Quả dâu tằm không chỉ được sử dụng trong các bài thuốc vì đem lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe con người, mà chúng còn được sử dụng như một nguyên liệu tạo nên những món ăn, thức uống vô cùng hấp dẫn.
Cùng học nhanh một số cách chế biến dâu tằm thành những món ăn, thức uống để chinh phục cả nhà nhé!
1. Mứt dâu tằm dẻo
Chưa đầy 1 tháng nữa là sẽ đến Tết Nguyên Đán, bây giờ mà bắt đầu học cách làm mứt dâu tằm dẻo để trổ tài ngày Tết thì quá tuyệt rồi phải không nào!
1.1 Nguyên liệu
- Dâu tằm: 800gr
- Mạch nha: 250gr
- Đường trắng: 250gr
- Nước cốt chanh: 2 muỗng canh
1.2 Cách làm mứt dâu tằm dẻo
Dâu tằm mua về đổ ra rổ lớn để loại bỏ những trái bị hư, dập hoặc chưa chín. Sau đó, ngâm dâu tằm vào một thau nước sạch trong 30 phút, cắt bỏ phần cuống trái. Rửa lại dâu tằm 1 lần nữa rồi để thật ráo nước.
Cho dâu tằm và đường trắng vào một chiếc thau hoặc nồi (có tráng men) trộn đều. Để nguyên hỗn hợp trong vòng 1- 2 tiếng để đường ngấm vào dâu tằm.
Tiếp theo, cho nước cốt chanh và mạch nha vào nồi, cho thêm 100ml nước lọc vào nồi, đặt lên bếp đun với lửa nhỏ. Vừa đun vừa đảo đều tay để mứt dâu keo và sánh hơn.
Đun mứt dâu trong khoảng 40 phút – 60 phút. Lưu ý, thời gian đun càng lâu mứt dâu sẽ càng thêm dẻo.
Sau khi đun xong, để mứt dâu trong nồi nguội hoàn toàn thì múc ra lọ thật kín. Bảo quản ở nhiệt độ thường, mứt dâu có thể sử dụng được khoảng 1 tháng, còn trong ngăn mát tủ lạnh, mứt dâu tằm có thể để được lâu hơn.
2. Rượu dâu tằm
Rượu dâu tằm có vị thơm ngon, ngọt nhẹ rất dễ uống mà lại còn tốt cho sức khỏe. Nếu có sẵn vài kg dâu tằm tại nhà, hãy thử làm một bình rượu dâu tằm uống để nâng cao sức khỏe tổng thể trong dịp Tết này.
2.1 Nguyên liệu
- Dâu tằm: 2kg
- Đường trắng: 800gr
- Rượu trắng: 1 lít
- Bình thủy tinh (hoặc bình sành sứ) có nắp đậy
2.2 Cách ngâm rượu dâu tằm
Dâu tằm rửa sạch trong nước lạnh rồi để ráo. Rửa nhẹ nhàng, tránh làm nát dâu tằm.
Khi dâu tằm ráo nước cho vào bình thủy tinh. Cứ một lớp dâu tằm sẽ phủ một lớp đường, thực hiện xen kẻ đến khi hết dâu tằm thì dừng lại. Lưu ý, lớp trên cùng luôn là lớp đường.
Sau đó đậy kín hũ và ủ trong khoảng 1 tháng để dâu tằm tự ra nước. Trong thời gian ủ, cách 2 tuần, bạn dùng vá sạch ấn phần dâu tằm ở trên cùng xuống để dâu tằm được ngấm đều.
Sau 1 tháng, bạn đổ 1 lít rượu trắng vào hũ ngâm rượu dâu tằm, sau đó đậy kín lại và ủ tiếp trong 1 tháng nữa. Lúc này dâu tằm sẽ nhừ và ra nước.
Khi dùng, bạn chỉ cần lọc lấy phần nước, ép phần xác dâu tằm để loại bỏ bã. Rượu dâu tằm có thể uống với đá viên hoặc không cần uống đá vẫn ngon vô cùng.
Xem thêm: Những tác dụng chữa bệnh của lá dâu tằm
3. Siro dâu tằm
Siro dâu tằm là thức uống có hương vị thơm ngon, màu sắc đẹp mắt giúp giải khát nhanh chóng. Hơn thế, uống một ly siro dâu tằm còn giúp bạn ngủ ngon, ăn ngon miệng, bổ thận, đẹp da...
3.1 Nguyên liệu
- Dâu tằm chín: 2kg
- Đường cát: 1 – 1.2kg
- Rây loại lớn: 1 cái
- Chai loại 1 lít: 3 chai
- Hũ thủy tinh có nắp đậy
3.2 Cách làm siro dâu tằm
Dâu tằm nhặt bỏ quả bị dập, úng, bị sâu ăn, sau đó cho dâu tằm vào rổ và rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước chảy cho sạch bụi bẩn, rồi để ráo.
Hũ thủy tính trụng qua nước sôi, dùng khăn lau khô.
Khi dâu tằm khô, bạn cho vào hũ thủy tinh. Lần lượt một lớp dâu tằm, một lớp đường. Nhớ canh chỉnh lượng đường cho phù hợp sao cho lớp trên cùng là đường để dâu tằm không bị mốc. Đậy kín nắp, vỗ nhẹ hũ cho đường trộn đều vào dâu tằm.
Để hũ dâu tằm ở nơi thoáng mát trong khoảng 1-2 ngày, khi thấy đường tan hết thì dùng vá dằm nhẹ cho mật dâu tằm tiết ra. Sau đó, cho hỗn hợp dâu tằm và nước đường vào nồi lớn, đun lửa vừa cho sôi đều. Sau khi sôi, điều chỉnh lửa nhỏ lại và nấu thêm 15-20 phút thì tắt bếp, để nguội.
Khi nồi siro dâu tằm đã nguội, bạn dùng rây lọc lấy phần siro dâu. Rót siro dâu tằm vào chai để bảo quản và dùng dần.
4. Kẹo dâu tằm
4.1 Nguyên liệu
- Siro dâu tằm: 80ml
- Nước: 80ml
- Đường: 50g
- Bột gelatin: 25g
- Khuôn làm kẹo
4.2 Cách làm kẹo dâu tằm
Gelatin cho ngâm trong nước tầm 10 phút cho nở ra.
Chuẩn bị một cái nồi nhỏ cho đường, siro dâu tằm vào bắc lên bếp để đun sôi.
Đun tới khi thấy đường tan ra thì cho phần gelatin đã ngâm vào nấu thêm tầm 1 - 2 phút, khuấy thật đều rồi tắt bếp. Để hỗn hợp nguội tí rồi chế vào khuôn làm kẹo. Để khoảng 4 - 5 tiếng là có thể ăn được.
5. Sữa chua dâu tằm
Vừa ngon, vừa mát lại bổ dưỡng thì không có lý do gì để bạn không “xắn tay áo” lên mà làm ngay món sữa chua dâu tằm để thưởng thức.
5.1 Nguyên liệu
- Dâu tằm: 10-15 quả
- Sữa tươi: 1 lít
- Sữa đặc: 1 hộp
- Sữa chua: 1 hộp
5.2 Cách làm sữa chua dâu tằm
Dâu tằm rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng trong 5 phút. Sau đó, rửa lại bằng nước đun sôi để nguội, rồi để ráo nước. Tách dâu tằm thành từng hạt.
Cho sữa tươi, sữa đặc vào nồi nấu đến khi nước nổi lăn tăn thì tắt bếp. Đợi hỗn hợp nguội khoảng 40 độ C thì cho sữa chua vào khuấy đều theo một chiều.
Đổ hạt dâu tằm đã tách vào sữa chua rồi đảo đều. Múc hỗn hợp sữa chua dâu tằm vào hũ thủy tinh, đậy nắp cho vào nồi cơm điện, thùng xốp hoặc lò nướng để ủ trong khoảng 6 tiếng. Nhớ đổ nước ấm dưới 70 độ vào ngập khoảng 2/3 hũ sữa chua khi ủ.
Khi ủ xong, sữa chua dâu tằm có vị thơm ngon, mịn dẻo và chua chua. Bạn có thể bảo quản sữa chua trong tủ lạnh để ăn dần.
Xem thêm: 10 lợi ích khi dùng sữa chua mỗi ngày và những lưu ý đặc biệt khi dùng
6. Panna cotta dâu tằm
6.1 Nguyên liệu
- Siro dâu tằm: 50ml
- Bột gelatin: 10g
- Sữa tươi không đường: 200ml
- Whipping cream: 200ml
- Đường: 50g
- Côc nhỏ
6.2 Cách làm panna cotta dâu tằm
Gelatin đem đi ngâm với nước tầm 10 phút cho nở ra.
Chuẩn bi một cái nồi nhỏ cho whipping cream, sữa tươi không đường, đường vào rồi khuấy thật đều cho đường tan. Bắc nồi lên bếp để nấu đến khi hỗn hợp nóng lên thì tắt bếp, không được để hỗn hợp sôi.
Phần gelatin vừa ngâm cho vào hỗn hợp vừa nấu rồi khuấy thật đều cho gelatin tan hết. Để nguội 1 tí rồi chế hỗn hợp vào từng cốc nhỏ.
Cho tất cả các cốc vào ngăn mát tủ lạnh, để tầm 45 phút - 1 tiếng, khi đã đông thì dùng nhỏ lách thành cốc rồi ngâm tí nước ấm. Dùng dĩa để úp ngược panna cotta lên trên và chế siro dâu tằm lên trên rồi thưởng thức.
7. Kem dâu tằm
Khi cái nóng của mùa hè bắt đầu lan tỏa, cũng là lúc bạn sẽ muốn ăn những thức ăn mát lạnh như kem để thỏa cơn khát và xua đi cái nóng. Nhưng bạn không thích mua bên ngoài vì sợ không vệ sinh, vậy thì thử ngay cách làm kem dâu tằm sau đây.
7.1 Nguyên liệu
- Dâu tằm: 300gr
- Sữa chua không đường: 100ml
- Sữa đặc: 4 muỗng canh
- Vani: 50ml
- Muối: ¼ muỗng
- Đường: 80gr
- Lòng đỏ trứng gà
- Khuôn làm kem
7.2 Cách làm kem dâu tằm
Dâu tằm mua về đem đi rửa sạch. Sau đó, dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn.
Chuẩn bị một cái nồi hoặc tô lớn, cho hết phần dâu tằm vừa xay nhuyễn cùng 80gr đường, ¼ muỗng cà phê muối, 50ml vani, sữa chua không đường và cuối cùng là lòng đỏ trứng gà vào tô (nếu muốn ăn ngọt có thể cho thêm đường hoặc sữa đặc vào), dùng máy trộn tay ở tốc độ thấp đánh cho đều.
Đỗ hỗn hợp vừa đánh đều vào khuôn làm kem hoặc để nguyên trong tô cho vào ngăn đông tủ lạnh, khoảng 20-25 phút là bạn có thể dùng được. Để cho ngon và đẹp mắt hơn, sau 10 phút cho vào ngăn đông, cho thêm dâu tằm lên mặt hỗn hợp để dâu tằm không bị rời ra.
Nếu nhà không có máy làm kem, thì cho kem vào tủ lạnh, sau 1 giờ mang ra xới tơi lên. Làm liên tục như vậy cho đến khi bạn thấy kem xốp và mềm là được. Nếu muốn ăn kem cứng, hãy đặt trong tủ đông khoảng 2 giờ.
8. Bánh bông lan dâu tằm
Nếu không thích uống, chỉ thích ăn thì đây, một công thức bánh cực tuyệt bởi sự kết hợp của kem phô mai, sữa chua, bơ và dâu tằm sẽ khiến bạn phải ngất ngây bởi mùi thơm hấp dẫn của bánh bông lan dâu tằm cho mà xem.
8.1 Nguyên liệu
- Dâu tằm: 300gr
- Sữa chua không đường: 240ml
- Trứng gà ta: 4 quả
- Viani: 1 thìa nhỏ
- Kem phô mai: 120gr
- Bơ nhạt để mềm: 80gr
- Đường xay: 230gr
- Muối: ½ thìa nhỏ
- Baking soda: 5gr
- Baking powder: ½ thìa nhỏ
- Bột mì: 350gr
Nguyên liệu này dùng cho một khuôn lõi giữa 22cm, cao 10cm
8.2 Hướng dẫn cách làm bánh bông lan dâu tằm
Bột mì, bột nở, baking soda rây cho thật mịn. Đánh kem phô mai với bơ, đường bông xốp, mịn, cho từng quả trứng vào đánh cho hỗn hợp hòa quyện với nhau, thêm vani và sữa chua vào đánh đều.
Chia bột thành 3 phần, cho từng phần vào hỗn hợp bơ trứng, dùng máy đánh trứng tốc độ nhỏ đánh đến khi tan hết.
Dâu tằm rửa sạch, để ráo, trộn với một thìa bột mì rồi rây sạch bột mì, trộn dâu tằm vào bột.
Dùng bơ quét lên khuôn để chống dính, nướng bánh ở 170 độ C trong khoảng 60 – 70 phút là hoàn thành.
Bánh bông lan dâu tằm có thể ăn lạnh với kem hoặc làm ấm bánh để ăn khi uống trà.
Như vậy, dâu tằm là loại quả mọng bổ dưỡng vì chứa nhiều dưỡng chất, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Khi mùa dâu tằm chín rộ hãy làm ngay những món ăn, thức uống thơm ngon này để chiêu đãi cả nhà bạn nhé!