Giống như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, rốn cũng cần được làm sạch vì vi khuẩn, bã nhờn và tế bào da chết có thể bị mắc kẹt bên trong. Tuy nhiên, mọi người thường phớt lờ việc làm sạch rốn.
Một nghiên cứu hồi năm 2012 cho thấy, có khoảng 67 loại vi khuẩn khác nhau nằm trong rốn. Do hình dạng của rốn, những thứ như tóc, dầu, bụi bẩn, tế bào da và sợi vải có thể tích tụ ở đây và có thể gây mùi hôi hoặc nhiễm trùng.

Tiến sĩ Karan Rajan (NHS) và Tiến sĩ Tosin Ajayi-Sotubo, bác sĩ đa khoa, người sáng lập Mind Body Doctor chia sẻ một số thông tin về việc làm sạch rốn.
Điều gì có thể xảy ra nếu không vệ sinh rốn?
Rốn là nơi chứa vi khuẩn, bã nhờn và tế bào da chết. Trong một số trường hợp, những chất này tích tụ lại, nó có thể tạo thành một khối giống như đá gọi là omphalolith - mắc kẹt bên trong rốn.
Những trường hợp này khá ít nhưng Tiến sĩ Karan Rajan cho biết: “Vì tôi phẫu thuật nhiều ở vùng bụng nên tôi nhìn thấy các bệnh này nhiều hơn bình thường".
Ông nhấn mạnh, thói quen vệ sinh rốn nhất quán có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh này.
Nên vệ sinh rốn bao lâu một lần?
Không có quy tắc cứng nhắc nào về việc bao lâu nên vệ sinh rốn một lần. Điều này nên được kết hợp với thói quen vệ sinh thường xuyên của bạn – chẳng hạn khi tắm.
Tiến sĩ Ajayi-Sotubo cho biết: “Tắm hàng ngày giúp loại bỏ rất nhiều vi khuẩn, bã nhờn và tế bào da chết. Tuy nhiên, bạn cũng nên đặt mục tiêu làm sạch cụ thể, tập trung vào rốn mỗi tuần một lần".
Chốt lại, vệ sinh rốn 1 lần/ngày hay 1 tuần/tuần – tùy vào sự lựa chọn của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn tập thể dục nhiều, bạn nên vệ sinh rốn thường xuyên hơn.
Cách tốt nhất để làm sạch rốn?
Giống như rửa mặt, bạn nên tránh chà xát vùng da xung quanh và bên trong rốn quá mức.
Tiến sĩ Rajan nói, hãy vệ sinh đơn giản bằng sữa tắm và nước, chỉ cần dùng ngón tay (với móng tay ngắn) chà nhẹ là đủ.
Ông cho biết thêm, nếu rốn quá sâu, bạn có thể dùng tăm bông ướt để vệ sinh rốn một cách nhẹ nhàng.
Ngoài ra, cần tránh sử dụng các sản phẩm có chứa cồn để vệ sinh rốn, vì nó có thể làm khô da nếu sử dụng nhiều lần và có thể dẫn đến mẩn đỏ.
Nếu bạn mới xỏ khuyên rốn, có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm để vết thương lành lại. Điều quan trọng là phải giữ sạch và khô để tránh nhiễm trùng.
Đầu tiên, rửa tay bằng nước ấm và sữa tắm rồi lau khô. Tiếp theo, nhẹ nhàng lau sạch vùng da bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc ngâm một miếng vải sạch vào dung dịch rồi đắp lên vùng da đó. Tránh làm sạch quá mức vì nó có thể gây kích ứng da và làm chậm quá trình lành vết thương.