa đựng nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời

2.5 Công dụng của hoa đu đủ

Trong Đông y, người ta thường sử dụng hoa đu đủ đực để ngăn ngừa và điều trị các vấn đề về hô hấp như: ho, viêm họng, khàn tiếng; hỗ trợ điều trị các vấn đề tiêu hóa, tim mạch, hệ miễn dịch.

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-5
Hoa đu đủ có thể dùng dưới dạng tươi hoặc khô (Nguồn: Internet)

Với hoa đu đủ, bạn có thể sử dụng dưới dạng tươi hoặc phơi khô. Tuy nhiên, sử dụng liều lượng thế nào, bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để có được sự hướng dẫn cụ thể.

3. Bà bầu ăn đu đủ được không?

Phụ nữ mang thai tuyệt đối không được ăn đu đủ xanh, vì chất papain trong nhựa đu đủ xanh có thể gây ra những cơn co thắt tử cung nguy hiểm. Tuy nhiên, với đu đủ chín thì chất này chỉ có trong hạt đu đủ, do đó, chỉ cần loại bỏ đi phần hạt là mẹ bầu có thể ăn đu đủ chín trong cả thai kỳ.

Ăn đu đủ thường xuyên, cơ thể mẹ bầu sẽ được cung cấp rất nhiều các dưỡng chất cần thiết như vitamin A, vitamin C, canxi, magie, kẽm, kali.... để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa các vấn đề có thể xảy ra trong thai kỳ như tình trạng bị chuột rút khi mang thai, táo bón thai kỳ,...

Xem thêm: Giải đáp thắc mắc cho mẹ: Ăn đu đủ chín có ảnh hưởng đến thai nhi không?

4. Lợi ích khi trẻ ăn đu đủ

Đu đủ cũng là loại trái cây bổ dưỡng cho trẻ. Khi bé từ 7 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm với các món như đu đủ nghiền, đu đủ mix với sữa chua và đào....

Trẻ em ăn đu đủ có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, tăng khả năng trao đổi chất, chữa táo bón và giúp đôi mắt bé luôn sáng khỏe.

Xem thêm: Đu đủ - thức ăn dặm cho trẻ với 5 công dụng tuyệt vời

5. Ăn đu đủ nhiều có tốt không?

Thêm đu đủ vào chế độ ăn uống hàng ngày là rất tốt, tuy nhiên, nếu bạn sử dụng quá nhiều lại thành có hại. Đu đủ nếu được tiêu thụ liên tục trong thời gian giàu có thể gây bệnh sỏi thận, tiêu chảy, rối loạn dạ dày, gây ra các vấn đề về da, dị ứng....

Ngoài ra, nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường, dị ứng, đang chuẩn bị phẫu thuật hoặc có kế hoạch sinh con thì tốt nhất không nên ăn đu đủ.

Xem thêm: Những mặt trái của quả đu đủ bạn cần biết để tránh 'rước họa vào thân'

6. Lưu ý cần nhớ khi ăn đu đủ

Mặc dù là loại trái cây cực tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn đu đủ bạn cũng nên lưu ý vì một số điều sau đây:

  • Phụ nữ mang thai không nên ăn đu đủ xanh.
  • Trẻ em giai đoạn ăn dặm không nên ăn nhiều đu đủ vì có thể khiến bé đi ngoài phân lỏng, bé bị tiêu chảy gây mất nước.
  • Một số người không được ăn đủ cần phải thận trọng khi ăn đu đủ như: người bị cao huyết áp, người bị đau dạ dày, người bị vàng da, người có cơ địa dị ứng, tiêu hóa kém hay người bị loãng máu…
  • Không nên ăn hạt đu đủ quá nhiều vì sẽ khiến bạn bị rối loạn mạch đập, làm suy nhược hệ thống kinh trung ương.
  • Không ăn đu đủ khi bị tiêu chảy.
  • Không nên ăn đu đủ chín hàng ngày.
  • Hạn chế để đu đủ trong tủ lạnh.

7. Món ngon từ đu đủ

Cả đu đủ chín và đu đủ xanh đều có thể làm được rất nhiều món ăn ngon hấp dẫn. Đặc biệt hơn cả là các món ăn từ đu đủ đều rất đơn giản và dễ làm.

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-6
Đủ đủ làm được nhiều món ăn ngon (Nguồn: Internet)

Nếu thích ăn ngọt bạn có thể làm món kem đu đủ, sinh tố đu đủ, mứt đu đủ.... Nếu muốn ăn mặn, thì các món canh, gỏi từ đu đủ sẽ là những gợi ý hấp dẫn cho bữa cơm gia đình đấy!

Xem thêm: Tổng hợp 7 món ngon từ đu đủ xanh và đu đủ chín để bạn tha hồ trổ tài

8. Cách chọn, bảo quản và phân biệt đu đủ ngon – dỡ

8.1 Cách chọn đu đủ

Tuy là loại trái cây “bán đầy ngoài chợ” nhưng không phải ai cũng có thể chọn được những quả đu đủ tươi ngon, chín tự nhiên, nếu như không biết các mẹo nhỏ sau đây:

Quan sát phần núm

Nên chọn những quả đu đủ có phần núm chuyển sang màu vàng vì đây chính là những quả đu đủ chín tự nhiên.

Nhìn vào hình dạng

Chọn mua những quả đu đủ có hình dạng dài, cầm nặng tay, cuống còn nhựa dính. Không nên chọn những quả có phần cuống đã khô nhựa vì có thể chúng đã được hái khá lâu hoặc bị ủ chín.

Dựa vào màu sắc

Những quả đu đủ chín tự nhiên thường sẽ không chín đều, do đó, bạn có thể dựa vào đặc điểm này để chọn được quả đu đủ ngon.

Ngửi mùi thơm

Đu đủ chín tự nhiên sẽ tỏa hương thơm nhẹ nhàng. Nếu bạn ngửi thấy đu đủ có mùi gắt và nồng hoặc có mùi khó chịu thì tốt nhất là không nên mua.

Ấn nhẹ trên bề mặt quả

Bạn có thể ấn nhẹ vào phần vỏ quả đu đủ, nếu thấy lớp vỏ ngoài mềm đều thì đây là dấu hiệu cho thấy quả đu đủ chín cây. Nếu ấn vào thấy lớp vỏ ngoài cứng, không có độ lún nhưng vỏ đã vàng thì có thể đây là đu đủ bị chín ép.

8.2 Bảo quản đu đủ

Đu đủ sau khi mua về nên được tiêu thụ hết trong vòng 1 -2 ngày để đảm bảo sự tươi ngon và đầy đủ dinh dưỡng nhất.

du-du-loai-cay-nhiet-doi-da-nang-voi-nhung-cong-dung-bat-ngo-voh-7
Đu đủ nên được ăn hết trong 1 - 2 ngày (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu ăn không hết, bạn có thể bảo quản đu đủ theo cách sau đây:

  • Cắt đu đủ làm đôi, bỏ hạt và vỏ.
  • Thái đu đủ thành hình vuông hoặc thái dọc đu đu đủ theo chiều dài.
  • Đặt đu đủ trong thùng chứa kín khí kín, hoặc để vào túi đông đá và để ở nhiệt độ từ 4-10 độ C. Thời gian bảo quản tối đa là 2 – 5 tuần.

8.3 Cách phân biệt đu đủ chín tự nhiên và đu đủ ủ hóa chất

Hiện nay, trên thị trường đu đủ được bày bán khá nhiều khiến cho người tiêu dùng hoang mang vì không biết đâu là đu đủ chín cây và đâu là đủ đủ tẩm hóa chất. Do đó, để phân biệt 2 loại đu đủ này bạn có thể dựa vào một số đặc điểm dưới đây:

Đu đủ chín tự nhiên

  • Có một mặt chín hơn mặt còn lại do được hứng nhiều ánh sáng trời.
  • Vỏ thường có lớp nấm màu vàng trắng bên trên, thỉnh thoảng có xuất hiện chấm đen hoặc vết lõm nhỏ.
  • Không đều màu.
  • Khi sờ vào sẽ thấy mềm đều, những điểm có màu vàng sẽ không có nhựa.

Đu đủ ủ hóa chất

  • Vỏ sáng bóng khi nhìn từ bên ngoài.
  • Sờ vào thấy cứng dù lớp vỏ đã chuyển sang màu vàng.
  • Đu đủ ủ hóa chất thưởng sẽ chín đều từ cuống xuống dưới ngọn.

Cây đu đủ khá quen thuộc với mọi người nhưng không phải ai cũng biết loại cây này là loại cây đa năng, bởi tất các bộ phận đều được sử dụng như thực phẩm, dược phẩm hay mỹ phẩm trong đời sống hàng ngày. Do đó, với những chia sẻ trên hy vọng sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về loại cây nhiệt đới này.