Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cây Nêu ngày Tết là gì?

VOH - Cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống và ẩn chứa câu chuyện kỳ bí về việc xua đuổi ma quái, bảo vệ gia đình khỏi xui xẻo, cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng.

Vào dịp Tết đến xuân về, cây nêu luôn xuất hiện trong không gian gia đình và trở thành một phần trong phong tục Tết Nguyên Đán của người Việt. Hình ảnh cây tre cao vươn lên bầu trời, ngọn cây thường được trang trí bằng những vật phẩm đặc trưng nhiều màu sắc không chỉ là một nghi lễ mang tính tâm linh mà còn chứa đựng những câu chuyện và ý nghĩa sâu sắc. 

Vì sao cây nêu có sức mạnh xua đuổi tà ma?

Câu chuyện "Sự tích cây nêu ngày Tết" trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam kể vào thời xa xưa, các loài quỷ thường xuyên quấy phá con người khiến mùa màng thất bát, hoa lợi mất đi. Phật Bà chứng kiến cảnh khổ sở của nhân dân đã quyết định giúp đỡ.

Theo lời Phật dạy, con người cần phải trồng một cây nêu thật cao, dùng cây tre làm trụ và treo một chiếc áo cà sa lên ngọn cây. Phật thỏa thuận với quỷ rằng, bóng của chiếc áo cà sa phủ đến đâu nơi đó sẽ thuộc quyền quản lý của con người, đất đai sẽ được canh tác và hoa lợi sẽ thu được bởi con người. Phần còn lại không được bóng áo phủ đến sẽ là lãnh thổ của quỷ. Quỷ đồng ý với thỏa thuận này nhưng Phật đã sử dụng thần thông để khiến bóng áo cà sa phủ lên tất cả đất đai, xua đuổi quỷ ra ngoài biển Đông.

Dù bị đuổi ra biển, mỗi năm vào dịp Tết, các loài quỷ vẫn tìm cách quay trở lại đất liền để tìm tổ tiên cũng như kiếm thức ăn. Vì vậy, người dân đã dựng cây nêu vào mỗi dịp Tết và treo trên ngọn cây những vật phẩm như miếng vải, lá bùa hoặc chiếc khánh đất nung. Khi gió thổi, chiếc khánh sẽ phát ra tiếng động như một cách để xua đuổi quỷ. Theo niềm tin dân gian, người dân cũng treo lá dứa hoặc cành đa mỏ hái trên cây nêu, những vật này có khả năng đẩy lùi tà ma, bảo vệ gia đình khỏi những xui xẻo.

Phong tục dựng cây nêu và những biến tầu theo vùng miền

Phong tục dựng cây nêu vào dịp Tết vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, mời gọi tài lộc vừa phản ánh sự phong phú về văn hóa, tập quán của mỗi vùng miền. Mỗi địa phương ở Việt Nam có những cách dựng cây nêu mang bản sắc và truyền thống độc đáo riêng biệt của cộng đồng.

Cây nêu vươn cao xua đuổi tà ma, mang lại sự sinh sôi, ấm no và hạnh phúc cho gia đình.

Thời gian dựng cây nêu cũng có sự khác biệt giữa các vùng miền và dân tộc. Người Kinh thường dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch để ngăn ngừa ma quái trong thời gian ông Công - ông Táo lên chầu trời. Trong khi đó, các dân tộc như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái) lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp. Người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu Tào từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch và đến ngày 7 tháng Giêng là ngày hạ nêu. Đồng bào dân tộc Sán Dìu cũng dựng cây nêu trong lễ Cầu Mùa.

Ở miền Bắc, cây nêu thường được dựng rất đơn giản và mộc mạc. Cây tre được chọn làm trụ chính, cao vươn thẳng và vững chãi thể hiện sự kiên định, mạnh mẽ của con người. Trên ngọn cây thường treo những vật phẩm truyền thống như cá chép, thư pháp, tiền vàng,... Ở miền Trung, ngoài những vật phẩm như ở miền Bắc, cây nêu còn được người dân miền Trung treo những dải lụa đỏ biểu trưng cho sự may mắn và tài lộc hoặc cũng có thể trang trí thêm những miếng vải màu sắc rực rỡ biểu thị sự sống động, tươi mới của mùa xuân. 

Tại miền Nam, cây nêu có sự trang trí phức tạp và phong phú nhất. Không chỉ treo các vật phẩm như rượu, nhang đèn, hoa quả, bánh mứt,... người dân miền Nam còn thường treo quà lì xì, tiền vàng và những món quà được gói ghém cẩn thận. Đặc biệt, cây nêu miền Nam còn được trang trí với những lá dứa, lá trầu và các vật phẩm khác, những thứ mà người dân tin rằng có thể xua đuổi tà ma mang lại sự bình an, thịnh vượng cho gia đình.

Dù có sự khác biệt trong hình thức và cách thức dựng cây nêu giữa các vùng miền nhưng ý nghĩa cốt lõi của phong tục này vẫn không thay đổi.

Cây nêu - Di sản văn hóa thiêng liêng của người Việt

Cây nêu là biểu tượng văn hóa sâu sắc, phản ánh tín ngưỡng về sự kết nối thiêng liêng giữa con người và thế giới thần linh. Nó được dựng lên với mong muốn xua đuổi ma quái, bảo vệ gia đình đồng thời cầu chúc sức khỏe, tài lộc và may mắn cho một năm mới an lành. Cây nêu không chỉ xuất hiện trong dịp Tết Nguyên Đán mà còn trong các lễ hội dân gian khác ở nhiều địa phương. Ở các lễ hội như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) hay Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ).

Lễ thượng Nêu thể hiện sự kết nối các thế hệ, sự đa dạng, phong phú về nét văn hóa của từng vùng miền. Ảnh: baodantoc.vn

Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ phai mờ, cây nêu vẫn kiên cường đứng vững như một lời nhắc nhở yêu thương về tầm quan trọng của những nghi thức tâm linh, mối liên kết thiêng liêng giữa con người và thiên nhiên. Phong tục này không chỉ giúp mỗi gia đình đón một năm mới bình an mà còn là sợi dây kết nối thế hệ trước với thế hệ sau, truyền lại những giá trị văn hóa quý báu.

Cây nêu với những câu chuyện kỳ bí và nghi lễ đầy sắc màu là phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Đó là biểu tượng của những hy vọng tươi sáng về một tương lai hạnh phúc, thịnh vượng, tràn đầy tình yêu thương và sự gắn kết.

Bình luận