Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tác hại của bột sắn dây có thật sự đáng lo ngại hay không?

(VOH) – Những ngày thời tiết oi bức, uống một ly nước sắn dây có thể giúp giải khát, xua tan nóng nực. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều hoặc không đúng cách bạn có thể gặp phải tác hại của bột sắn dây.

Trong Đông y, bột sắn dây có nhiều công dụng như giúp hạ nhiệt, cải thiện tuần hoàn não và động mạch tim, giảm đường huyết,... Chính vì thế, nhiều người có thói quen uống nước sắn dây rất nhiều lần trong ngày mà không hề biết rằng chúng có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Nhưng liệu uống nhiều quá mức cho phép thì có gặp những tác hại của bột sắn dây mang lại cho sức khỏe hay không ?

1. Uống nhiều bột sắn dây có tốt không?

Uống bột sắn dây được biết đến với công dụng giải nhiệt rất tốt, tuy nhiên bạn không nên lạm dụng thực phẩm này mà pha bột sắn dây uống liên tục nhiều lần mỗi ngày.

Uống nhiều nước sắn dây có thể khiến bạn bị đầy hơi khó tiêu, thậm chí trẻ nhỏ, người đang yếu hoặc tụt huyết áp có thể bị đau bụng từng cơn, đi tiêu phân lỏng.

tac-hai-cua-bot-san-day-voh-0
Sử dụng nhiều bột sắn dây có thể gây ra các vấn đề liên quan đến dạ dày (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn nên hạn chế sử dụng bột sắn dây sống (tức uống sống, ăn sống). Việc uống sắn dây liên tục nhiều ngày, không qua chế biến sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường ruột. Nguyên nhân là do bột sắn dây chủ yếu được làm thủ công, tinh lọc qua nhiều giai đoạn nên rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Phụ nữ mang thai có thể ăn hoặc uống bột sắn dây, nhưng không nên uống mỗi ngày, vì có thể bị khó tiêu, chán ăn, hạn chế hấp thu nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Xem thêm: Mách mẹ bầu cách uống bột sắn dây để nhận về những 'lợi ích vàng' cho sức khỏe

2. Uống bột sắn dây sống có bị sỏi thận không?

Thời gian gần đây, người ta thường “truyền tai” nhau việc uống bột sắn dây gây sỏi thận? Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành phần của bột sắn dây chủ yếu là tinh bột, không có quá nhiều chất kali, nên khả năng gây bệnh sỏi thận là rất thấp.

Ngoài ra, uống bột sắn dây cùng với mật ong cũng không nguy hiểm như một số người nghĩ. Sắn dây và mật ong không nằm trong nhóm tương phản nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xem thêm: 8 tác dụng của mật ong khiến chúng trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong nhà

3. Bột sắn dây nên uống sống hay uống chín?

Thực tế, uống bột sắn dây sống hay chín đều tùy thuộc vào thể trạng của từng người dùng.

Khi uống bột sắn dây sống sẽ giúp giữ được tất cả hàm lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm này. Tuy nhiên, do bột sắn dây được chế biến thủ công nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, những người có hệ tiêu hóa kém, uống bột sắn dây có thể bi tiêu chảy.

Khi bột sắn dây được pha chín, hàm lượng dinh dưỡng sẽ bị giảm đi khá nhiều, dược tính cũng giảm, nhưng lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Vì thế, để an toàn bạn nên uống bột sắn dây pha với nước sôi hoặc nấu thành dạng sữa đặc, nấu thành chè....

4. Uống bột sắn dây bao nhiêu là đủ?

Thực tế, bất cứ loại thực phẩm nào ăn quá nhiều cũng đều sẽ không tốt cho sức khỏe, kể cả bột sắn dây. Vì thế, một người khỏe mạnh bình thường không nên uống quá 1 ly nước sắn dây mỗi ngày, đồng thời không nên dùng sắn dây liên tục nhiều ngày.

tac-hai-cua-bot-san-day-voh-1
Mỗi ngày không nên uống nhiều hơn 1 ly nước bột sắn dây (Nguồn: Internet)

Cách uống tốt nhất là nên uống chín, không thêm đường hoặc thêm rất ít đường. Nhiệt độ cao sẽ giúp thành phần tinh bột phức tạp trong sắn dây được phân cắt thành nhiều đoạn nhỏ sẽ giúp dịch pha sắn dây khi uống vào sẽ dễ hấp thụ hơn, dạ dày cũng hoạt động tốt hơn, tránh bị đầy bụng, chướng hơi.

5. Ai không nên uống bột sắn dây?

Mặc dù tác hại của bột sắn dây không gây hại sức khỏe, đây cũng là loại bột khá lành tính và an toàn nhưng sẽ không phù cho những đối tượng sau đây:

5.1 Người có cơ thể hàn

Bột sắn dây là đồ uống giải khát tuyệt vời, tuy nhiên các thầy thuốc khuyến cáo những người có cơ thể hàn hay người có dương khí hư với các triệu chứng như đại tiện lỏng, trướng bụng, lạnh bụng, chân tay lạnh, miệng nhạt, không khát nước,... thì không nên dùng sắn dây.

5.2 Trẻ em

Trẻ em có hệ thống đường ruột chưa phát triển hoàn toàn, vì thế không khuyến khích cho trẻ uống sắn dây vì dễ khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng và vừa không hấp thu được bột sắn dây dễ dẫn đến bị rối loạn tiêu hóa.

Xem thêm: Giúp mẹ nhận diện và xử lý những rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ

6. Một số lưu ý khi uống bột sắn dây

Để có thể nhận được những lợi ích sức khỏe mà không phải gặp những tác hại của bột sắn dây, khi pha thức uống này bạn nên lưu ý thêm những điều sau đây:

  • Không dùng quá nhiều: Mỗi ngày chỉ nên uống tối đa 1 ly nước sắn dây.
  • Không ướp bột sắn dây với hoa bưởi: Thêm hoa bưởi vào bột sắn dây sẽ làm giảm dược tính của thức uống này.
  • Không phá nhiều đường: Bột sắn dây pha thêm nhiều đường sẽ không tốt cho sức khỏe. Có thể thay đường bằng một chút mật ong. Nếu dùng bột sắn dây giải rượu có thể pha thêm một chút muối cho dễ uống.
  • Không nên kết hợp bột sắn dây với mật ong vì hai loại này kết hợp với nhau sẽ gây khó tiêu, đầy bụng.

Nhìn chung, tác hại của bột sắn dây không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, bạn có thể sử dụng thực phẩm này làm thức uống giải khát vào những ngày hè. Tuy nhiên, hãy lưu ý đến liều lượng uống mỗi ngày để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho cơ thể.

Bình luận