Quả na ngọt lành, thơm ngon và rất dễ ăn, có thể dùng trực tiếp hoặc pha trộn với sữa nên hầu như lứa tuổi nào cũng đều ưa thích. Đặc biệt, vào những tháng gần cuối năm – khi mùa na chín rộ, nếu không tranh thủ mùa thì sẽ “tuột” mất cơ hội thưởng thức.
1. Ăn na nhiều có tốt không?
Khi yêu thích một thức quả nào đó, chúng ta thường có thói quen ăn nhiều cho “thật đã”, song điều đó lại hoàn toàn không tốt vì tỉ lệ mắc phải các tác dụng phụ sẽ tăng cao.
Chính vì vậy, các “fan cứng” của quả na cũng hãy nhớ đừng ăn quá nhiều na liên tục trong một thời gian dài, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu sau:
1.1 Gây nóng trong người
Nếu bạn có thân nhiệt cao hơn người bình thường thì việc ăn na quá liều lượng sẽ gây ra hiện tượng nóng trong người, mụn nhọt có cơ hội phát triển nhiều hơn và gan phải hoạt động “vất vả” để đào thải chất.
1.2 Tăng nồng độ đường huyết
Theo phân tích dinh dưỡng, na là một thức quả cung cấp lượng đường glucose khá cao, nếu bạn không kiểm soát khẩu phần ăn hợp lý thì nồng độ đường huyết sẽ vượt mức cân bằng. Ngoài ra, với người bệnh đang điều trị tiểu đường thì tình trạng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác.
Xem thêm: Người bệnh tiểu đường nên ăn gì để không vướng vào 'sai lầm' trong quá trình điều trị bệnh?
1.3 Dư thừa kali trong máu
Quả na được biết đến như một nguồn bổ sung dồi dào các khoáng chất thiết yếu cho sức khỏe, bao gồm kali, kẽm hay canxi.
Tuy nhiên, nếu tiếp nạp liên tục các vi chất này, đặc biệt là kali sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của thận. Bên cạnh đó, nếu dư thừa kali trong máu còn làm cản trở khả năng tuần hoàn máu, gây khó thở và dẫn tới tim ngừng đập.
1.4 Ảnh hưởng hệ tiêu hóa
Việc lạm dụng và ăn quá nhiều na gây ra tác dụng ngược, khiến bạn gặp phải tình trạng táo bón, khó tiêu. Chính vì vậy, hãy nhớ bổ sung đủ nước để cân bằng quá trình trao đổi của cơ thể, hỗ trợ khắc phục rối loạn tiêu hóa.
Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả
2. Có nên ăn na khi đói không?
Nhiều ý kiến cho rằng na là một thức quả “chống đói” khá hữu hiệu, thậm chí có thể ăn na để thay thế cho các món ăn khác. Tuy nhiên, nhận định này không hoàn toàn chính xác.
Ăn na khi đói bụng khiến dạ dày hấp thu lượng đường nhiều hơn, dẫn tới tăng nồng độ đường huyết, do đó nếu đang điều trị bệnh tiểu đường thì bạn không nên ăn na trước bữa ăn chính. Lời khuyên là bạn có thể ăn sau bữa ăn chính khoảng 1 – 2 tiếng, nhưng tốt nhất chỉ nên ăn 1 quả mỗi lần.
Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường
Với người bình thường thì có thể dùng xen giữa bữa ăn nhưng nên giảm bớt lượng thực phẩm khác để cân bằng chất dinh dưỡng. Mỗi tuần có thể ăn tối đa 3 quả na, hạn chế ăn na còn chín sượng hoặc chín quá nhũn.
Dẫu biết rằng na là một trong những loại hoa quả bổ dưỡng song nếu ăn sai cách hoặc quá liều lượng hợp lý sẽ dẫn tới nguy cơ đối mặt với các tác dụng phụ. Vậy nên hãy chú ý khi “bồi bổ” sức khỏe bằng quả na nhé.