Rau tàu bay là loại cỏ dại mọc hoang khắp nơi, thường chỉ được xem như một loại cây cỏ bình thường, nhưng thực tế đây lại là một vị thuốc. Đôi khi chúng còn được sử dụng như một loại rau sạch.
1. Cây rau tàu bay là rau gì?
Rau tàu bay (Gynura divaricata) hay còn gọi kim thất, là một loài thực vật có hoa trong họ Cúc. Sở dĩ có tên gọi này là vì khi có gió thổi, các nhụy hoa khô mang hạt bay uốn lượn trong gió để khuếch tán nên được gọi là rau tàu bay.
Rau tàu bay là loài cây thân thảo mập, có rãnh mọc đứng, cao khoảng 0.4 - 0.5m nhưng cũng có thể tới 1 m. Rễ cái màu trắng hoặc nâu. Lá hình trứng dài, to, mỏng, mép có răng cưa to hoặc có khía, có mùi thơm. Hoa lưỡng tính, tự hình đầu, có màu hồng nhạt đến đỏ và đỏ nâu. Quả nhỏ, dạng hình thoi và có mào lông.
Cây rau tàu bay thường phân bố ở các vùng có khí hậu nhiệt đới, nhưng phần lớn Châu Á, Châu Phi. Ngoài ra, giống cây này cũng mọc hoang ở một số bang của Mỹ, các đảo ở đông nam Địa Trung Hải, Quần đảo Cook,... Ở Việt Nam, cây thường được tìm thấy ở những nơi thoáng, len lỏi trong các cánh rừng hoặc bìa rừng.
Lưu ý: Không nên nhầm lẫn cây rau tàu bay với một loài cây khác có tên là cỏ tàu bay (cỏ hôi, cây bơm bớp, cây cỏ Lào, cây cộng sản) có tên khoa học là Chromolaena odorata (L) King et Robinson. Đây là loài cây cũng phát tán hạt như cây rau tàu bay, lá xào ăn được nhưng rất hôi, chủ yếu dùng để làm thuốc.
2. Rau tàu bay có tác dụng gì?
Rau tàu bay thường được dùng chủ yếu trong y học dân gian. Tuy nhiên các nghiên cứu y học hiện đại đã phát hiện trong loại rau này cũng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng. Rau tàu bay có chứa khoảng 80% là nước. Bên cạnh đó, loại rau này cũng chứa các hoạt chất khác với hàm lượng thấp như gluxit, protid, vitamin và chất sắt.
Trước đây, rau tàu bay thường được chọn để thay rau xanh. Đọt non của loại rau này có thể luộc, nấu canh hoặc làm nộm trộn với hoa chuối. Ngày nay, rau tàu bay thường được xuất hiện nhiều trong các mâm cơm gia đình, bởi những lợi ích sức khỏe như:
2.1 Cung cấp một số vitamin
Theo một số nghiên cứu hiện đại cho thấy, rau tàu bay là một nguồn cung cấp một số vitamin cần thiết cho cơ thể, điển hình là vitamin A, vitamin C, đây là những vitamin chứa hàm lượng dồi dào trong loại rau này. Chính vì thế, ăn rau tàu bay có tác dụng phòng được nhiều bệnh do đặc tính chống oxy hóa và khử các gốc tự do, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
2.2 Ngăn ngừa táo bón
Một trong những tác dụng của rau tàu bay là giúp ngăn ngừa táo bón nhờ có hàm lượng chất xơ phong phú. Chất xơ trong rau tàu bay giúp thúc đẩy kích thích nhu động ruột làm tăng co bóp để tống phân ra ngoài, từ đó hạn chế được tình trạng táo bón.
2.3 Giúp giảm cân
Cũng như các loại rau khác, chất xơ trong rau tàu bay cũng có tác dụng giảm cân hiệu quả. Lý do là vì chất xơ sẽ khiến bạn cảm thấy no mà không cần nạp thêm calo, do đó có thể giúp giảm cơn thèm ăn và phòng tránh được tình trạng thừa cân, béo phì.
Xem thêm: Top 10 phương pháp giảm cân nhanh và hiệu quả nhất được cư dân mạng Nhật Bản bình chọn
2.4 Chống côn trùng, trị vết rắn rết cắn
Một tác dụng khác của rau tàu bay là có thể chống côn trùng, trị vết rắn, rết cắn. Trong dân gian, người dân thường dùng rau tàu bay đem giã nhuyễn rồi đắp lên chỗ bị thương, sẽ giúp làm lành vết thương nhanh chóng.
Ngoài những lợi ích trên, trong y học cổ truyền rau tàu bay còn là một vị thuốc có những công dụng như:
- Giúp làm mát và bảo vệ gan
- Làm tăng men gan
- Chữa bướu cổ, phì đại hoặc u xơ tuyến tiền liệt
- Điều trị đau nhức xương khớp ở người già
- Cải thiện tình trạng tiêu chảy
- Giúp cầm máu và chữa lở ghẻ hoặc bị đỉa cắn
3. Một số món ngon từ rau tàu bay
Tác dụng của rau tàu bay ngoài chữa bệnh ra còn có thể sử dụng trong ẩm thực, điển hình như chế biến món rau tàu bay luộc hoặc đem đi nấu canh và xào tỏi đều thơm ngon, bổ dưỡng.
3.1 Rau tàu bay xào tỏi
Nguyên liệu
- Rau tàu bay: 300g
- Tỏi: 2 - 3 tép
- Gia vị thông dụng
Cách làm rau tàu bay xào tỏi
- Nhặt rau tàu bay rồi đem đi rửa sạch qua nước muối loãng rồi để ráo nước. Bắc một nồi nước, đợi khi sôi thì luộc sơ rau tàu bay rồi vớt ra để ráo. Tỏi bóc vỏ băm nhỏ.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào và đợi khi dầu sôi thì cho tỏi vào phi thơm. Khi tỏi dậy mùi thơm thì cho rau vào xào tiếp, nêm nếm lại gia vị và đảo đều liên tục tầm 1 - 2 phút rồi tắt bếp. Bây giờ bạn có thể thưởng thức món rau tàu bay xào tỏi thơm ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng.
3.2 Rau tàu bay nấu canh tôm tép
Nguyên liệu
- Rau tàu bay: 400g
- Tôm tép: 250g
- Gia vị thông dụng
Cách làm rau tàu bay nấu canh tôm tép
- Rau tàu bay đem đi rửa sạch rồi để ráo.
- Tôm tép thì rửa sạch rồi để ráo. Bắc nồi nước, đợi khi sôi thì tôm tép vào nấu trước rồi mới cho tiếp rau tàu bay vào nấu. Nêm nếm lại cho vừa ăn và đợi 2 - 3 phút rồi tắt bếp.
4. Ăn nhiều rau tàu bay có tốt không?
Tuy có tên là rau nhưng thực tế rau tàu bay vẫn chỉ được xem là một loài cỏ dại. Rau tàu bay hoàn toàn có thể ăn được như các loại rau xanh khác nhưng do có nguồn gốc hoang dại và có mùi hắc nên nhiều thường không được sử dụng nhiều hoặc trồng làm rau.
Tuy nhiên, trước những thông tin cho rằng ăn rau tàu bay hại máu, gây độc là hoàn toàn không đúng. Nếu chỉ sử dụng rau tàu bay trong ăn uống hàng ngày với lượng dùng hợp lý thì loại rau này khá lành tính và an toàn.
Tuy nhiên, nếu bạn sử rau tàu bay làm thuốc thì bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng.
5. Những lưu ý khi sử dụng rau tàu bay
Vốn có nguồn gốc là loài cỏ dại nhưng lại được dùng làm rau nhờ những tác dụng của rau tàu bay rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau đây khi sử dụng loại rau này, đó là:
- Để loại bỏ mùi hắc như xăng của rau tàu bay, khi nấu canh bạn nên lắng bỏ phần dầu thừa nổi trên mặt nước, rồi mới cho gia vị vào, thì sẽ thơm ngon;
- Không sử dụng nhiều hoặc trồng rau tàu bay làm rau ăn bởi suy cho còn chúng vẫn có nguồn gốc hoang dại.
- Một vài ý kiến cho rằng, ăn nhiều và thường xuyên rau tàu bay sẽ bị thiếu máu và sỏi thận. Do đó, bạn nên phối hợp chấm nước mắm chanh hoặc làm rau trộn có chanh hoặc giấm để tăng hấp thu sắt tạo huyết sắc tố. Tốt nhất, bạn nên ăn thay đổi những món rau rừng khác.
6. Giá trị dinh dưỡng của rau tàu bay
Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g rau tàu bay ăn được bao gồm các chất sau:
- Nước: 93.1g
- Năng lượng: 18Kcal
- Chất đạm: 2.5g
- Chất đường bột: 1.9g
- Chất xơ: 1.6g
- Canxi: 81mg
- Photpho: 25mg
- Vitamin C: 10mg
- Beta-caroten: 1700μg
Như vậy, có thể thấy mặc dù là loại rau có nguồn gốc hoang dại, không được chú ý nhiều, nhưng rau tàu bay vẫn là loại rau một trong số nhiều loại rau rừng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người, ăn rau tàu bay có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị một số bệnh lý thông thường khác.