Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đêm Sài Gòn nhớ tiếng hủ tiếu gõ

(VOH) - Trải qua nhiều thăng trầm, hủ tiếu gõ vẫn cứ là một món ăn bình dân được tầng lớp lao động yêu thích, và cũng là một nét văn hóa rất riêng khiến người ta nhớ đến một Sài Gòn yên bình về đêm.

Với người dân TPHCM-Sài Gòn, những âm thanh đường phố, tiếng còi xe, tiếng tàu hỏa, tiếng xe cấp cứu, xe cảnh sát hay những thứ tiếng hỗn tạp phát ra từ các công trường xây dựng… đã trở nên khá quen thuộc, quen thuộc tới mức chẳng có ai muốn tách bạch âm thanh đó xem chúng phát ra từ đâu, từ hướng nào, quen tới mức, một đêm nào đó bất chợt bước chân ra đường lại bỗng dưng thấy… lạ bởi Sài Gòn êm ả quá và thiếu vắng sao tiếng ồn ã xe cộ.

Đêm Sài Gòn nhớ tiếng hủ tiếu gõ

Xe hủ tiếu gõ. Ảnh: N.T

Chỉ có những người dân tỉnh lẻ mới lên thành phố, còn hay thon thót giật mình bởi còi xe, còn e dè khi hòa mình vào dòng người vội vã trên đường mới hay tìm hiểu, lắng nghe những âm thanh lạ bắt đầu len lỏi vào của cuộc sống của họ. Và cũng không ít người trong số đó cứ khắc khoải và tò mò mãi về tiếng hủ tiếu gõ, lách cách, lóc cóc, lách cách khắp các con hẻm ở Sài Gòn.

Âm thanh của xe hủ tiếu được vang lên từ hai thanh gỗ hoặc kim loại đập vào nhau hay đơn giản hơn là âm thanh của hai chiếc muỗng hủ tiếu gõ vào nhau những nhịp đều đều. Tiếng gõ hủ tiếu rất riêng mà không hề lẫn với những tiếng xèng xét…xèng xét…” của những người làm nghề tẩm quất.

Mà không biết có nhiều người để ý nghe tiếng gõ hủ tiếu không chứ ai để ý cũng cảm thấy đó là thứ âm thanh đơn độc nao người, chỉ cần nghe thôi cũng đủ cảm thấy lòng xa vắng, bải hoải về hình ảnh những con người vất vả mưu sinh đêm bên xe hủ tiếu. Và nếu có lúc nào đó, tình cờ đi làm về trễ, bắt gặp xe hủ tiếu đìu hiu dưới đêm mưa, chắc không ai có thể dịu lòng trước hình ảnh xe hủ tiếu nhỏ bé nép mình bên hiên vắng với những tấm bạt che tạm bợ và những chiếc bàn ướt át xếp đầy những chai nước tương, ớt, chanh, đũa, muỗng,… Dù vậy, những xe hủ tiếu chưa bao giờ bớt đi và nhiều người vẫn còn trung thành với món ăn dung dị ấy.

Cho tới tận bây giờ, chẳng ai biết rõ nguồn gốc xuất xứ của hủ tiếu gõ và cũng chẳng ai biết hủ tiếu gõ xuất hiện ở đất Sài Gòn tự bao giờ. Chỉ biết rằng, những xe hủ tiếu gõ xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm và đa số người bán hủ tiếu gõ có gốc gác quê quán từ Quảng Ngãi. Và rất nhiều người dân Quảng Ngãi theo nghề tin rằng, miền quê của họ chính là nơi sản sinh ra hủ tiếu gõ và nấu hủ tiếu gõ ngon nhất.

Bà Phạm Thị Trông - một người bán hủ tiếu gõ trên đường Phan Đăng Lưu – quận Phú Nhuận tự hào khoe: “Nguồn gốc là tại Quảng Ngãi nhưng ngon nhất là ở huyện Đức Phổ. Chỉ có huyện Đức Phổ của tôi là nấu hủ tiếu ngon thôi, còn các huyện khác nấu hủ tiếu không ngon bằng đâu. Ngoài ra thì ở ngoài đó có món Mì Quảng rồi các món khác, nhưng hủ tiếu là không bằng cả huyện của tôi, từ đời ông bà, cha mẹ cứ truyền nhau từ đời này rồi sau này đến con tôi”.

Trong số rất nhiều món ăn gắn liền với ẩm thực của người Sài Gòn xưa và nay, hủ tiếu gõ có lẽ là món ăn đơn giản mà giá cả thì gọi là mềm nhất so với vô số các loại hủ tiếu đặc sản như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang… Chỉ với một chiếc xe đẩy nho nhỏ, một người bán và một người bưng bê, kiêm giao hàng, kiêm gõ là những người ta có thể theo nghề.

Những người bán hủ tiếu gõ luôn tự hào về chiếc xe của họ bởi nó có thể gồng gánh nào lò than, nồi nước lèo, nào tủ đựng hủ tiếu, thịt, bò viên, bát đĩa, gia vị, nước tương và cả vài ba bộ bàn ghế nhựa, đủ để xếp nem nép trong các con hẻm nhỏ phục vụ khách hàng lỡ bữa.

Bà Phạm Thị Trông kể, ngày nào bà cũng phải dậy sớm từ 3h sáng đi chợ, mua rau, gia vị, xương về ninh nước lèo chuẩn bị cho buổi bán hàng. Và rồi cứ khoảng 3-4 giờ chiều, hai mẹ con lại đẩy xe hủ tiếu ra con hẻm nhỏ gần khu trọ để bán. Ngày nào cũng như ngày nào, xe hủ tiếu phục vụ khách hàng đến 10 - 11h đêm mới dọn. Nói về hương vị riêng của hủ tiếu gõ, bà Trông chia sẻ: "Trong tô hủ tiếu không thể thiếu hẹ giá hành phi, nhất là tóp mỡ, hành phi. Ở đây bán đắt khách nhất là da heo. Còn tóp mỡ hành phi mình phải mua về tự làm, chứu mua ngoài chợ làm sẵn về thì hôi và không ngon".

Trải qua một thời gian dài, vẫn nồi nước lèo đó, nhưng những người bán hàng đã đưa thêm nhiều món vào thực đơn của mình như hủ tiếu hoành thánh, mì hoành thánh, hủ tiếu mì, nui… để tăng thêm sự lựa chọn cho thực khách, đặc biệt là các khách hàng bình dân. Chính sự lanh lẹ và tiếng gõ lách cách giòn tan của những người “tiếp thị” đã giúp hủ tiếu gõ đến được với nhiều người.

Trong khi nhiều món ăn đường phố dân giã liên tục tăng giá theo xăng, theo điện thì hủ tiếu cũng tăng nhưng vẫn giữ được giá cả bình dân và thành món ăn quen thuộc, vừa túi tiền của nhiều người. Chị Đặng Thị Thanh Nga – công nhân may làm việc ở Thủ Đức, thường xuyên ăn hủ tiếu gõ ở đây, chia sẻ: "Khu này người lao động cực nhọc rất nhiều. Giàu thì không có bao nhiêu, đa phần là người lao động ở các nơi về đây ở. Ở nhà trọ chật chội, nhiều khi người ta không cho nấu nướng gì, nên có món ăn rẻ rẻ nhưng mà no bụng".

Chú Đào Tương - một người bán hủ tiếu quê gốc Quảng Ngãi, đang bán hủ tiếu tại Quận Thủ Đức cho biết, bây giờ bán cao nhất là 20 ngàn/tô chứ cũng không lên nhiều: "Xưa chú bán dưới Sài Gòn, quận 1, giá từ có 2 ngàn đồng và lên từ từ, đến nay bình dân là 15 ngàn, mình bán khách mối quen, cho dân lao động, công nhân, rẻ, bình dân người ta ăn được, chỉ bán giá đó vì ở đây đồng giá vậy rồi, mình lên giá thì bán không được".

Trải qua nhiều thăng trầm, song hủ tiếu gõ vẫn tồn tại và trở thành một trong những món ăn quen thuộc của người bình dân ở TPHCM. Chỉ có điều những xe hủ tiếu gõ ít xuất hiện ở các khu vực trung tâm mà thay vào đó ẩn mình sâu trong các con hẻm lớn nhỏ ở khu vực giáp giới giữa quận 1, quận 5 và quận 10 hay dạt về vùng ven, nơi tập trung đa số người nghèo, lao động bình dân, công nhân, sinh viên… Và do điểm bán cố định và những khách hàng trở nên quen thuộc nên cũng không còn nhiều người sử dụng tiếng gõ đêm để “rao” hủ tiếu.

Dù vậy, tiếng gõ hủ tiếu vẫn chưa hề mất đi mà đôi khi, trong những đêm mất ngủ bạn có thể bất chợt lắng nghe những âm thanh “lóc cóc… lóc cóc…” quen thuộc đó. Thứ âm thanh dung dị khơi gợi trong bạn nhiều cảm xúc khác nhau và chắc chắn đó cũng là khi âm thanh len lỏi vào kí ức của mỗi người, ngay cả khi bạn đã quen với âm thanh thành phố. Thứ âm thanh giòn tan mà ám ảnh ấy sẽ khiến nhiều người khó quên…

Phương Dung

Bình luận