Râu ngô (râu bắp) là một bộ phận nằm trên phần chóp của trái bắp. Sau khi thu hoạch bắp, người ta sẽ thu gom phần râu ngô để làm ra trà râu ngô – một loại trà thảo mộc có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
1. Uống trà râu ngô có tốt không?
Từ xưa, người dân đã biết sử dụng trà râu ngô để làm thành một loại thức uống có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, ngoài công dụng thanh nhiệt, uống trà râu ngô còn mang đến một số lợi ích sức khỏe khác như:
1.1 Cải thiện tình trạng nhiễm trùng đường tiểu
Theo một số nghiên cứu y học cổ truyền, một số thành phần có trong râu bắp (hay râu ngô) hoạt động như một chất chống nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách bao phủ lớp niêm mạc đường tiết niệu và ngăn chặn sự kích ứng.
Do đó, uống trà râu bắp là một cách giúp làm dịu tình trạng viêm bàng quang và viêm đường tiết niệu. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để làm dịu tuyến tiền liệt khi bị kích thích.
1.2 Lợi tiểu
Một trong những tác dụng của trà râu ngô là nó có thể giúp lợi tiểu. Một số nhà khoa học đã xác định rằng trà râu ngô có khả năng lợi tiểu nhẹ (tăng sản xuất nước tiểu).
Việc sử dụng các loại thực phẩm lợi tiểu có thể giúp loại bỏ một số nguy cơ sức khỏe bao gồm suy tim sung huyết và các bệnh về thận mãn tính.
1.3 Giảm viêm
Một số quan điểm của y học cổ truyền cho rằng, trà râu ngô có thể giúp giảm đau do các bệnh như gút và viêm khớp gây ra. Tác dụng lợi tiểu của nó có thể ngăn chặn sự hình thành axit uric dư thừa trong các khớp cơ thể, nguyên nhân dẫn đến cơn đau bệnh gout.
1.4 Ngăn ngừa béo phì
Béo phì là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho người mắc bệnh. Béo phì có thể do nhiều yếu tố gây ra, trong đó một số người tăng cân quá mức do giữ nước dư thừa và tích tụ độc tố trong cơ thể. Uống trà râu bắp sẽ giúp loại bỏ nước dư thừa và chất thải ra khỏi cơ thể, từ đó thể giúp giảm nguy cơ bị tăng cân, béo phì.
1.5 Giảm lượng đường trong máu
Trà râu ngô là một trong những loại thức uống tuyệt vời cho những người bị huyết áp cao. Uống trà râu ngô có thể giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng mức độ insulin trong cơ thể, hỗ trợ cải thiện chứng suy tim sung huyết, đái tháo đường, cholesterol cao…
Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn
2. Cách nấu nước trà râu ngô thanh mát
Trà râu ngô rất dễ uống lại vô cùng dễ nấu. Dưới đây là 2 cách nấu trà râu ngô ngọt mát, giải nhiệt và bổ dưỡng:
2.1 Trà râu ngô nguyên chất
Chuẩn bị
- Râu ngô: 100g
- Mía lau: 100g
- Lá dứa: 1 bó (3 - 5 lá)
- Đường: 150g
- Nước: 1.5 lít
Cách nấu trà râu ngô
- Râu ngô, lá dứa mua về rửa nhẹ nhàng với nước cho thật sạch rồi để ráo nước. Mía lau bạn rọc sạch phần vỏ bên ngoài, sau đó cắt đoạn ngắn.
- Cho râu ngô, lá dứa, mía lau vào nồi, thêm 1.5 lít nước vào rồi đậy nắp và đun với lửa nhỏ. Tiếp tục đun cho đến khi hỗn hợp nước thật sôi thì bạn vớt các nguyên liệu ra khỏi nồi.
- Sau đó bạn thêm 150g đường vào, khuấy nhẹ nhàng để giúp đường nhanh tan hơn. Tiếp theo, bạn dùng rây lọc, lọc sạch hết phần xác mía lau còn sót lại để nước râu ngô được trong và đẹp hơn.
- Tiếp tục nấu đến khi nước sôi mạnh trở lại thì bạn có thể tắt bếp rồi nhấc nồi xuống và để nguội. Cuối cùng là bạn múc trà ra ly và thưởng thức.
2.2 Trà râu ngô mã đề rau má
Chuẩn bị
- Râu ngô: 50g
- Rau má: 50g
- Mã đề: 50g
- Nước: 1 lít
- Muối: 1 ít
Cách nấu trà râu ngô mã đề rau máu
- Trước hết, bạn nhặt sạch rồi rửa các loại nguyên liệu râu ngô, mã đề, rau má qua một lượt, sau đó đem ngâm tất cả nguyên liệu với nước muối loãng trong khoảng 5 - 7 phút. Tiếp theo bạn rửa lại với nước rồi vớt ra rổ để ráo.
- Sau đó, bạn cho 1 lít nước vào nồi và đun sôi trong khoảng 3 - 5 phút. Kế đến, bạn cho râu ngô, rau má, mã đề vào cùng và đun khoảng 10 - 15 phút với lửa vừa.
- Khi thấy nước sôi, bạn điều chỉnh về lửa nhỏ và tiếp tục nấu khoảng 15 phút cho nước cốt của các loại nguyên liệu được ra hết là xong.
- Sau cùng bạn gạn lấy phần nước cho ra ly là có thể sử dụng ngay được rồi.
Những ai không nên uống trà râu ngô?
Mặc dù là thức uống bổ dưỡng tốt cho sức khỏe, nhưng trà râu ngô cũng có thể sẽ không an toàn cho một số đối tượng sau đây:
- Phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mang thai: Hiện đại không có đủ bằng chứng cho thấy trà râu bắp là thức uống hoàn toàn an toàn cho thai phụ hoặc em bé.
- Người đang dùng thuốc theo toa để điều trị bệnh lợi tiểu và đái tháo đường thì không nên uống trà râu ngô, bởi một số thành phần trong trà có thể can thiệp vào dược tính của thuốc.
- Người có tiền sử các vấn đề về gan hoặc các vấn đề về thận nên nói chuyện với bác sĩ trước khi uống loại trà râu ngô để tránh phát sinh những nguy cơ sức khỏe không cần thiết.
Nhìn chung, trà râu ngô là loại thức uống dân dã, thanh mát cơ thể, kèm theo đó là một số lợi ích tốt cho sức khỏe. Cách nấu trà râu ngô cũng vô cùng đơn giản cho bạn thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, trà râu ngô không hoàn toàn lành tính, do đó, nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng kể trên nên hạn chế uống trà râu ngô để giữ an toàn cho sức khỏe.