Những thực phẩm ẩn chứa nhiều đường

VOH - Đường, vị ngọt của nó ai cũng yêu thích, nó cũng là sát thủ vô hình của sức khỏe trong chế độ ăn uống.

Chuyên gia về béo phì đã chỉ ra rằng, đường giống như một loại “ma túy”, sẽ khiến con người vô tình ăn nhiều hơn và dần dần dẫn đến nghiện nó.

Mọi người nên hiểu biết rõ về các loại đường và cách lựa chọn đường trong ăn uống, đồng thời tham khảo một số cách giúp giảm lượng đường thiết thực để tránh rơi vào “bẫy ngọt ngào” tác hại đến sức khỏe.

thuc-pham-chua-duong-tiem-an
Càng ăn nhiều đường càng dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường - Ảnh: TVBS

Sự nguy hiểm của việc ăn quá nhiều đường

Ngô Trân Cẩn, chuyên gia về béo phì tại Phòng khám đa khoa Tiểu Trụ Sơ Nhật (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, tuy đường có thể mang lại cảm giác hạnh phúc ngắn hạn nhưng nó lại gây nghiện như ma túy. Càng ăn càng nhiều, cuối cùng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường.

Một nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng, lượng đường bổ sung trong đồ uống có mối tương quan tỷ lệt thuận với tỷ lệ tử vong, nghĩa là mọi người uống càng nhiều đồ uống có đường thì nguy cơ tử vong càng cao.

Đường tự nhiên rất khác với đường tinh luyện

Chuyên gia Ngô Trân Cẩn cho biết, đường chủ yếu được chia thành hai loại: đường tự nhiên và đường tinh luyện. Trong đó, đường tự nhiên tồn tại trong thực phẩm chưa qua chế biến, chẳng hạn như fructose trong trái cây và lactose trong sữa. Những loại đường này thường có lượng calo và natri thấp hơn, hàm lượng nước cao hơn và chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng.

Ngược lại, các loại đường tinh luyện được sản xuất thông qua quá trình tinh chế, chẳng hạn như đường phèn, đường cát trắng, đường nâu hay đường vàng, đường đen, si-rô bắp có hàm lượng fructose cao…

Chuyên gia Ngô Trân Cẩn khuyên rằng, mọi người khi lựa chọn đường nên ưu tiên chọn đường tự nhiên, vì ngoài việc mang lại hương vị ngọt ngào, những loại đường này còn có thể cung cấp các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể như chất xơ, khoáng chất…

Trong số các loại đường tinh luyện, đường đen và đường nâu ít tinh chế nên tương đối tốt cho sức khỏe hơn. Si-rô bắp có hàm lượng fructose cao (fructose) ít được khuyên dùng nhất vì đây là loại đường được tinh chế cao, có tác động tiêu cực đến sức khỏe nhiều hơn.

Cảnh giác với chế độ ăn uống hàng ngày ẩn chứa nhiều đường

Đường ẩn chứa trong thực phẩm thường khó phát hiện. Đường thường được thêm vào nhiều loại thực phẩm khác nhau, điều này vô tình làm tăng lượng đường mà mọi người ăn vào. Chuyên gia Ngô Trân Cẩn cảnh báo các nguồn ẩn chứa nhiều đường phổ biến bao gồm:

1. Nước sốt: chẳng hạn như nước sốt cà chua, giấm, nước tương, nước sốt mirin (một loại gia vị đặc biệt trong ẩm thực của Nhật Bản,), nước sốt salad…

2. Các sản phẩm đóng hộp và chế biến sẵn: như chà bông thịt, cá viên, thực phẩm đóng hộp…

3. Đồ nướng và đồ ăn vặt: như bánh quy, bánh ngọt, bánh mì…

Cách dễ dàng giảm lượng đường ăn vào

Chuyên gia Ngô Trân Cẩn nói, giảm lượng đường ăn vào không có nghĩa là giảm chất lượng cuộc sống. Sau đây, chuyên gia Ngô Trân Cẩn chia sẻ ba cách rất đơn giản nhưng lại dễ dàng giúp giảm lượng đường ăn vào hiệu quả:

1. Chọn các thực phẩm nguyên bản và chú ý thứ tự ăn uống: học cách duy trì thứ tự ăn uống ổn định đường huyết (có nghĩa là ăn uống theo thứ tự như sau: nước, thịt, rau, cơm, trái cây), điều chỉnh thứ tự ăn uống chú ý ăn đồ ngọt sau cùng. Bằng cách này, ham muốn ăn đồ ngọt của mọi người sẽ không quá cao.

2. Giảm một nửa khẩu phần và giảm hàm lượng đường: khi chọn mua và ăn những thực phẩm có đường, mọi người có thể giảm một nửa khẩu phần (một nửa số lượng), chọn những thực phẩm ít đường hoặc không đường và hãy nhớ ăn thực phẩm có đường sau cùng, điều này có thể làm giúp mọi người giảm đáng kể một lượng đường ăn vào.

3. Lựa chọn thực phẩm thay thế lành mạnh: khi muốn ăn đồ tráng miệng, mọi người có thể chọn các loại hạt, rong biển hoặc sô cô la đen hơn 85%, những thực phẩm này có thể giúp thỏa mãn cơn thèm ngọt mà không làm mọi người ăn vào quá nhiều đường.

Bình luận