Nhiều người yêu thích trái đu đủ không chỉ vì chúng có hương vị thơm ngon mà còn đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Thế nhưng, hầu hết mọi người đều có xu hướng loại bỏ các hạt đen, nhớp nháp bên trong ruột đu đủ, mà không hề biết rằng, hạt đu đủ có thể ăn được và còn rất bổ dưỡng.
1. Vì sao hạt đủ rất bổ dưỡng?
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, hạt đu đủ chứa một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời như phốt pho, canxi, magie, protein và nhiều loại vi chất dinh dưỡng cần thiết khác.
Trong hạt đu đủ chứa nhiều chất polyphenol và flavonoid, hai hợp chất này hoạt động như chất chống oxy hóa, để giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Ngoài ra, những chất chống oxy hóa này còn giúp chống lại các gốc tự do gây bệnh, ngăn ngừa stress oxy hóa và tránh được các bệnh mãn tính.
Hơn thế, hạt đu đủ cũng là một trong những loại thực phẩm giàu axit béo không bão hòa đơn tốt cho sức khỏe và một lượng chất xơ dồi dào để giúp làm giảm huyết áp và mức cholesterol trong cơ thể.
2. Hạt đu đủ có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Ngoài việc cung cấp một số chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể, hạt đu đủ còn mang đến một số lợi ích sức khỏe tiềm năng khác như:
2.1 Chống ký sinh trùng đường ruột
Một số nghiên cứu cho thấy, hạt đu đủ có thể giúp tiêu diệt một số loại nấm và ký sinh trùng.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho rằng, chiết xuất hạt đu đủ có thể chống lại 3 chủng nấm, là những tác nhân cụ thể gây ra nhiễm trùng nấm men. (1)
Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sấy khô hạt đu đủ với mật ong có tác dụng đáng kể trong việc tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột so với giả dược.
2.2 Bảo vệ chức năng của thận
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, chiết xuất từ hạt đu đủ có thể giúp bảo vệ và duy trì sức khỏe, chức năng của thận. (2)
Hạt đu đủ giàu chất chống oxy hóa, có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa gây hại cho tế bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng của hạt đu đủ đối với thận vẫn còn giới hạn trong các nghiên cứu trên động vật, các nghiên cứu trên người chưa được mở rộng.
2.3 Ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư
Thành phần dinh dưỡng và hàm lượng chất chống oxy hóa trong hạt đu đủ đã được chứng minh là có đặc tính chống ung thư.
Nghiên cứu trong ống nghiệm chỉ ra rằng, thành phần chiết xuất từ hạt đu đủ có thể giúp làm giảm sự tiến triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. (3)
Xem thêm: Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm ung thư tuyến tiền liệt
2.4 Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Giống như các loại hạt khác, hạt đu đủ là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ sẽ có thể cải thiện một số vấn đề ở hệ tiêu hóa như: chống lại bệnh viêm ruột, giảm táo bón, bệnh trĩ...
Ngoài ra, hạt đu đủ cũng có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, ngăn ngừa loét dạ dày. Nghiên cứu cho thấy tác dụng của hạt đu đủ rất hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn E. coli, Salmonella, Staphylococcus và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác trong hệ thống tiêu hóa.
2.5 Hạt đu đủ chữa bệnh gan
Các chất chống oxy hóa trong hạt đu đủ có thể giúp ngăn chặn các gốc tự do xâm nhập và tấn công các tế bào gan một cách hiệu quả. Nó có khả năng hỗ trợ tạo ra các tế bào mới trong gan và loại bỏ các mô chết mà không làm thay đổi hoạt động của các tế bào khỏe mạnh, nhờ sự hiện diện của tyrosinase, một loại enzyme kích hoạt cytochrome P450 isoenzyme trong gan.
2.6 Tốt cho hệ tiêu hóa
Enzyme papain trong hạt đu đủ là một chất tự nhiên hoạt tính mạnh có thể giúp phá vỡ protein khó tiêu trong đường tiêu hóa của cơ thể. Nên ăn một vừa lượng vừa đủ để giúp cải thiện hệ tiêu hóa và ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, táo bón.
3. Những lưu ý khi ăn hạt đu đủ
Mặc dù hạt đu đủ có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, nhưng chúng vẫn có một số lo ngại về sức khỏe tiềm ẩn xung quanh, chẳng hạn như:
3.1 Có thể giảm khả năng sinh sản
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy, hạt đu đủ có thể làm giảm khả năng sinh sản. Chiết xuất từ hạt đu đủ nếu được sử dụng với liều lượng lớn có thể làm suy giảm số lượng tinh trùng và cả khả năng duy chuyển của chúng. (4)
Xem thêm: 4 dấu hiệu cho thấy tinh trùng của bạn đang yếu và ít, đọc ngay để biết!
3.2 Có thể gây hại cơ thể nếu dùng số lượng lớn
Hạt đu đủ có chứa benzyl isothiocyanate, hợp chất này có thể giúp phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, nó có thể gây hại đối với các tế bào khỏe mạnh.
3.3 Gây ra vấn đề tim mạch
Trong hạt đu đủ có chứa một lượng chất béo khá cao. Nếu tiêu thụ hạt đu đủ quá mức có thể sẽ làm biến đổi nồng độ cholesterol trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải một số vấn đề về tim mạch.
3.4 Tăng huyết áp
Mặc dù ăn hạt đu đủ có thể giảm huyết áp nhưng khi bạn đang dùng thuốc huyết áp mà ăn hạt đu đủ sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp, gây nguy hiểm đến sức khỏe.
4. Cách sử dụng hạt đu đủ đúng cách
Bạn lấy phần hạt khỏi quả đu đủ, rửa sạch, loại bỏ lớp màng (lớp vỏ gelatin), đem phơi khô nó và nghiền ra. Mỗi lần sử dụng có thể cho vào salad, súp….
Ngoài ra còn có tận dụng hạt đu đủ trong nấu ăn như:
- Hạt đu đủ vị hơi cay, xen chút đáng, khá giống với mùi vị của hạt tiêu đen nên bạn có thể dùng chúng như một loại gia vị trong chế biến. Ngoài ra, bạn cũng có thể tích trữ hạt đu đủ để sử dụng lâu dài.
- Trộn hạt đu đủ với mật ong, vì độ ngọt của mật ong sẽ phần nào làm giảm dịu vị đắng của hạt và khi chúng kết hợp với nhau còn có thể tiêu diệt ký sinh trùng khá hiệu quả.
- Ngoài ra còn có thể giã nát hạt đu đủ ướp chung với các loại thịt và các loại nguyên liệu khác. Chất papain trong hạt đu đủ có thể giúp làm mềm thịt và khiến cho món ăn dễ tiêu hóa hơn.
Tuy nhiên, do hoạt tính của hạt đu đủ rất mạnh, vì thế nên tránh dùng chúng khi mang thai và khi cho con bú. Liều lượng sử dụng hạt đu đủ cho phép ở một người bình thường không được quá một thìa cà phê mỗi ngày. Nếu dùng không đúng liều lượng sẽ phản tác dụng và chúng có thể trở thành chất độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có thể thấy, hạt đu đủ vốn có giá trị dinh dưỡng cao và chiết xuất của chúng cũng có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng hạt đu đủ với lượng lớn sẽ có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn. Do đó, khi sử dụng hạt đu đủ hãy điều chỉnh lượng tiêu thụ ở mức phù hợp để vừa đảm bảo an toàn, vừa tốt cho sức khỏe.