Chờ...

Tìm hiểu rau bợ có tác dụng gì qua 7 món ăn, bài thuốc sau

(VOH) - Tuy là loại rau dại mọc chủ yếu ở ao, rãnh, mương, hồ và đầm lầy, song rau bợ vẫn được người dân sử dụng nhiều trong chữa bệnh. Vậy rau bợ có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Là một loại rau dại mọc hoang, thế nhưng rau bợ vẫn có những “đóng góp” cho y học. Trong dân gian thường dùng rau bợ để chữa các chứng tiểu buốt, sỏi bàng quang, lở ngứa ngoài da, mụn nhọt....

1. Cây rau bợ là cây gì?

Rau bợ (hay còn gọi là rau bợ nước, cỏ bợ, cỏ chữ điền...), có tên khoa học là Marsilea quadrifolia L, thuộc họ Rau bợ (Marsileaceae). Đây là cây thân thảo thuộc loại cỏ bán thủy sinh, rất giống loài me đất.

Rau bợ thường có thân rễ mảnh bò ngang mặt bùn, chia thành nhiều mấu đốt, mỗi mấu mang rễ và 2 lá có cuống dài. Thân cao từ 15-20cm. Lá có 4 thuỳ chéo chữ thập, hai mặt lá đều nhẵn và có màu xanh nhạt. Cây ra hoa vào tháng 5-6 hàng năm.

rau-bo-co-tac-dung-gi-voh-0
Rau bợ là loại rau dại mọc hoang (Nguồn: Internet)

Ở nước ta, rau bợ thường được tìm thấy ở những vùng đồng ruộng, bờ mương hoặc các vùng đầm lầy. Với khả năng sinh sản nhanh bằng bào tử, cây rau bợ dễ dàng tạo thành một hệ thống thân và rễ cây dày đặc dưới ruộng.

Một số địa phương ở miền Bắc nước ta, người dân thường thu hái rau bợ quanh năm để làm rau sống, nấu canh ăn hằng ngày, bởi mùi vị bùi, ngọt như rau ngót, có vị hơi chua của me, tanh giống rau diếp cá

2. Rau bợ có tác dụng gì đối với sức khỏe con người?

Rau bợ tuy là rau dại nhưng giá trị dinh dưỡng cao và là một dược liệu quý. Trong các nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, trong 100g rau bợ có 4,6% protid, 1,6% glucid, 0,72% caroten vitamin C và cyclolaudenol. Do đó, rau bợ có thể có lợi ích đối với sức khỏe.

Theo góc nhìn Đông y, rau bợ là thảo dược có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn. Tác dụng của rau bợ là giúp cơ thể thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu sưng, giải độc, nhuận gan, sáng mắt, giảm căng thẳng.

Ngoài ra, dân gian còn dùng rau bợ để chữa các bệnh như: tiểu ra máu, tiểu đường, suy nhược thần kinh, động kinh, bạch đới, rắn cắn....

Người dân thường hái rau bợ mang về phơi khô, sao vàng, sắc nước hoặc pha trà thuốc. Có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để giúp phát huy những công dụng của rau bợ.

3. Cây rau bợ trị bệnh gì?

Gần như toàn cây rau bợ đều có thể dùng làm thuốc. Dưới đây là một số bài thuốc giúp chữa bệnh từ cây rau bợ theo kinh nghiệm dân gian:

3.1 Thanh nhiệt, an thần, hạ áp, trị sang nở, rôm sảy, mày đay, rối loạn chức năng gan

Một trong những tác dụng của rau bợ là giúp mát gan, thanh nhiệt, từ đó phòng và trị các bệnh viêm da cơ địa như rôm sảy, mề đay,...rất hiệu quả.

Để dùng rau bợ chữa các chứng nổi mề đay, rôm sảy và giúp thanh nhiệt, an thần bạn có thể kết hợp rau bợ với một ít lá sen non để làm nguyên liệu nấu canh ăn trong các bữa cơm gia đình.

3.2 Chữa rối loạn chuyển hoá đường, tiểu đường, ăn uống kém

Rau bợ có tác dụng chữa rối loạn chuyển hóa đường, tiểu đường, ăn uống kém theo kinh nghiệm dân gian. Để khắc phục vấn đề trên, người dân thường sử dụng rau bợ, thiên hoa phấn và hoài sơn, đem sắc đặc, rồi lấy phần nước để nấu cháo ăn hàng ngày.

rau-bo-co-tac-dung-gi-voh-1
Rau bợ thường được dùng như một món ăn bài thuốc trong dân gian (Nguồn: Internet)

Đây là món ăn này có tác dụng kiện tỳ, lợi vị, kích thích tuyến tụy tiết insulin, ức chế hấp thu đường của tế bào. Đồng thời làm chậm quá trình tổng hợp, lên men và đường hóa của tế bào, giúp cơ thể ổn định đường huyết, làm giảm cảm giác thèm ăn ở người bệnh tiểu đường. 

3.3 Giảm viêm, lợi niệu, tiêu phù

Một tác dụng khác của rau bợ là giúp giảm viêm, lợi niệu, tiêu phù rất hiệu quả.

Bạn có thể sử dụng rau bợ cùng rau muống đem nấu canh, dùng liên tục trong 7 - 10 ngày hoặc đến khi hết phù. Món ăn này sẽ phù hợp cho người viêm thận cấp và mạn tính, viêm bàng quang, phù do suy tim và phù do tỳ trợ vận kém.

3.4 Lợi tiểu, cường thận, mạnh bàng quang, cải thiện tình trạng sỏi thận

Dân gian truyền tai nhau, người mắc sỏi thận, sỏi bàng quang và niệu quản, trị tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu không thông trong viêm nhiễm đường sinh dục,…có thể sử dụng bài thuốc từ rau bợ. Bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm rau bợ đem rửa sạch, giã dập vắt lấy nước uống dùng liên tục từ 7 - 10 ngày là có thể cải thiện tình trạng.

Xem thêm: Bệnh sỏi thận là gì? Tìm hiểu những thông tin chi tiết về bệnh sỏi thận

3.5 Giúp lương huyết giải thử, bền vững thành mạch, chống xuất huyết

Rau bợ còn có tác dụng giúp lương huyết giải thử, bền vững thành mạch, chống xuất huyết.

Bạn chỉ cần chuẩn bị rau bợ, lá sen non và cỏ nhọ nồi, sau đó đem xào hoặc nấu canh ăn, dùng liên tục từ 5 - 10 ngày. Món ăn này sẽ giúp cải thiện sức khỏe cho trường hợp chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, suy tĩnh mạch chi, rong kinh, phiền nhiệt, háo khát…

Ngoài ra, bạn cũng có thể vắt lấy nước cốt uống hằng ngày, đều có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.

3.6 Cải thiện giấc ngủ, thư giãn thần kinh, nhuận tràng

Người bị suy nhược cơ thể, căng thẳng thần kinh, đau đầu, mất ngủ, táo bón, trĩ nội, trĩ ngoại cũng có thể sử dụng rau bợ để giúp nâng cao tinh thần, thư giãn thần kinh, nhuận tràng và ngủ sâu hơn.

Cách làm rất đơn giản đó là bạn kết hợp rau bợ với lá vông non, đem nấu canh ăn, dùng liên tục trong 5 - 7 ngày, bệnh sẽ ngày một thuyên giảm. 

3.7 Bồi bổ cơ thể, kích thích quá trình tổng hợp, phát triển, tái tạo tế bào xương

Một trong những tác dụng của rau bợ còn được kể đến là giúp kích thích quá trình tổng hợp, tái tạo và phát triển tế bào xương cũng như bồi bổ cơ thể.

Bạn có thể sử dụng rau bợ rửa sạch thái nhỏ, cua đồng đem giã lọc lấy nước cốt, rồi nấu thành canh dùng trong các bữa cơm gia đình. Đặc biệt, món ăn này rất tốt cho những người gãy xương, loãng xương, trẻ em còi xương, chậm phát triển chiều cao, thiếu canxi, mới ốm dậy và suy nhược cơ thể.

Lưu ý: Mặc dù rau bợ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ rau bợ, bạn nên tham vấn ý kiến thầy thuốc để được điều chỉnh liều lượng phù hợp và an toàn. Không tự ý sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến thầy thuốc.

Xem thêm: Danh sách 16 loại thực phẩm giúp bổ sung canxi cho xương khỏe

4. Cách sử dụng rau bợ trong ẩm thực

rau-bo-co-tac-dung-gi-voh-2
Canh rau bợ - một trong những món ăn mang hương vị quê nhà (Nguồn: Internet)

Cây rau bợ vốn chỉ là một loại rau dại, thế nhưng không chỉ được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh mà loại rau này còn thể làm nguyên liệu cho nhiều món ăn dân dã nhưng đậm vị quê nhà:

Một số món ăn ngon từ rau bợ có thể kể đến như:

  • Rau bợ luộc
  • Dụng rau bợ như một loại rau ăn sống
  • Canh rau bợ nấu cá rô
  • Nước lá rau bợ

5. Lưu ý khi sử dụng cây rau bợ

Mặc dù cây rau bợ được sử dụng để chữa được nhiều bệnh bởi những lợi ích sức khỏe tuyệt vời, nhưng rau bợ vẫn là loại rau mọc hoang men theo các bờ kênh, con rạch... Vì thế, khi sử dụng rau bợ trong ăn uống bạn vẫn nên cẩn thận và lưu ý một số điều sau đây:

  • Cây rau bợ thường sống sâu ở dưới bùn đất nên trước khi dùng, bạn phải đảm bảo rửa thật cẩn thận và sạch sẽ, bằng cách ngâm qua nước muối loãng để khử bớt mùi tanh của bùn.
  • Chỉ nên sử dụng phần thân hoặc lá non để ăn hoặc chữa bệnh, tránh sử dụng các bộ phận khác của cây làm thuốc để tránh xảy ra những trường hợp không mong muốn.
  • Nếu bạn có các biểu hiện như lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng, đầy hơi khó tiêu, chân tay lạnh thì không nên ăn rau bợ vì đây là loại rau có tính hàn.
  • Tránh nhầm lẫn rau bợ và cây me chua đất.
  • Để đảm bảo không xảy ra các tác dụng phụ khác, tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến từ lương y hoặc bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng loại thảo dược này.

Như vậy, rau bợ vốn là một loại rau dại nhưng vẫn chứa những lợi ích sức khỏetuyệt vời. Tuy những tác dụng của rau bợ hiện chỉ được sử dụng nhiều trong dân gian, nhưng cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực của loại rau này. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn có sẽ có thể dùng rau bợ đúng cách và an toàn để nâng cao sức khỏe của bản thân và gia đình.