Tuỳ theo sở thích, mỗi người có thể chọn cho mình một tư thế ngủ khác nhau, tuy nhiên, nếu sở thích của bạn lại không phù hợp với thể chất hoặc vấn đề sức khoẻ mà bạn đang gặp phải thì sau mỗi lần ngủ dậy – thay vì cảm giác thư giãn bạn có thể cảm thấy đau đớn cổ, vai, gáy hoặc mỏi mệt hơn.
Do đó, hãy cân nhắc hơn trong việc lựa chọn tư thế ngủ để có được giấc ngủ ngon, có khoảng thời gian nghỉ ngơi chất lượng sau những ngày làm việc mỏi mệt nhé!
Xem thêm: Hậu COVID-19, bị mất ngủ phải làm sao?
Nằm ngủ theo tư thế bào thai
Ngủ ở tư thế “bào thai” tức là tư thế ngủ mà bạn cuộn tròn người về phía đầu gối. Đây là tư thế phổ biến nhất, nó không chỉ thoải mái mà còn giúp giảm đau lưng và giảm chứng ngáy ngủ. Tư thế này rất tốt cho phụ nữ đang mang thai.
Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng, bạn hoàn toàn thả lỏng và nằm cong người cách tự nhiên, nếu không, tư thế này có thể cản trở hô hấp sâu trong khi ngủ. Vì khi cong người quá mức, cơ hoành kéo xuống gây ra tình trạng khó thở.
Lời khuyên là, khi ngủ theo tư thế này, bạn có thể ôm thêm gối ôm để tránh tình trạng nằm quá cong người.
Nằm ngủ theo tư thế nghiêng
Ở tư thế này, đầu và thân bạn nghiêng về bên trái hoặc phải, cánh tay đặt dưới cơ thể hoặc duỗi ra, chân xếp chồng lên nhau. Việc ngủ nghiêng với một chiếc gối dưới bụng hoặc giữa hai đầu gối sẽ giúp thai phụ giảm đau lưng.
Dù vậy, nhược điểm của tư thế ngủ này là bạn dễ bị tê tay, chân nếu nằm ở một bên suốt đêm. Phụ nữ ngủ tư thế này cũng dễ xảy ra nguy cơ bị lệch một bên ngực, chảy xệ ngực, đẩy nhanh quá trình lão hóa da, khiến da bị nhăn.
Nếu nằm lâu về bên trái còn có thể ảnh hưởng chức năng tim, còn nằm lâu bên phải làm giảm khả năng không khí vào phổi. Nếu nằm lâu về bên phải có thể gây đau lưng mãn tính vì phần lớn trọng lượng của cơ thể sẽ dồn lên lưng và cột sống, gây ra đau lưng.
Lời khuyên là, bạn nên luân phiên thay đổi tư thế nghiêng trái hoặc nghiêng phải để có thể khắc phục các tình trạng trên.
Nếu bạn hay ngáy khi ngủ thì có thể chọn tư thế nằm nghiêng; phụ nữ mang thai cũng nên ngủ nghiêng bên trái vì nó giúp cải thiện tuần hoàn tới thai nhi.
Ngoài ra, nếu bạn mắc những bệnh liên quan đến dạ dày thì nên ngủ nằm nghiêng về bên trái để dạ dày nằm ở vị trí ổn định, giúp thức ăn ở yên trong dạ dày, không bị đẩy ngược lên và trào ra khỏi van thực quản.
Nằm ngủ theo tư thế ngửa
Nằm ngửa là tư thế ngủ với hai chân duỗi thẳng, tay để hai bên hông hay đặt ngang ngực/bụng khá phổ biến.
Tư thế này phù hợp với người có thể thở bình thường trong khi ngủ. Việc kết hợp tư thế này với gối ở chân giúp giảm đau khớp và phù nề, đồng thời giảm nguy cơ suy tim.
Tuy nhiên, tư thế nằm ngửa khi ngủ có thể làm trầm trọng tình trạng khó thở nếu bạn có vấn đề hô hấp; có khả năng dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ - nguyên nhân của nghiến răng, ợ chua…Tư thế này cũng không tốt cho những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do khi nằm ngửa, van ngăn axit ở dạ dày bị mất kiểm soát, khiến axit và thức ăn chưa kịp tiêu hóa trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, gây ra ợ nóng khó chịu và đôi khi là đau tức ngực.
Lời khuyên là, nếu bạn thường mỏi người và không có bệnh hô hấp, thì nằm ngửa có thể là lựa chọn tốt.
Nằm ngủ theo tư thế sấp
Đây là tư thế ngủ ít phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ. Tư thế này giúp người ngủ dễ thở và cơ thể có cảm giác dễ chịu hơn nếu nằm trên một chiếc nệm êm. Ngoài ra, việc nằm sấp và ôm sát cánh tay vào cơ thể có thể mang lại sự thoải mái về tâm lý và giữ nhiệt.
Vấn đề của tư thế ngủ này là dễ dẫn đến đau cổ vì nghiêng một bên, đồng thời làm căng cơ vai, cơ lưng trên. Ngoài ra, trọng lượng cơ thể lớn có thể ảnh hưởng đến phổi.
Lời khuyên là, nếu muốn nằm sấp khi ngủ, hãy cố gắng giảm cân bởi chu vi cổ càng lớn sẽ gây ra tình trạng khó thở, hoặc ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra có thể dùng một chiếc gối kê đầu loại chuyên dùng trong spa.
Kê hoặc gối cao đầu
Một số người thích ngủ trên ghế tựa có độ nghiêng lớn hoặc kê gối cao khi ngủ. Cách ngủ này giúp giảm nguy cơ ngủ ngáy và những vấn đề liên quan chứng ngưng thở. Ngoài ra, việc nâng đầu khoảng 20-30 độ có thể hỗ trợ giảm đau cổ.
Tuy nhiên, tư thế ngủ này khiến bạn không thể thay đổi dáng ngủ và có thể xuất hiện vấn đề thở bằng miệng, gây khô môi và lâu dần dẫn đến một số bệnh nha chu.
Trên thực tế, mỗi người đều thay đổi nhiều tư thế ngủ trong một đêm. Các nghiên cứu cho thấy một người có thể đổi vị trí 10-40 lần, sau đó trở về tư thế quen thuộc của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp vấn đề sức khỏe, hãy gắng thử nghiệm kiểu ngủ khác xem có dễ chịu hơn không nhé.