Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những thực phẩm nào dễ bị nhiễm khuẩn vào mùa hè?

VOH - Thời tiết nắng nóng trong mùa hè, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhỏ nhiều hơn, giúp chúng tránh bị ngộ độc thực phẩm.

Thời tiết nắng nóng gay gắt vào mùa hè, thực phẩm sẽ dễ bị nhiễm khẩn gây bệnh, đặc biệt là các loại thực phẩm đã chín, chẳng hạn như: thịt nướng, chả lụa, đồ ăn chế biến sẵn, hải sản hoặc thịt tươi sống, rau sống, trái cây…

Trong mùa hè, mọi người hay nghe được thông tin xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, làm nhiều người bị ngộ độc phải đưa vào bệnh viện khẩn cấp vì các triệu chứng ói mửa, tiêu chảy, khó thở, chóng mặt, thậm chí có người bị nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Những thực phẩm nào dễ bị nhiễm khuẩn vào mùa hè? 1
Thời tiết nắng nóng trong mùa hè, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhỏ nhiều hơn, giúp chúng tránh bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh: TVBS

Trước khi thưởng thức các món ăn ngon miệng trong mùa hè, mọi người nên đọc bài viết dưới đây, để hiểu rõ an toàn thực phẩm và bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như cho các thành viên trong gia đình.

Mộc nhĩ, ngũ cốc, khoai tây cẩn thận dễ bị nhiễm vi khuẩn pseudomonas cocos

Theo kết quả một nghiên cứu, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ẩn náu trong mộc nhĩ là do vi khuẩn pseudomonas cocos. Đặc biệt, vi khuẩn này rất thường gặp trong mộc nhĩ, ngũ cốc và khoai tây, chúng sẽ sinh ra độc tố axit bongkrekic, gây đau bụng, tiêu chảy, mắc ói (buồn nôn) và ói mửa (nôn mửa), nhức đầu, chóng mặt…

Jiang Shoushan - bác sĩ chuyên khoa Nội thận người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, đây không phải là vi khuẩn gây bệnh thông thường, nó thuộc loại vi khuẩn gây nên “nhiễm trùng cơ hội”.

Nhưng một khi nhiễm bệnh, chúng gây tổn thương đối với cơ thể tương đối lớn, trường hợp nặng có thể dẫn đến suy gan, đồng thời suy hô hấp, máu, thần kinh, tuần hoàn và các hệ thống khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí làm cho hôn mê, điều trị tương đối khó khăn.

Chuyên gia Jiang Shoushan cho biết thêm, nước là “mẹ” của sự sống, khi mọi người đem nguyên liệu hoặc thực phẩm ngâm trong nước là cơ hội để vi khuẩn dễ dàng sinh sôi. Đặc biệt, có một số nguyên liệu và thực phẩm dùng để chế biến món ăn cần đem đi ngâm trong nước qua một đêm thì những nguyên liệu và thực phẩm này rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Chuyên gia Jiang khuyến cáo rằng, thời gian ngâm nguyên liệu hoặc thực phẩm trong nước không nên quá 2 -3 tiếng sẽ tốt hơn, để tránh thực phẩm nhiễm bẩn và nhiễm khuẩn.

Trứng, sữa, cá và thịt cẩn thận nhiễm khuẩn Salmonella

Đối với các loại thực phẩm như thịt gia cầm, thịt gia súc, cá, sữa, trứng, các loại đậu… cần cẩn trọng vì dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể gây ói mửa, tiêu chảy, phân có máu, trường hợp nặng có thể thủng ruột, viêm phúc mạc, mất nước nặng.

Jiang Kunjun, giáo sư phẫu thuật tại Bệnh viện Keelung Chang Gung (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, vi khuẩn Salmonella thường tồn tại ở cơ thể động vật và người trưởng thành khi bị nhiễm vi khuẩn này, thường có các triệu chứng tương đối nhẹ, trong khi trẻ em hoặc bệnh nhân chạy thận nhân tạo có các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn.

Vi khuẩn Salmonella rất dễ ẩn náu ở những nơi gián thường bò qua, chó, mèo đi ngang qua, cần lưu ý dù thực phẩm được nấu chín ở nhiệt độ cao để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn thì trước khi ăn vào bụng, khả năng nhiễm khuẩn của nó vẫn không hề thấp.

Chuyên gia dinh dưỡng Jiang Shoushan còn cho biết thêm, vỏ trứng có thể bị dính phân gà, dẫn đến có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella trong phân gà. Vì vậy, trứng cần luộc chín lòng trắng trứng cho đến khi chín hẳn rồi ăn sẽ tốt hơn.

Những người thích ăn lẩu cũng cần đặc biệt lưu ý, nếu dùng một đôi đũa gắp thịt sống, sau đó bỏ trong nồi lẩu cho chín, rồi cũng dùng chính đôi đũa đó, gắp thịt chín cho vào miệng ăn, có thể vô tình đưa vi khuẩn vào miệng.

Khuyến cáo cần chuẩn bị riêng một đôi đũa để gắp thực phẩm sống, còn một đôi đũa khác gắp thực phẩm chín cho vào miệng ăn, có như vậy ăn sẽ an toàn hơn.

Những thực phẩm nào dễ bị nhiễm khuẩn vào mùa hè? 2
Khi ăn lẩu không dùng chung một đôi đũa để gắp đồ sống và đồ chín, tránh tạo điều kiện để vi khuẩn trong thức ăn sống thâm nhập vào miệng đi vào cơ thể - Ảnh: TVBS

Thịt bò, sashimi, mỳ lạnh dễ nhiệm vi khuẩn escherichia coli nhất

Còn có một loại vi khuẩn mà nhiều người đã rất quen thuộc, đó là vi khuẩn escherichia coli (e coli). Giáo sư Jiang Kunjun cho biết, vi khuẩn e coli thường tồn tại trong đường tiêu hóa của động vật, chỉ cần thực phẩm không được bảo quản đúng cách thì rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Ai đó khi bị vi khuẩn e coli tấn công thường đối mặt với tình trạng ói mửa, tiêu chảy, phát sốt, thậm chí dẫn đến suy thận cấp, thiếu máu tán huyết (thiếu máu tán huyết là tình trạng các tế bào hồng cầu của người bệnh bị phá hủy nhanh hơn được tạo ra).

Cơm trắng dễ thu hút vi khuẩn bacillus cereus

Nhiều người cho rằng, cơm trắng không dễ nhanh hư và nhanh thiu nhưng thực tế đó là một suy nghĩ sai lầm. Chuyên gia dinh dưỡng Jiang Shoushan cho biết, cơm trắng rất dễ bị nhiễm vi khuẩn bacillus cereus nhưng bên ngoài và mùi hầu như không thay đổi, nên mọi người sẽ rất khó phát hiện cơm trắng đã bị nhiễm bacillus cereus.

Điều đáng sợ hơn là vi khuẩn bacillus cereus có thể chịu được ở nhiệt độ cao, thậm chí đun nóng đến 100 độ C cũng có thể gây cho con người bị ói mửa và tiêu chảy, thậm chí gây ra bệnh gan.

Vì vậy, không nên để cơm trắng ở nhiệt độ phòng quá lâu mà nên cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt để tránh khả năng bị nhiễm vi khuẩn bacillus cereus.

Giáo sư Jiang Kunjun khuyến cáo, bất kể loại vi khuẩn nào có khả năng sinh sôi và phát triển cao nhất trong khoảng từ 7°C đến 60°C, không nên bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

Đối với mùa hè, khi nhiệt độ vượt quá 32°C nên chú ý nhiều hơn, thực phẩm không nên bảo quản ở nhiệt độ phòng hơn 1 giờ.

Bình luận