Người mắc bệnh tiểu đường ăn xoài được không?

(VOH) – Các bệnh nhân tiểu đường thường lo lắng về lượng đường trong trái cây và không biết nên bổ sung loại trái cây nào vào chế độ ăn của mình. Vậy người bệnh tiểu đường có ăn xoài được không?

Xoài là 1 trong những loại trái cây ngon, giàu dinh dưỡng và mang đến lợi ích sức khỏe. Nhiều người thích ăn xoài, kể cả người đang bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi liệu chúng có thích hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường hay không?

1. Người bệnh tiểu đường có ăn xoài được không?

Quả xoài, nhất là xoài chín thường chứa lượng đường khá cao, nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh nhân tiểu đường không nên ăn xoài.

Trong quả xoài chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết, giúp bổ sung dinh dưỡng cho mọi chế độ ăn uống, bao gồm cả những chế độ ăn tập trung vào việc cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu. Cụ thể:

1.1 Xoài không tác động nhiều đến lượng đường trong máu

Có thể nói, hơn 90% calo trong xoài đến từ các loại đường glucose và fructose, đó là lý do khiến xoài có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trong quả xoài cũng chứa nhiều chất xơ (165gr xoài chín chứa đến 2.6gr chất xơ) và các chất chống oxy hóa.

nguoi-mac-benh-tieu-duong-an-xoai-duoc-khong-voh-0
Người bị tiểu đường có thể giúp kiểm soát lượng carbs và ổn định đường trong máu (Nguồn: Internet)

Cả hai chất này đều đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động đến lượng đường trong máu. Trong khi chất xơ giúp làm chậm tốc độ hấp thụ đường vào máu, chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm tất cả các phản ứng căng thẳng liên quan đến việc tăng lượng đường trong máu.

Chính vì thế, người bệnh tiểu đường ăn xoài có thể giúp kiểm soát lượng carbs và ổn định lượng đường trong máu.

1.2 Xoài có chỉ số đường huyết thực phẩm thấp

Chỉ số đường huyết (GI) là một giá trị được gán cho thực phẩm để giúp xếp hạng thực phẩm theo ảnh hưởng của chúng đối với lượng đường trong máu. Trong thang điểm từ 0 đến 100, dưới 55 là chỉ số đường huyết thấp, từ 56 – 69 là chỉ số đường huyết trung bình và trên 70 là chỉ số đường huyết cao.

Bất kỳ thực phẩm nào nếu được xếp dưới 55 đều được coi là thấp và có thể là lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường. GI của xoài là 51, do đó xoài là thực phẩm có chỉ số GI thấp và khá an toàn cho người bệnh nhân tiểu đường.

Xem thêm: Chỉ số đường huyết của thực phẩm là gì? Những lưu ý về chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe

1.3 Xoài chứa nhiều vitamin A

Là một những thực phẩm giàu vitamin A, tác dụng của xoài có thể thể giúp làm giảm các phản ứng viêm của các cơ quan nội tạng ở những người mắc bệnh tiểu đường.

2. Bệnh tiểu đường nên ăn xoài sống hay xoài chín?

Thật ra, xoài chín có lượng đường lớn hơn xoài xanh, chính vì thế, chỉ số đường huyết của xoài chín cũng sẽ cao hơn xoài xanh, nên nó có thể khiến lượng đường huyết trong máu tăng nhanh hơn. Do đó, bệnh nhân tiểu đường phải thận trọng khi muốn thêm xoài chín vào khẩu phần ăn của mình.

nguoi-mac-benh-tieu-duong-an-xoai-duoc-khong-voh-1
Người bị tiểu đường nên ăn xoài sống vì hàm lượng đường trong xoài sống thấp hơn (Nguồn: Internet)

Mặc dù thế, xoài vẫn là lựa chọn tốt hơn cho các bệnh nhân tiểu đường so với các loại carb đơn giản, đồ uống có đường hoặc thực phẩm chế biến sẵn, vì xoài giàu chất xơ, chất béo omega-3 và omega-6, giúp làm chậm quá trình giải phóng glucose trong máu.

Với những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2, người có lượng đường trong máu đã cao bạn không nên ăn xoài chín lẫn xoài sống quá thường xuyên. Khi ăn quá nhiều xoài, bạn sẽ tiêu thụ nhiều calo và đường, nó sẽ tạo ra chất béo dự trữ trong cơ thể bạn và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mất trí nhớ và đột quỵ.

3. Bị tiểu đường ăn xoài thế nào để tốt cho sức khỏe?

Nếu bạn đang bị tiểu đường và muốn thêm xoài vào trong chế độ ăn của mình, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây để giúp làm giảm khả năng tăng lượng đường trong máu.

3.1 Kiểm soát khẩu phần ăn

Cách tốt nhất để không bị tăng đường huyết sau khi ăn xoài là bạn không nên ăn chúng quá nhiều một lúc. Một khẩu phần carbs tiêu chuẩn được xác định ở khoảng 15gr. Và nếu mỗi ngày bạn ăn khoảng 82gr xoài cắt lát sẽ chỉ cung cấp khoảng 12.5gr carbs, dưới khẩu phần carbs tiêu chuẩn.

Do đó, người bị tiểu đường có thể bắt đầu với 82.5gr xoài để xem lượng đường trong máu phản ứng thế nào. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh kích thước và tần suất phần ăn của mình phù hợp

3.2 Thêm thực phẩm giàu protein

Giống như chất xơ, protein có thể giúp lượng đường trong máu không tăng đột biến khi ăn cùng với các loại thực phẩm giàu carbs như xoài.

Mặc dù xoài có chứa chất xơ nhưng lại không giàu protein, do đó, bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu protein để làm giảm lượng đường trong máu. Ví dụ, bạn có thể kết hợp xoài với trứng luộc hoặc một số ít các loại hạt để bữa ăn được cân bằng hơn.

Xem thêm: 'Nói không' với béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa bằng 20 loại thực phẩm giàu protein

4. Những lưu ý dành cho người tiểu đường ăn xoài

Người bị bệnh tiểu đường khi ăn xoài cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

4.1 Chỉ ăn xoài tươi

nguoi-mac-benh-tieu-duong-an-xoai-duoc-khong-voh-2
Chỉ nên ăn xoài tươi, không nên ăn các chế phẩm làm từ xoài (Nguồn: Internet)

Ăn xoài trực tiếp là cách tốt nhất để hấp thụ chất xơ cho cơ thể. Các sản phẩm làm từ xoài như xoài sấy hay nước ép xoài có thể làm lượng đường tăng nhanh và không thể tận dụng được chất xơ của xoài.

4.2 Thời điểm ăn an toàn

Tốt nhất bạn chỉ nên ăn xoài trước 5 giờ chiều. Đây là cách giúp bạn tràn đầy năng lượng, kiểm soát cơn thèm đường và kiểm soát tâm trạng thất thường.

4.3 Tham khảo thêm ý kiến bác sĩ

Tham khảo ý kiến bác sĩ về khẩu phần sử dụng xoài trong chế độ ăn của người bị tiểu đường để có được một chế độ ăn uống hợp lý.

4.4 Không quên dùng thuốc

Bên cạnh việc ăn xoài có chừng mực, bạn cần uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường do bác sĩ kê toa.

Như vậy, xoài thực sự là một lựa chọn lành mạnh cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cần phải ăn hợp lý, đúng cách để có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu của bạn.