Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ăn rau răm có tác dụng gì? Nên sử dụng như nào để phát huy hiệu quả?

(VOH) – Rau răm là loại rau thơm được sử dụng khá phổ biến trong một số món ăn, đây cũng là loại rau có thể dùng làm thuốc. Vậy thực hư rau răm có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Rau răm khá phổ biến trong ẩm thực vì chúng là rau thơm ăn kèm, cũng là gia vị chế biến rất nhiều món ăn ngon. Hơn thế, loại rau này còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

1. Rau răm là gì?

Rau răm (Persicaria odorata) hay còn gọi là thủy liễu, là một loài thực vật thuộc họ Polygonaceae - họ Thân đốt hay họ Rau răm. Đây là cây thân thảo, lá của chúng được sử dụng rộng rãi trong các món ăn của khu vực Đông Nam Á. 

Rau răm thường sinh trưởng tốt trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với điều kiện nóng ẩm, nhưng chúng không sống được nếu vĩ độ trên 32° hay quá nhiều nước. Trong điều kiện thuận lợi, thân cây có thể cao từ 15-30 cm, rễ mọc ra từ các đốt. Mặt trên lá màu lục sẫm, điểm đốm màu nâu nhạt còn mặt dưới màu hung đỏ.

rau-ram-co-tac-dung-gi-voh-0
Rau răm là loại rau ăn kèm phổ biến của nhiều món ăn (Nguồn: Internet)

Rau răm có mùi thơm đặc trưng. Ở Việt Nam, chúng được trồng làm rau hoặc có khi mọc tự nhiên. Tuy nhiên, trong y học thì đây là vị thuốc mang đến nhiều giá trị đối với sức khỏe.

2. Ăn rau răm có tác dụng gì cho sức khỏe?

Trong y học hiện đại, người ta ghi nhận trong rau răm có chứa chất flavonoid, đây là chất hoạt động như chất chống oxy hóa có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn tình trạng lão hóa cũng như các tế bào ung thư phát triển.

Tuy nhiên, phần lớn những tác dụng của rau răm cho đến thời điểm hiện tại vẫn nghiên về y học cổ truyền nhiều hơn. Trong Đông y, rau răm được dùng cả lá hoặc cả cây để làm thuốc có tác dụng chống viêm hạ khí, kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn, hoạt huyết tiêu độc.

Dưới đây là một số tác dụng của rau răm được sử dụng khá nhiều trong dân gian:

2.1 Đầy hơi, chướng bụng

Một trong những tác dụng của rau răm giúp hỗ trợ đường tiêu hóa lưu thông tốt, không gặp phải tình trạng chướng bụng, đầy hơi. Bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm rau răm đem rửa sạch, giã nhỏ rồi vắt lấy nước uống, bã thì đem xoa bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).

2.2 Cảm cúm hắt hơi, sổ mũi

Hắt hơi, sổ mũi do cảm cúm cũng có thể sử dụng một nắm rau răm cùng một vài lát gừng sống, đem giã nhỏ lấy nước uống. Hoặc bạn cũng có thể kết hợp rau răm với tía tô, kinh giới, xương bồ, xuyên khung, bạch chỉ và kiện rồi đem sắc uống, đều có tác dụng chữa bệnh hiệu quả. 

2.3 Trị vết rắn cắn

Trong dân gian lưu truyền, rau răm có tác dụng trị vết rắn cắn. Để trị vết rắn cắn, bạn có thể dùng một nắm nhỏ rau răm đem vắt lấy nước uống. Bã đắp vào nơi vết cắn băng lại (cần làm sớm để có kết quả tốt) và đưa ngay đến cơ sở y tế.

Xem thêm: Cách xử lý an toàn khi chẳng may bị rắn cắn

2.4 Đau bụng, tiêu chảy do nhiễm lạnh

Khi gặp triệu chứng đau bụng, tiêu chảy do nhiễm lạnh, bạn cần chuẩn bị rau răm (khô) cùng bạch truật, kinh giới, lương khương, quế và gừng nướng. Tiếp theo, bạn đổ 2 bát nước, sắc còn 1 bát, rồi chia làm 2 lần uống trong ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng.

rau-ram-co-tac-dung-gi-voh-1
Ăn rau răm có thể giúp chữa đau bụng, tiêu chảy do nhiễm lạnh (Nguồn: Internet)

2.5 Nước ăn chân

Tác dụng của rau răm còn được phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị tình trạng nước ăn chân. Bạn chỉ cần giã nhỏ rau răm rồi đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc bạn có thể giã nhỏ lấy nước cốt rau răm chấm vào nơi bị đau, mỗi ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống nhiễm khuẩn).

2.6 Mụn nhọt đang ở giai đoạn sưng nóng

Với lợi ích chống viêm tiêu độc, tác dụng của rau răm được kể đến với công hiệu giảm sưng nóng do mụn nhọt gây ra. Bạn chỉ cần chuẩn vị một nắm rau răm cùng vài hạt muối, rồi đem giã nhỏ, đắp vào mụn nhọt và băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần. Phương này dùng cho tất cả các trường hợp mụn nhọt, áp-xe đang ở giai đoạn đầu. 

2.8 Chống vi khuẩn

Dầu trong cây rau răm được sử dụng như chất chống oxy hóa, đây là một trong những loại thảo mạnh mẽ có thể chống lại các vi khuẩn như E.coli

2.9 Điều trị các vấn đề về da

Rau răm có tác dụng chống viêm và tiêu độc, loại bỏ mụn nhọt cũng như se khít lỗ chân lông. Dùng rau răm giã nát. Đối với mụn nhọt thì lấy bã đắp, dùng băng gạc cố định và mỗi ngày nên thay 1 lần, còn để se khít chân lông thì phải dùng nước ấm rửa sạch mặt sau đó thoa chiết xuất lên và rửa lại bằng nước lạnh sau 2 giờ.

Xem thêm: 10 phương pháp ‘đặc trị’ lỗ chân lông to mà bạn nên biết

3. Tác dụng của rau răm với đàn ông là gì?

Với nam giới, rau răm có tác dụng tráng dương, cố tinh, bền tinh cải thiện tình trạng di mộng tinh, xuất tinh sớm góp phần kéo dài cuộc “truy hoan” sung mãn.

Mặc dù, trong dân gian vẫn có lời đồn về tác dụng phụ giảm ham muốn khi ăn loại rau răm hoặc ăn rau răm vô sinh, tuy nhiên, tất cả vẫn đang chỉ là thông tin lan truyền, chưa được nghiên cứu và đưa ra kết luận từ khoa học.

rau-ram-co-tac-dung-gi-voh-2
Ăn rau răm giảm ham muốn chỉ là lời đồn dân gian truyền miệng (Nguồn: Internet)

Chỉ một vài nghiên cứu y học ghi nhận, rau răm có tác dụng làm ấm nhưng ăn nhiều sẽ ảnh hưởng tới tủy và làm giảm tinh khí. Có thể đó là lý do khiến dân gian lưu truyền việc ăn rau răm sẽ khiến nam giới giảm đi ham muốn và làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản.

4. Bà bầu ăn rau răm được không?

Rau răm không phải là thực phẩm lý tưởng cho phụ nữ mang thai. Bởi rau răm có chứa chất gây kích thích tử cung, do đó, bà bầu ăn nhiều rau răm có thể dẫn đến một vài tình trạng nguy hiểm, chẳng hạn như sảy thai, sinh non...

Thay vì sử dụng rau răm, mẹ bầu có thể lựa chọn một vài loại rau củ an toàn cho thai kỳ như: súp lơ, rau mùi tây, đậu hà lan, rau diếp cá....

Xem thêm: Giải đáp lý do vì sao bà bầu không nên ăn rau răm trong thai kỳ

5. Rau răm làm món gì ngon?

Với vị hơi cay và nồng cùng với mùi hắc và tính ẩm, rau răm đóng vai trò là một trong các loại rau thơm gia vị, kích thích ăn ngon miệng, giúp ấm bụng. Do đó, loại rau này được kết hợp ăn cùng với các món ăn sau:

  • Trứng vịt lộn với rau răm giúp làm giảm mùi tanh của trứng vịt lộn
  • Cháo thịt dê ăn kèm rau răm có tác dụng khử mùi, ôn hòa
  • Lẩu cá kèo với rau răm chống hoạt tinh
  • Các món nghêu, sò, hến luộc, xào, nấu canh, nấu cháo đều có thêm rau răm, có tác dụng tiêu thực, khử mùi tanh và tăng khẩu vị
  • Chả rươi gồm con rươi, trứng gà, vỏ quýt thái chỉ, thêm rau răm để giảm tính hàn của rươi
  • Canh thịt bò rau răm giúp cả nhà vừa đổi vị lại có món canh bổ dưỡng
  • Các món gỏi hoặc nộm đều có rau răm để tăng khẩu vị và tiêu thực
  • Bún thang Hà Nội thêm rau răm tạo mùi thơm hấp dẫn cho món ăn

6. Một số lưu ý khi ăn rau răm

Mặc dù chỉ là loại rau ăn kèm nhưng khi ăn rau răm bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Chỉ dùng rau răm với lượng vừa phải cho những món ăn bắt buộc kết hợp với loại rau này
  • Rau răm cần được rửa sạch sẽ trước khi ăn
  • Phụ nữ mang thai, người ốm, gầy, xanh xao không nên sử dụng rau răm

7. Ăn nhiều rau răm có tốt không?

Rau răm không độc nhưng cũng có thể “gây họa” nếu bạn ăn quá nhiều. Tiêu thụ quá nhiều rau răm sẽ sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục, yếu sinh lý.

rau-ram-co-tac-dung-gi-voh-3
Không lạm dụng ăn nhiều rau răm để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, ăn nhiều rau răm làm yếu sinh lý và giảm ham muốn ở nam giới. Nữ giới ăn nhiều rau răm cũng có thể dẫn đến hiện tượng rong kinh, kinh nguyệt không đều và có thể làm giảm “chuyện chăn gối”.

Bên cạnh đó, những người gầy, máu nóng cũng được khuyến nghị là không nên ăn nhiều rau răm.

8. Thành phần dinh dưỡng của rau răm

Rau răm là loại rau gia vị ăn kèm với các món ăn, mùi thơm đặc trưng của rau sẽ làm giảm đi độ tanh của một số loại hải sản, cá kèo, trứng vịt lộn,… nhờ vào các thành phần dinh dưỡng sau:

  • Nước: 86.7 g
  • Năng lượng: 30 Kcal
  • Chất đạm: 4.7 g
  • Chất đường bột: 2.8 g
  • Chất xơ: 3.8 g
  • Canxi: 316 mg
  • Sắt: 2.20 mg
  • Magie: 28 mg
  • Mangan: 3.630 mg
  • Photpho: 55 mg
  • Kali: 216 mg
  • Natri: 5 mg
  • Kẽm: 1.05 mg
  • Đồng: 390 μg
  • Vitamin C: 57 mg

Có thể nói, rau răm chứa những công dụng hữu ích đối với đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý đến lượng sử dụng để vừa có thể giúp nâng cao sức khỏe, đồng thời cũng không gặp phải những mối nguy hại tiềm ẩn từ rau răm.

Bình luận